Đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm, đoàn TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ với PV khi nghe tin Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam xin cơ chế chính sách đặc biệt đối với 2 dự án alumin Lâm Đồng và alumin Nhân Cơ.
Thưa ông mới đây Vinacomin lại đưa ra thông tin muốn đòi cơ chế chính sách đặc biệt đối với 2 dự án alumin Lâm Đồng và alumin Nhân Cơ. Cụ thể, doanh nghiệp này muốn được bảo lãnh vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại và phát hành trái phiếu cho hai dự án trên. Theo ông, đây có phải là đề xuất hợp lý không và tại sao, đặc biệt khi Việt Nam đang đối diện với gánh nặng nợ công lớn như hiện nay?
Xin cho tôi nói thật, quan điểm nào tôi không rõ nhưng quan trọng nhất dự án này không khả thi và không hiệu quả. Đã không hiệu quả thì cho vay cái gì? Huống chi đây là doanh nghiệp móc tài nguyên lên để bán.
Bản chất của dự án này đã được các nhà chuyên môn phân tích ở rất nhiều hội thảo khoa học. Tôi cũng là bạn của Tổng giám đốc Vinacomin nhưng cho dù có phân trần gì đi nữa thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận với nhau rằng dự án không khả thi.
Tại vì sao không khả thi? Tôi là thành viên hội đồng cố vấn Apec cùng với ông Oleg Deripaska - ông vua nhôm lớn thế giới. Chính ông đã nói thẳng, chính bản thân ông ấy mua mỏ của nước Nga từ khi giá còn rất rẻ nhưng vẫn bị lỗ.
Nhà tỷ phú Oleg Derpaska – ông chủ Tập đoàn United Co Rusal của nước Nga buộc phải cắt giảm sản lượng vì riêng quí IV năm 2011 lỗ 974 triệu USD trong khi quí IV năm 2010 còn thu lãi 1,45 tỷ USD! Sáu tháng đầu năm 2012, lợi nhuận ròng sụt giảm tới 95,25%, doanh thu giảm 9,66% khi giá một tấn nhôm chỉ còn 1.810 USD. Chính vì thế, ông ấy rất băn khoăn chuyện Việt Nam đầu tư vào 2 dự án này.
Rồi Tập đoàn của Nhật Bản như Sojitz, Sumitomo... rất muốn làm bauxite. Ban đầu họ cũng để ý tới dự án bauxite của Việt Nam nhưng sau khi phân tích thấy điều kiện địa hình, cơ sở hạ tầng không có đường xe lửa để chuyên chở và một số yếu tố khác, họ đã không tham gia. Hiện nay chỉ có Sojitz tham gia một chút ở Lâm Đồng nhưng là từ ngày xưa.
Nhìn trên những đặc điểm đó, ở phương diện kinh doanh tôi có thể khẳng định những dự án này có lẽ phải nhiều năm nữa thì mới khả thi để khai thác.
Vinacomin còn đề xuất giảm thuế môi trường với hai dự án bauxite này. Trước đó, hai dự án đã được áp mức thuế xuất khẩu 0%. Ông đánh giá như thế nào về một dự án khai thác tài nguyên mà xin giảm thuế tới mức tối đa để có lãi? Xét trên khía cạnh kinh tế, theo ông, những dự án như thế này thường được xử lý như thế nào?
Tôi chỉ xin hỏi một điều thôi: vậy làm dự án này để làm gì? Chẳng được lợi, thế thì làm làm gì?!.
Ngay cả chuyện Vinacomin khai thác than, mỗi năm hàng trăm triệu tấn than bị múc lên đi bán, hãy thử nhìn mỗi năm đóng thuế cho ngân sách được bao nhiêu. Khi nói điều này, lãnh đạo tập đoàn thường lý luận rằng đã nuôi được cả trăm ngàn công nhân. Vậy thử nhìn sang dệt may cũng nuôi biết bao nhiêu công nhân mà họ cũng chẳng được cho cái gì. Họ tự mang việc về tạo công ăn việc làm cho lao động mà vẫn đóng thuế.
Doanh nghiệp khai thác khoáng sản chỉ việc móc tài nguyên lên bán mà còn muốn xin thêm nữa. Tôi nghĩ rằng ưu ái theo cách này thì rất gay.
Về nguyên tắc, xét ở góc độ an ninh nguyên vật liệu thì vẫn phải làm. Ví dụ xét nhu cầu nhôm trong nước để đỡ phải nhập khẩu từ Trung Quốc thì nên tính ra một tỉ lệ nhất định ví dụ 20% bắt buộc phải làm thì cũng chỉ nên tập trung từng đó thôi. Hoặc nếu làm được hợp đồng xuất đi rồi gia công lấy lại thì lúc đó sẽ có lãi, đó lại là chuyện khác.
Phải tính được như vậy bởi thực tế Việt Nam vẫn đang phải nhập rất nhiều nhôm từ Trung Quốc. Điều này cho thấy suy nghĩ của chúng ta mới chỉ mang tính chất ngắn hạn chứ chưa phải là một quá trình. Nguyên nhân đơn giản thôi, họ là công ty Nhà nước. Do vậy họ có làm, có lỗ cũng chẳng sao cả.
Trước đây, sau khi nghe những báo cáo của Vinacomin, Quốc hội đã đồng thuận thông qua chủ trương làm bauxite. Đến nay, đã nhìn thấy rất nhiều vấn đề của việc khai thác bauxite như vậy, theo ông, Quốc hội có nên yêu cầu Vinacomin minh bạch báo cáo và đưa ra những quyết sách phù hợp không? Nếu được tư vấn cho Quốc hội, ông sẽ tư vấn như thế nào, thưa ông?
Nếu được tư vấn tôi sẽ nói rằng hiện nay Việt Nam đang nhập nhôm rất nhiều, do vậy nên tìm địa chỉ để gia công nhôm (kể cả đó là Trung Quốc) chứ không nên bán quặng nữa.
Tôi biết rằng quặng của Việt Nam có xuất đi đâu lòng vòng rồi cuối cùng cũng trở về Trung Quốc. Họ còn mua chất đống để đó vì biết rất rõ trong tương lai tất cả tài nguyên như bauxite đều cạn kiện cả.
Vậy thì Việt Nam chỉ nên ký hợp đồng gia công thôi vì các công đoạn sau mới có lời. Bởi nếu không lời thì tại sao Trung Quốc lại làm? Họ chế biến rồi lại bán ngược cho Việt Nam.
Hiện nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc là quá lớn (tới 16% tổng nhập khẩu) và nhập siêu đang là 16-17 tỉ đô.
Như vậy nếu mình tham gia gia công thì hạn chế được rất nhiều. Đặc biệt nếu chúng ta làm được thì cũng không lo bị ai "chơi xấu" để nâng giá nguyên vật liệu trong nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!