Cảnh giác với hoa, cây cảnh rởm dịp Tết Nguyên đán

Thành Đan |

(Soha.vn) - Lợi dụng dịp gần Tết, nhiều người bán đã dùng thủ thuật để tạo, trà trộn cây cảnh rởm, giá rẻ nhằm lừa người tiêu dùng, kiếm lợi bất chính...

Chị Nguyễn Thị Phương (đang trú tại khu Dịch Vọng hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) ngậm ngùi kể, dịp Tết Nhâm Thìn, gia đình chị đã cất công lên tận phố Hoàng Hoa Thám chọn mua một chậu hoa Hải đường rất đẹp của một người bán ở vỉa hè, giá gần 500.000 đồng để về trưng trong dịp Tết.

Nhưng chưa đầy một tuần những bông hoa hải đường bắt đầu héo quắt, rụng tả tơi dưới gốc, lá cây úa dần, rụng hết và vài ngày tiếp theo thì cây chết.

“Bố mình sang thấy vậy mới kiếm tra và phát hiện hoa, lá đều được chủ bán dùng keo 502 gắn vào thân cây rất tinh vi để lừa mình. Đúng là thơm tho chả thấy đâu chỉ thấy cái bực mình mấy ngày năm hết Tết đến đấy”, chị Phương tâm sự.

Người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác khi mua cây cảnh của những hàng bán rong ven đường.
Người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác khi mua cây cảnh của những hàng bán rong ven đường. 

Cũng để thay đổi sắc màu hoa đón Tết của năm mới, chiều 30 Tết, thay vì mua đào, gia đình anh Nguyễn Văn Trọng (Xa La, Hà Đông, Hà Nội) có ra khu vực gần chợ vườn hoa Hà Đông, chọn mua một gốc mai vàng với nụ, hoa, lộc rất nhiều được bán tại một vườn cây “di động” với giá "khuyến mại" còn 600.000 đồng.

Những tưởng, mai vàng miền Nam sẽ mang niềm vui đến trong năm mới, nhưng vào đúng chiều mùng 1 Tết thì những cánh, nụ hoa bắt đầu rụng tả tơi, lá héo dần, đến chiều mùng 2 Tết thì cây mai chỉ còn trơ lại mỗi cành không.

"Tưởng do thời tiết  nên cây mới bị như thế, nhưng khi nhấc gốc ra khỏi chậu thì cây không có tý rễ nào, còn nụ, hoa và lộc là do người ta dùng keo gắn lên. Tiền mất là một chuyện rồi, nhưng bực mình hơn cả là mới đầu năm đã gặp phải chuyện lừa lọc không hay”, anh Trọng cho hay.

Tương tự như vậy, từ sau khi nếm mùi "lừa" bởi cây sung rởm dịp Tết năm 2009, gia đình anh Trường (ở phố Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội) không còn hứng thú mua những cây cảnh dịp cuối năm mà thay vào đó, mỗi dịp Tết gia đình anh chuyển sang mua cành đào hoặc hoa về trồng.

Trao đổi với PV, nhiều chủ vườn trồng cây cảnh có kinh nghiệm ở Hà Nội cũng như một số địa phương như Hưng Yên, Bắc Ninh cho hay, thực tế các loại cây được bán dạo đa phần đều có kiểu dáng, thế không kém, thậm chí còn hơn so với các loại cây cảnh được trồng  tại các vườn cảnh uy tín, có thương hiệu.

Tuy nhiên, về mặt giá cả lại rẻ hơn nhiều lần, thậm chí chỉ bằng phân nửa so với cây trong vườn cảnh. 

Ông Nguyễn Văn Thuật, có thâm niên chơi cây cảnh lâu năm ở Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ, khi mua cây cảnh, người tiêu dùng nên chú ý xem kỹ cuống lá, cuống hoa xem có bị gắn hay nối không, nên cảnh giác nếu thấy cây cành non, gốc bé, nhỏ mà lại có nhiều quả. 

"Người bán cây cảnh có thể làm cho cây không quả thành có quả chi chít quanh gốc, nếu cành ít thì họ gắn thêm cành, lá. Họ còn cắm hoa này trên thân cây khác, hai cây này có dáng rất giống nhau, nhưng nếu nhìn kỹ sẽ không khó nhận biết", ông Thuật nói.

Ông Thuật cũng đưa ra lời khuyên, khi đi mua cây, nếu được thì nên nhờ một người có kinh nghiệm chơi cây đi cùng để họ có thể chọn cho mình cây tốt nhất.

"Điều quan trọng nhất là đừng lên tiếc rẻ một vài trăm nghìn mà mua phải những cây cảnh rởm của các hàng bán rong để cả Tết mất vui. Tốt nhất là nên đến những vườn cây có địa chỉ, có tên tuổi, số điện thoại liên hệ rõ ràng và có bảo hành để mua", ông Thuật nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại