Ngày 27/2, việc NHNN ký hợp đồng gia công vàng miếng với công ty SJC đã tạo đà giúp chênh lệch giá vàng giảm mạnh từ 5 triệu xuống còn hơn 2 triệu đồng/lượng. Song, mức giá này chỉ được duy trì trong ngắn hạn, giá vàng lại quay đầu tăng mạnh, khoảng cách chênh lệch lại lên tới 4 triệu đồng/lượng.
Tuần qua tiếp tục ghi nhận sự lên xuống thất thường của giá vàng, cùng với đó là khoảng cách chênh lệch luôn neo ở mức cao. Đỉnh điểm của sự tăng giảm thất thường là phiên giao dịch ngày 6/3, có thời điểm giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng hơn 600.000 đồng/lượng, bật lên mốc 44,2 triệu đồng/lượng rồi quay lại 44 triệu đồng.
Điều đáng nói là giá vàng thế giới cũng như nhu cầu trong nước thời gian này không có sự biến động nào đáng kể. Cùng với đó là động thái triển khai phiên đấu thầu thử nghiệm mua bán vàng của NHNN với các DN, NH.
Các phiên giao dịch tiếp theo, giá vàng tiếp tục vũ điệu tăng giảm của mình, song, mức chênh lệch luôn quanh mốc 4 triệu đồng/lượng. Chốt phiên giao dịch tuần, giá vàng neo ở quanh mốc 43,95 triệu đồng/lượng, mức chênh giá dừng ở 3,9 triệu đồng/lượng. Tính chung một tuần giao dịch, giá vàng đã tăng khoảng 150.000 đồng/lượng. Giao dịch trên thị trường không có nhiều biến động.
Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giá vàng đã được các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế mổ xẻ từ lâu. Mới đây nhất, trong buổi trao đổi trực tuyến về vàng, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp tục cho rằng, một trong những lý do chính tác động tới chênh lệch giá vàng thời gian qua vẫn là việc các NH phải đẩy mạnh thu mua vàng trước thời hạn ngừng mọi hoạt động huy động vàng. Kết quả kinh doanh vàng thua lỗ của các NH thời gian qua cho thấy không thể có hiện tượng lợi ích nhóm các NH kinh doanh vàng.
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC thì cho rằng, sự thiếu liên thông với thị trường thế giới đã đẩy giá vàng trong nước lên cao. Trước đây, để giữ giá sát với giá thế giới, trung bình mỗi năm Việt Nam phải nhập từ 30 - 40 tấn vàng, tương đương 1,8 - 2,4 tỷ USD (37.000 - 50.000 tỷ đồng), rất dễ gây ra lạm phát, áp lực tỷ giá và hàng loạt những hệ lụy kinh tế khác.
Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, sự tăng giảm của giá vàng là phản ứng tất yếu của thị trường khi một cơ chế mới được thành lập và đưa vào hoạt động. Cùng với đó, nguồn cung trên thị trường lúc này vẫn chưa đáp ứng được cầu, sự thiếu cung tất yếu tiếp tục tạo ra những biến động về giá.
Về nghi vấn đầu cơ, làm giá, TS Hiếu cho rằng, đây là hiện tượng không hề lạ với thị trường vàng Việt Nam. Yếu tố làm giá đã xuất hiện và luôn bám sát diễn biến thị trường. Sự chênh lệch giá trước nay vẫn luôn hàm chứa hiện tượng đầu cơ, làm giá.
Vậy bao giờ thị trường vàng mới thực sự ổn định? Các chuyên gia kinh tế đều nhận định, rất khó để dự đoán chính xác diễn biến giá vàng, đặc biệt là trong ngắn hạn. Song sự tham gia giao dịch của NHNN là điều rất quan trọng để điều chỉnh giá.
Cũng bởi thế, sự biến động trên thị trường chỉ thực sự giảm khi NHNN tiến hành giao dịch, tham gia thị trường với quy mô và cường độ lớn hơn. Nhiều khả năng, trong 6 tháng tới mới có thể thấy rõ hiệu quả của sự điều chỉnh này.
Trong giai đoạn hiện nay, khi mới áp dụng chính sách, tương đương với giai đoạn khởi đầu, giao dịch của NHNN vẫn dừng ở mức độ thử nghiệm, tác động chưa nhiều.
Ông Lê Hùng Dũng cũng cho rằng, khi NHNN can thiệp vào thị trường, đồng thời, lượng vàng lớn do SJC gia công được tung ra thị trường, nguồn cung lớn sẽ kéo giá trong nước về sát với giá thế giới.
"Điểm đáng mừng là điều kiện thị trường vàng nay đã khác xưa, từ thành phần tham gia thị trường tới điều kiện tham gia. Nếu như trước, diễn biến thị trường phụ thuộc chủ yếu vào người tham gia thị trường. Nay, mọi hoạt động đều trông chờ vào sự điều tiết của NHNN.
Do đó, trong thời gian tới, điều quan trọng nhất để có một thị trường ổn định chính là quyết tâm, sự kiên trì, bền bỉ, mạnh tay trong việc thực thi chính sách của NHNN. NHNN phải chứng tỏ được vai trò của mình trong vị trí là người mua bán cuối cùng” – TS Hiếu nhấn mạnh.