Trên thị trường quốc tế, đồng USD tăng 1,2% so với đồng Yên (JPY) của Nhật lên 123,19 JPY/USD, ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12.2014 và chạm đỉnh cao nhất 2 tháng rưỡi qua.
Ngoài ra, đồng USD cũng lên giá so với một số đồng tiền của thị trường mới nổi khác như tăng 0,9% so với Ruble của Nga lên 63,9 RUB/USD; tăng 2% so với đồng rand Nam Phi chạm đỉnh cao nhất mọi thời đại tại 14,17 ZAR/USD. Đồng USD còn tăng 1,1% so với franc Thụy Sỹ lên 1,0061 CHF/USD.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, có khoảng 271.000 việc làm đã được tạo ra trong tháng 10, cao hơn rất nhiều so với con số dự báo trước đó là 190.000.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua ở mức 5%.
Các chuyên gia nhận định số liệu việc làm tích cực trong tháng 10 của Mỹ củng cố khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng 25 điểm cơ bản lãi suất trong phiên họp tháng 12 tới.
Trong nước, giá bán USD tại các ngân hàng sáng nay tiếp tục tăng mạnh sau khi đã tăng hôm qua. Cụ thể, so với ngày hôm qua (6.11), đồng USD tiếp tục được điều chỉnh tăng giá thêm 30-40 đồng tại hầu hết các ngân hàng.
Vietcombank nâng giá mua vào-bán ra USD thêm 40 đồng, áp dụng lần lượt ở mức 22.330 đồng/USD và 22.410 đồng/USD.
Tại Vietinbank, động thái điều chỉnh có phần rụt rè hơn, giá bán USD sáng nay được áp dụng ở mức 22.390 đồng/USD, tăng 20 đồng và chiều mua vào ở mức 22.320 đồng/USD.
BIDV áp dụng tỷ giá USD/VND tại các sở giao dịch ở mức 22.330 đồng/USD (mua vào) – 22.400 đồng/USD (bán ra), tăng 30 đồng/USD cả hai chiều.
Khối các ngân hàng TMCP, bảng giá USD còn “dựng ngược” khi tăng đến 60-70 đồng/USD mỗi chiều so với sáng qua.
Giá bán cao nhất lên đến 22.440 đồng tại DongA Bank sau khi nhà băng này quyết định tăng giá 70 đồng/USD chỉ sau một phiên giao dịch.
Techcombank tăng giá mua thêm 30 đồng/USD và giá bán thêm 20 đồng/USD, áp dụng tại mức 22.290 đồng/USD (mua vào) và 22.410 đồng/USD (bán ra).
Eximbank áp dụng giá mua vào đồng bạc xanh tại mức 22.330 đồng/USD và bán ra 22.430 đồng/USD, tăng 60 đồng so với sáng qua.
Đồng USD mạnh được cho là sẽ được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản và châu Âu, nơi Ngân hàng Trung ương các nước và khu vực này chuẩn bị kích thích tăng trưởng kinh tế bằng việc nâng giá đồng nội tệ.
Tuy nhiên đồng bạc xanh tăng giá gây bất lợi cho các nền kinh tế mới nổi, khiến giá hàng hóa thanh toán bằng USD đắt hơn và đè gánh nặng lên các khoản nợ ngoại tệ.