Gạo Việt biến mất trên thị trường hội nhập

Quang Huy |

Gạo Việt dường như biến mất trên thị trường thế giới vì không có thương hiệu và bị các nước nhập khẩu “thay tên, đổi chủ”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các hiệp định thương mại tự do - FTA hay mới đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường đối với gạo VN khi hai nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Thái Lan, Ấn độ chưa vào TPP và thuế xuất khẩu gạo giảm về 0%.

Song để tận dụng được những cơ hội này thì thực tế là xa vời vì gạo Việt đang mang nhiều “căn bệnh” chưa có “thuốc đặc trị”.

Bệnh thành tích

Hầu như năm nào ngành gạo cũng đề ra những mục tiêu xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước, đã có năm 2012 xuất khẩu gạo VN vượt qua 7,5 triệu tấn, có thời điểm xuất khẩu đứng đầu thế giới về sản lượng.

Nhưng không phải từ năm 2014 đến nay khi xuất khẩu gạo tuột dốc, doanh nghiệp (DN) bế tắc, thị trường mới thấy rõ hậu quả của “căn bệnh” thành tích mà từ lâu đối nghịch với vị trí thứ hai, thứ ba thế giới, nông dân trồng lúa nước ta năm nào cũng kêu lỗ, phải bán giá thấp, vẫn nghèo.

GS Nguyễn Quốc Vọng, ĐH RMIT (Úc), chuyên gia quốc tế về nông nghiệp, cho biết không chỉ ngành gạo mà các nông sản khác của VN cứ mải miết chạy theo thành tích số lượng xuất khẩu mà quên đi phải chú trọng chất lượng, giá trị mặt hàng đó.

Ngành lúa gạo VN đang rơi vào nguy cơ bị thua thiệt ngay trước mắt khi phải cạnh tranh về gạo giá rẻ với Ấn Độ, Pakistan, gạo chất lượng thì thua Thái Lan, Campuchia. Nếu không thay đổi thì ngành gạo sẽ không bao giờ tận dụng được cơ hội từ hội nhập.

Theo GS Vọng, giảm thuế chẳng mang lại gì nếu các nước dựng nên hàng rào kỹ thuật về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ví dụ như thị trường ở châu Mỹ là Chi Lê và Mexico, những nước này đều tham gia TPP, thuế xuất khẩu sang Mexico hiện tại lên tới 20%, nếu giảm về 0% thì cơ hội rất lớn cho gạo Việt.

Nhưng không có gì là dễ dàng vì muốn có mặt tại thị trường này, gạo Việt phải vượt qua hàng rào kỹ thuật, mà để vượt qua thì DN phải tốn nhiều chi phí.

Khi đó giá gạo Việt phải bán ở mức cao, làm sao cạnh tranh lại gạo Mỹ với chất lượng tốt, chi phí vận chuyển thấp.

Nói ra như vậy để thấy cứ đề ra mục tiêu số lượng không mang lại lợi ích gì cho ngành gạo mà cần chú trọng chất lượng, tìm cách nâng giá trị hạt gạo Việt.

Bệnh thành tích ảnh hưởng đến sản xuất rất lớn, nhiều năm nay VN chủ yếu xuất khẩu gạo cấp thấp, giá rẻ, trong khi các loại gạo thơm, gạo đồ chiếm dưới 10%.

Theo GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lúa gạo, DN xuất khẩu gạo Việt chỉ chăm chăm vào những thị trường dễ tính, ăn gạo giá rẻ như Trung Quốc, châu Phi, các nước Đông Nam Á, miễn sao bán được nhiều.

Đến khi thị trường thay đổi, các nước châu Phi họ chuyển sang ăn gạo chất lượng hơn, bằng chứng gạo Thái Lan đã chiếm lĩnh thị trường này từ tay VN trong năm 2015.

Tiếp đến là Trung Quốc, từ năm 2014 đến nay, DN chỉ xuất khẩu được gạo cao cấp, gạo trắng 5% tấm và gạo thơm. Đến khi đó, ngành gạo rơi vào nghịch cảnh khi DN kiếm gạo cấp cao, gạo thơm lại không có đủ hàng để xuất khẩu.

GS Xuân chia sẻ, Thái Lan, Campuchia, Myanmar đều sản xuất lúa một vụ duy nhất trong năm, trong khi VN 2-3 vụ.

Giống lúa các nước trồng nhiều vẫn là gạo thơm, giống lúa đặc sản, dài ngày, năng suất có thể không cao nhưng chất lượng tốt. Trong khi đó tại VN các giống lúa lại ngắn ngày, năng suất cao nhưng chất lượng thì không quan tâm đến.

“DN, Nhà nước lại đổ lỗi do nông dân trồng lúa thơm ít, toàn trồng lúa IR50404 (giống lúa làm ra gạo trắng 5%-25% tấm, năng suất cao, dễ chăm sóc, bán vẫn được giá).

Nông dân họ thấy trồng loại lúa nào có lợi thì họ trồng, họ trồng lúa thơm vừa khó chăm sóc, năng suất không cao, khi bán thì thương lái, DN mua giá không cao hơn lúa IR50404 thì làm sao họ chịu trồng.

Quan trọng là chiến lược kinh doanh, khai thác thị trường yếu kém của DN, cộng với mục tiêu thành tích sản lượng của bộ, ngành gây ra” - GS Xuân chỉ ra.

Biến mất trên thị trường thế giới

Không có thương hiệu gạo cũng là căn bệnh nhiều năm chưa có giải pháp, dù đã có chiến lược quốc gia nhưng sau bao nhiêu năm thì đến bây giờ mới triển khai.

Vị trí xuất khẩu chủ yếu số lượng tốp 3 thế giới nhưng thương hiệu gạo Việt thì… không có vị trí.

Tại các thị trường tiêu thụ gạo Việt như Trung Quốc, Mỹ, châu Phi, một số nước EU, Đông Nam Á… người tiêu dùng ít khi và hầu như không thấy bao gạo được sản xuất từ VN chứ chưa nói đến mang tên thương hiệu gạo của DN VN.

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, chia sẻ: “Do xuất thô, đóng thành từng bao lớn nên khi các nhà nhập khẩu đem về kho, họ sẽ đóng lại bao bì vì vậy người tiêu dùng sẽ không biết đó là gạo sản xuất ở VN.

Ở những quốc gia không kiểm chặt về xuất xứ, các nhà nhập khẩu đóng bao thương hiệu có thể vẫn ghi xuất xứ VN nhưng khi bán cho nhà bán lẻ họ “thay tên, đổi chủ” lập lờ xuất xứ, thậm chí ghi xuất xứ Thái Lan, Campuchia”.

 

GS Nguyễn Quốc Vọng,  ĐH RMIT (Úc): Thu hút DN đầu tư công nghệ cao

Đột phá trong nông nghiệp là Nhà nước phải áp dụng chính sách sử dụng đất đai dài hạn cho các nhà đầu tư.

Đồng thời, Nhà nước tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ thông qua đưa công nghệ cao vào nông nghiệp của DN, đặc biệt là khâu sau thu hoạch và chế biến, có chính sách, chiến lược cho nông sản xuất khẩu.

Phải xây dựng chuỗi ngành hàng gạo một cách xuyên suốt đồng bộ, tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ bằng cách đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, đặc biệt khâu sau thu hoạch, chế biến và có chiến lược cũng như chính sách nông sản xuất khẩu.

Khi thị trường chung AEC mở ra và nếu TPP được ký kết, nông sản VN có một thị trường vô cùng rộng lớn.

Nhưng thách thức còn lớn hơn khi chất lượng gạo Thái Lan ưu việt hơn; chuối Philippines; dừa, cà phê, cacao của Indonesia có chất lượng đồng đều hơn…

Nếu không ứng dụng công nghệ cao thì nông sản VN sẽ có chất lượng thấp, không thể cạnh tranh được.

GS Võ Tòng Xuân: Ưu tiên gạo ngon, sạch

Myanmar mới đẩy mạnh sản xuất gạo nhưng năm 2014 nước này đã bán hơn 100.000 tấn gạo thơm cho EU, dự kiến năm nay sẽ cung ứng 200.000 tấn gạo cho EU.

Giống gạo thơm Lone Thwal Hmwe và Paw San là giống địa phương lâu đời của Myanmar, giống gạo dài ngày, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên có độ an toàn cao (như gạo hữu cơ), nông dân vẫn giữ canh tác thủ công.

Chính loại gạo này đã làm nên thương hiệu gạo Myanmar, giá gạo bán sang EU hơn 900 USD/tấn.

VN cần xác định một vài giống lúa theo chuẩn quốc gia rồi công bố tiêu chuẩn. Từ đó mới tính đến chuyện sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng VietGAP, GlobalG.A.P…

Kế đến hỗ trợ vùng nguyên liệu, xay xát chế biến áp dụng công nghệ cao. Cần có chiến lược quảng bá thương hiệu gạo trong nước và thế giới.

Nhà nước cần xây dựng hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn chất lượng cấp quốc gia để bảo hộ mặt hàng nông sản có thể bị lép vế và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước khi hội nhập sâu rộng; sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, phải được công nhận bản quyền…

Bên cạnh đó cũng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng quốc gia đối với mặt hàng gạo, muốn bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu phải có chứng nhận kiểm phẩm về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại