Áp lực chỉ tiêu đổ dồn từ HĐQT xuống ban điều hành và từng phòng ban, chi nhánh. Trong khi đó, cổ đông không có cổ tức, nhân viên bị cắt thưởng, tiền lương thấp mà áp lực công việc ngày càng tăng.
Mở mắt ra là phải kiếm được 20 tỉ đồng
Ngày 5-11, trên mạng xã hội xôn xao với lá thư xin nghỉ việc của chị N.T.H., nhân viên một NH quốc doanh chi nhánh Quảng Ninh.
“Tôi công tác tại NH đã được sáu năm, luôn hoàn thành chỉ tiêu được giao nhưng nay tôi thấy công việc mình quá áp lực, niềm vui đi làm đã không còn. Mỗi ngày đến cơ quan tâm trạng thật nặng nề” - chị H. viết trong thư.
Kèm theo lá thư, chị H. cũng chia sẻ trên trang cá nhân những góc khuất phía sau “tấm áo NH”.
“Vội vã cho đứa lớn đi học, đứa bé ăn cháo để kịp đến trường rồi lao xe như bay đến cơ quan cho kịp giờ. Một nắm xôi hay ổ bánh mì nuốt nghẹn trong góc kho cơ quan và đôi lúc trốn vào nhà vệ sinh ăn vội vã.
Các con chẳng hiểu được mẹ nó lại như vậy khi khoác lên mình nuột nà bộ đồng phục NH đẹp như thế. Rồi 18g lao vội ra chợ mua vài thứ thức ăn ế ẩm dư thừa.
Đến nhà trẻ con trai 3 tuổi nước mắt nước mũi giàn giụa: Sao mẹ đón B. lâu thế? Cô trông con khó chịu cáu gắt: Con em sốt và đi ngoài như thế mà giờ em mới đón ư? Trả lời họ sao đây?” - chị H. viết.
Theo chị H., trước đây chị vẫn cảm thấy yêu thích công việc của mình nhưng nay, mỗi sáng ngủ dậy nghĩ đi làm là thấy gai lạnh.
“Điệp khúc huy động, cho vay quay cuồng trong bộ não vốn đã quá đầy lo toan.
Chỉ tiêu gì mà hằng ngày, hằng tuần vậy hả trời? Cái bầu không khí này ngột ngạt quá nhiều thở sao được đây? Và rồi lại điệp khúc trăm cuộc họp không hoàn thành, không làm được. Tự giác mà viết đơn nghỉ việc” - cô viết.
Trả lời Tuổi Trẻ, một phó tổng giám đốc NH nơi chị H. công tác, thừa nhận không chỉ nhân viên chịu áp lực, mà lãnh đạo còn áp lực hơn gấp nhiều lần. “6g chiều được về là sớm.
Tôi lãnh đạo, sáng 7g đến cơ quan, ngày nào sớm 7g tối mới về, còn tiếp khách thì 9g đêm. Có ngày làm việc 17 - 18 giờ, cuối tuần may mắn thì được nghỉ, còn không thứ bảy, chủ nhật vẫn họp hành, đi công tác” - ông này nói.
Theo vị này, với chỉ tiêu lợi nhuận năm nay là 7.500 tỉ đồng, mở mắt ra là phải lo làm sao kiếm được 20 tỉ đồng.
“Để đạt được chỉ tiêu này phải vắt óc suy nghĩ ra cách, rồi động viên, khuyến khích anh em, trong khi phải giảm chi phí không hợp lý, tăng tất cả nguồn thu...” - ông cho biết.
Là một trong những NH từng bị nợ xấu khá cao, nhiều khoản nợ nằm trong bất động sản, áp lực xử lý nợ xấu của Eximbank rất lớn, dù đã bán cho VAMC 7.000 tỉ đồng nợ xấu.
Với số nợ này, bình thường phải mất 10 - 15 năm mới xử lý được nhưng NH ra chỉ tiêu chỉ giải quyết trong 3 - 5 năm.
Để có thể đạt được mục tiêu, NH phải đạt lợi nhuận ít nhất 300 tỉ đồng/tháng. Áp lực là rất lớn. “Nợ xấu như căn bệnh ung thư, để hoài không được.
Và khi ưu tiên lợi nhuận để xử lý dứt điểm nợ xấu thì cổ tức cho cổ đông không còn” - ông Phạm Hữu Phú, tổng giám đốc Eximbank, nói.
Tăng thu, giảm chi
Nhiều NH khác cũng đang trong cuộc đua tăng thu giảm chi, dành lợi nhuận để xử lý nợ xấu. Giám đốc chi nhánh một NH cổ phần nói áp lực lợi nhuận hiện nay rất lớn vì lợi nhuận làm ra phải gánh được nợ xấu.
Muốn tăng thu, việc đầu tiên của NH là phải tăng huy động để có vốn cho vay ra. Chỉ tiêu giao rất cao, nhưng lãi suất huy động đang ở mức rất thấp nên rất khó để hút vốn.
Ngày xưa một món vay 100 tỉ đồng chỉ cần một khách hàng doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp có lý lịch tín dụng tốt thường “trả giá” rất dữ do được nhiều NH giành giật nên có cho vay cũng chẳng còn lợi nhuận.
Do đó, nhiều NH tập trung vào bán lẻ do lợi nhuận tốt hơn, nhưng món vay cá nhân thường nhỏ, chỉ vài trăm, thậm chí vài chục triệu đồng.
“Cũng chỉ tiêu đấy nhưng nhân viên tín dụng phải gặp gỡ, tiếp xúc bao nhiêu con người, quản lý món vay cũng khó hơn vì quá lắt nhắt. Chưa kể kiếm được khách hàng không dễ vì NH quốc doanh cũng cạnh tranh bán lẻ” - một nhân viên tín dụng nói.
Một cách tăng thu khác là tăng “khai thác” sức lao động của nhân viên. Cũng từng ấy con người nhưng phải làm việc nhiều hơn, trong khi đồng lương không tăng, thậm chí còn bị cắt xén.
Anh Khoa, giám đốc khối kinh doanh dịch vụ tại một NH lớn, cho biết 8g NH bắt đầu làm việc nhưng nhân viên phải có mặt trước 30 phút để chuẩn bị. 16g30 NH đóng cửa, nhưng chỉ là ngưng nhận thêm khách chứ khách ngồi chờ vẫn còn.
Phải ít nhất đến 17g mới giải quyết hết khách còn tồn, sau đó là hoàn tất sổ sách, ngồi đợi xe tiền đến. Nhân viên nào giỏi lắm 18g30 xong việc, còn không 19g30 mới được rời khỏi NH.
Thời gian làm việc một ngày 12 giờ nhưng tiền lương vẫn vậy, không có tiền làm ngoài giờ. Chưa kể có NH còn giao dịch cả buổi trưa.
“Do tính chất công việc như vậy nên tôi lãnh nhiệm vụ đưa con đi học, còn vợ do thời gian linh hoạt hơn nên chiều đón con về. Công việc nhà khoán cho người giúp việc” - anh Khoa nói.
Cũng theo anh Khoa, trước đây NH thường trả lương cố định cho nhân viên nhưng nay lương được chia làm hai khoản: lương cơ bản khoảng 3,5 triệu đồng và lương kinh doanh, chỉ được nhận khi đạt chỉ tiêu.
“Các ông chủ NH nói đây là hình thức kích thích năng suất lao động của nhân viên nhưng lương cơ bản phải là mức tối thiểu nhân viên có thể sống được chứ đằng này, nếu nhân viên không đạt chỉ tiêu thì với 3,5 triệu đồng làm sao sống nổi tại TP đắt đỏ này” - anh nói.
Đặc biệt, theo chị Quỳnh - nhân viên thu nợ một NH cổ phần, thu hồi nợ ngày một áp lực hơn do những khoản nợ xấu tồn đọng toàn là những khoản nợ khó “nhằn”.
Nhiều khách hàng không chỉ nợ NH mà cả “xã hội đen” nên đã bỏ trốn, gây rất nhiều khó khăn cho NH. “Tụi tôi hay nói đùa với nhau là những khoản nợ xấu đến giờ chỉ còn toàn xương, mà xương cũng không có tủy để hút” - chị Quỳnh nói.
Đối diện nhiều rủi ro pháp lý
Ngoài nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, nhân viên NH còn đối mặt với rủi ro pháp lý. Theo công bố mới đây của Agribank, trong 9 tháng đầu năm, các chi nhánh của NH này tại Hà Nội và TP.HCM đã có 300 lao động chuyển công tác và bỏ việc.
Thậm chí con cán bộ đang làm trong NH cũng xin chuyển ngành để đề phòng những rủi ro nghề nghiệp có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc NH ACB, nói NH xem xét lại con người, chiến lược, cách thức vận hành, đồng thời phải địa phương hóa.
Trước đây hội, sở góp hơn một nửa lợi nhuận hằng năm nhưng hiện nay các chi nhánh góp về nguồn lợi nhuận lớn. “Phải bám rễ ở địa phương thì mới am hiểu, biết bán cái mà khách hàng cần” - ông Toại nói.