Trần Phương Ngọc Thảo, con gái ông Trần Phương Bình - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á và bà chủ công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Cao Ngọc Dung được biết đến từ khi ngành ngân hàng, vàng bạc tại Việt Nam chưa sôi động. Thảo nổi tiếng không phải vì là con 2 đại gia lừng lẫy trong ngành tài chính ngân hàng, mà bởi thành tích học tập vượt trội của cô, kể từ khi còn là học sinh THCS.
Ấn tượng Trần Phương Ngọc Thảo tạo ra với người khác không phải là vẻ ngoài xinh đẹp mà chính là tài năng và những thành tích gặt hái được trong quá trình học tập. Du học tại New Zealand từ tháng 7/1999, khi vừa tốt nghiệp lớp 9, Trần Phương Ngọc Thảo tạo ấn tượng với bạn bè, thầy cô khi đăng ký theo học học kỳ hai của lớp 10.
Sau đó, đang học lớp 11, cô lại đăng ký học dồn lớp 12. Do đó, thay vì trải qua 3 năm học THPT như người khác, Thảo chỉ mất một nửa thời gian là một năm rưỡi kể từ khi bắt đầu vào lớp 10 đến khi tốt nghiệp lớp 12.
Đứng thứ bảy trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia toàn New Zealand, Thảo được tuyển thẳng vào đại học Oxford Anh danh giá. Sau những năm học tại đại học này, Thảo tốt nghiệp với thành tích loại ưu và lọt top 5 trường học này. Cô cũng là một trong những sinh viên hiếm hoi được các giáo sư đại học Oxford viết thư giới thiệu vào học tại Harvard - trường học danh tiếng nhất tại Mỹ.
Một trong những thông tin về cô gái sinh năm 1984 khiến cho nhiều sinh viên Việt đang học tập ở nước ngoài nức lòng và tự hào, là ngay từ khi chưa tốt nghiệp, Thảo đã được 5 trường chấp nhận tuyển thẳng làm nghiên cứu tiến sĩ. Đó là các trường Harvard, North Westhern (Mỹ), Cambridge, London Economic School và Oxford (Anh).
Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đồng ý tài trợ học bổng toàn khóa học cho Ngọc Thảo. Thời kỳ đó, ông Trần Phương Bình còn là Ủy viên HĐQT ngân hàng Đông Á, còn bà Cao Thị Ngọc Dung mới được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PNJ.
Thời điểm những năm 2004-2005, khi còn học tại Mỹ, Trần Phương Ngọc Thảo được cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Boston gọi là thủ lĩnh, vì không chỉ có thành tích học tập tốt, Thảo còn là một trong những người khởi xướng và vận hành các nhóm thiện Nam ở vùng Boston.
Nhận xét về Trần Ngọc Phương Thảo, một sinh viên thuộc Hội thanh niên, sinh viên Việt, làm việc ở Mỹ, cho biết cô gái này từng là thần tượng của hầu hết du học sinh tại đây, bởi học hành giỏi giang và sự năng động trong các hoạt động cộng đồng, từ thiện. Cô cũng là một trong những sinh viên Việt Nam có thành tích học tập tốt nhất trong cộng đồng những thanh niên đang theo học tại Mỹ.
Học tập tại Mỹ, nhưng mùa hè năm nào Thảo cũng về Việt Nam thực tập. Năm 2005, khi vẫn còn đang học dở bằng tiến sĩ ở trường Havard, Ngọc Thảo đã khởi động dự án thu hút người trẻ cho ngân hàng Đông Á - nơi cha mình là ông Trần Phương Bình đang là Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT.
Nói về Ngọc Thảo, một lãnh đạo ngân hàng Đông Á cho biết, ngay từ khi còn là sinh viên về thực tập tại đơn vị này, cô gái sinh năm 1984 đã rất năng động trong các hoạt động của DongABank.
Thời điểm đó, nhiều kiến thức liên quan đến các lĩnh vực tài chính ngân hàng học được từ nước ngoài được Thảo áp dụng linh hoạt và hiệu quả đối với dự án về nhân sự tại DongABank. Vai trò Điều phối viên dự án đầu tư nhân lực tại DongABank của Trần Phương Ngọc Thảo phát huy hiệu quả rõ rệt từ năm 2005, khi cô gái trẻ 21 tuổi đã “săn” được 10 người giỏi cho ngân hàng do cha mình làm Tổng giám đốc.
Thông tin mới nhất theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2013, ở DongABank, Trần Phương Ngọc Thảo có 3,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,68%. Cùng với cha, mẹ, 2 em gái là Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà, số cổ phiếu đại gia đình họ Trần nắm giữ tại Đông Á là hơn 33,6 triệu, tương đương tỷ lệ sở hữu trên 9,6%.
Trong đó, ông Bình nắm 15 triệu cổ phiếu, có tỷ lệ sở hữu 3%, bà Cao Thị Ngọc Dung 1,88%. Sau ông Bình, hai thành viên họ Trần sở hữu nhiều cổ phiếu nhất là Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà, với tỷ lệ lần lượt là 2% và 2,06%.