Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 3/2013 bất ngờ giảm 0,19% so với tháng trước. Đây là mức giảm đầu tiên trong vòng 9 tháng qua.
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 cả nước đã giảm 0,19% so với tháng 2. Đây là mức giảm đầu tiên kể từ tháng 7/2012. Tuy vậy, so với cùng kỳ, CPI tháng 3 vẫn tăng khoảng 6,64%.
Mức giảm đáng kể của CPI tháng 3 là nhờ mức giảm của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức giảm 0,53%, trong đó, mặt hàng lương thực, thực phẩm đều giảm.
Một số nhóm hàng khác góp phần cho CPI tháng 3 giảm, đó là đồ uống và thuốc lá, giảm nhẹ 0,08%, nhóm giao thông giảm 0,25%. Nhóm bưu chính viễn thông vẫn tiếp tục giảm ở mức 0,05%.
Các nhóm hàng khác trong rổ tính CPI chỉ có mức tăng nhẹ, dưới 0,25%. Cụ thể: Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng khoảng 0,25%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,23%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,09%...
Không tính vào CPI tháng 3, nhưng Tổng cục Thống kê vẫn công bố chỉ số giá vàng trong tháng 3 giảm ở mức 2,73%. Trong khi đó, chỉ số đô la Mỹ lại nhích tăng 0,41%.
Xét theo địa phương, CPI tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Hải Phòng... đều giảm. Riêng CPI tại Thừa Thiên Huế tăng nhẹ 0,14%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 được khá nhiều người chờ đợi, do đây là một trong những tín hiệu từ nền kinh tế có tác động ngược trở lại đối với chính sách tiền tệ.
Nhiều nhà phân tích cũng chờ đợi CPI tháng 3 để có thể đánh giá, phân tích, dự đoán hướng đi tiếp theo của chính sách điều hành, cũng như của thị trường. Nếu CPI không tăng cao, nghĩa là thị trường tạm thời yên tâm về nguy cơ lạm phát.
Ở CPI tháng 2, dấu hiệu tăng cao một phần do tính chất mùa vụ, là thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán, nhưng nhiều nhận định cho thấy vẫn có áp lực tăng lạm phát. Lý do là bởi đã có khá nhiều lời đề nghị điều chỉnh tăng giá điện, xăng, và cả lực đi lên bất thường của tỷ giá USD.