Tuy nhiên, sự thay đổi trong sở hữu vốn đưa Sacombank bước sang một trang mới, NHNN đang nắm giữ 51% vốn cổ phần.
Từ hợp tác xã tín dụng trở thành ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam
Được hình thành và phát triển từ cuối năm 1991, trên cơ sở hợp nhất, kết hợp nguồn lực của bốn tổ chức tín dụng gồm Ngân hàng Phát triển Kinh tế Gò Vấp, Hợp tác xã tín dụng Tân Bình, Thành Công và Lữ Gia với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng, 100 nhân viên và 4 chi nhánh.
Năm 1996, Sacombank phát hành cổ phiếu đại chúng với mệnh giá 200.000 đồng/CP để huy động vốn.
Năm 2001, Sacombank tiếp nhận vốn góp từ cổ đông nước ngoài với Dragon Financial Holding góp 10% vốn điều lệ.
Việc tham gia của Dragon Capital đã mở đường cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng ANZ tham gia vào Sacombank, nâng tổng số cổ phần của các cổ đông nước ngoài lên 30% vốn điều lệ.
Sau 24 năm phát triển, Sacombank đã trưởng thành về nhiều mặt, từ 3 tỷ đồng vốn điều lệ ban đầu đến hết tháng 6/2015 là 12.425 tỷ đồng, từ 100 cán bộ nhân viên ban đầu đến nay Saocmbank có đội ngủ kế thừa hùng hậu gần 11.000 con người đầy năng lực và nhiệt huyết.
Sacombank đã không ngừng đổi mới để thích ứng (giai đoạn 1991-2000), không ngừng nỗ lực để vươn cao, vươn xa (giai đoạn 2001 - 2010), từng bước khẳng định năng lực của một ngân hàng thương mại hàng đầu trên thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam và khu vực (giai đoạn 2011 - 2020).
“Cuộc chơi đối vốn”
Từ quý II/2011, cổ phiếu của Sacombank liên tục trong tình trạng dư bán, giá cổ phiếu có lúc xuống đến gần 11.000 đồng/CP, “cứu giá” cổ phiếu đã xảy ra.
Nhưng sau đó, các cổ đông lớn như ANZ, Dragon Capital , REE… lần lượt “ra đi”. Sacombank đối diện với “tin đồn bị Southernbank thâu tóm”.
Tháng 7/2011, ông Đặng Văn Thành khi đó là chủ tịch của Sacombank trả lời phỏng vấn của người viết rằng, “tin đồn đã có chút cường điệu bởi kinh doanh trong ngành nhạy cảm này, chúng tôi không chỉ “đối vốn” mà còn phải “đối nhân”.
Ông Thành cũng tự tin về việc nếu thay đổi chủ tịch và các nhân sự cấp cao có xảy ra cũng phải đến năm 2016.
Tuy nhiên, thương trường là chiến trường, doanh nhân có thể lường trước được các bước đi của doanh nghiệp nhưng không biết được tương lai doanh nghiệp đó thuộc về ai nhất là khi doanh nghiệp đã niêm yết cổ phiếu, đã là doanh nghiệp đại chúng.
Năm 2012, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012 tổ chức vào tháng 5/2012 của Sacombank, người đứng đầu Sacombank 20 năm giai đoạn sơ khai và phát triển thành hình, ông Đặng Văn Thành thông báo với cổ đông về “sự thay đổi lớn trong cơ cấu cổ phần” và “đại hội đồng cổ đông hôm nay là thời điểm chuyển giao”.
Trả lời phóng viên về việc nếu biết có sự chuyển giao ông Thành có niêm yết cổ phiếu Sacombank không ông Thành cho biết là công ty cổ phần tham gia thị trường chứng khoán chấp nhận cuộc chơi đẳng cấp - đối vốn.
Vì vậy, việc nhóm cổ đông mới tham gia vào Sacombank (góp vốn và điều hành, PV) là bình thường.
“Bước ngoặt” Sacombank
Cơ cấu sở hữu đã thay đổi, ông Đặng Văn Thành và các thành viên của gia đình ông không còn là cổ đông lớn của Sacombank.
Tháng 11/2012, không nằm ngoài dự báo của hầu hết những ai quan tâm đến Sacombank tại thời điểm đó, ông Đặng Văn Thành từ nhiệm vị trí chủ tịch Sacombank, thay vào đó ông Phạm Hữu Phú, người đại diện vốn của Eximbank tại Sacombank, khi đó là cổ đông lớn nhất của Sacombank nắm giữ “chiếc ghế” chủ tịch Sacombank.
Sự tham gia của Eximbank và các cá nhân đến từ Ngân hàng Southernbank khi đó làm cổ đông hoài nghi về việc ai mới thực sự là cổ đông lớn nhất của Sacombank? Liệu Sacombank, Eximbank và Southernbank có hợp chung một nhà?
Vào tháng 1/2013, Sacombank và Eximbank ký kết hợp tác chiến lược với 6 nội dung hợp tác chia thành 2 nhóm nội dung gồm nhóm hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính, và nhóm thỏa thuận nghiên cứu, xem xét trình Đại hội đồng cổ đông và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền việc hợp nhất và sáp nhập Sacombank và Eximbank.
Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2013 cho thấy ông Trầm Bê và các thành viên gia đình nằm giữ 6,79% vốn điều lệ của Sacombank.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 tổ chức vào quý II/2014, Hội đồng Quản trị trình cổ đông “Thuận chủ trương cho Ngân hàng TMCP Phương Nam – SouthernBank sáp nhập vào Sacombank”.
Không ít ý kiến của cổ đông phát biểu tại Đại hội không đồng ý sáp nhập Southernbank vào Sacombank do “không có lợi”, “vướng tay vướng chân” bởi nợ xấu của Southernbank là chưa rõ ràng.
Dù vậy, chủ trương sáp nhập Southernbank vào Sacombank cuối cùng đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua với tỷ lệ chấp thuận 97%.
Đến tháng 10/2015, việc sáp nhập Southernbank vào Sacombank được hoàn tất, vốn điều lệ mới của Sacombank 18.852 tỷ đồng, tổng tài sản 297.184 tỷ đồng.
Trong khi đó, “mối duyên” của Sacombank và Eximbank dường như phải dừng lại, đúng như lời của ông Lê Hùng Dũng phát biểu tại buổi lễ ký kết hồi năm 2013 rằng mọi nội dung liên quan đến việc hợp nhất hay sáp nhập giữa Sacombank và Eximbank “chỉ là nghiên cứu”.
Eximbank sẽ thoái toàn bộ vốn của mình khỏi Sacombank.
Đồng thời, tháng 8/2015, ông Trầm Bê cổ đông lớn của Sacombank khi đó đã tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ ngân hàng Southernbank,
Điều lệ ngân hàng Sacombank sau khi nhận sáp nhập Southernbank đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, Southernbank và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan.
Sau hợp nhất với Southernbank, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nắm giữ 51% vốn của Sacombank thông qua số cổ phần được ủy quyền. Sacombank trở thành ngân hàng "nửa quốc doanh".
Thay lời kết, cơ cấu sở hữu thay đổi, văn hóa của tổ chức chắc chắn ít nhiều bị ảnh hưởng.
Nhưng sau sáp nhập, Sacombank thuộc Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297.184 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt gần 24.506 tỷ đồng, mạng lưới hoạt động 563 điểm giao dịch, tổng số cán bộ nhân viên là 15.510 người đúng như định hướng của Sacombank đã vạch ra cho giai đoạn phát triển năm 2011 đến năm 2020.