"Cần xóa bỏ ngay cơ chế độc quyền vàng miếng"

Các chuyên gia khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nên để vàng vận hành theo cơ chế thị trường, xóa bỏ độc quyền.

Cho rằng cơ chế độc quyền vàng miếng đã khiến cho nhu cầu về SJC tăng đột biến, đẩy giá của thương hiệu này chênh cao ở mức nghịch lý, các chuyên gia khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nên để vàng vận hành theo cơ chế thị trường.

Tại hội thảo "Đẩy mạnh phát triển thị trường vàng trang sức Việt Nam trong tiến trình hội nhập" chiều 6/4, Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai cho rằng, vì Việt Nam là nước nhập khẩu vàng nên giá cả thời gian qua tăng cao theo xu hướng thế giới là điều tất yếu.

Tuy nhiên, theo ông Lai, một thực tế ghi nhận tại thị trường trong nước là khoảng cách giữa giá vàng nội địa và thế giới ở mức nới rộng quá mức đến nghịch lý. Trong đó, giá vàng thương hiệu SJC duy trì mức cao hơn 3 - 4 triệu đồng, còn các thương hiệu khác ngang bằng, thậm chí rẻ hơn thế giới.

Một lý do khác lý giải việc cầu tăng bất thường gây hiệu ứng đẩy giá lên như hiện nay là do tăng nhu cầu về vàng SJC từ các ngân hàng chứ không phải là cầu vàng nói chung. Bên cạnh đó, nợ xấu vàng cũng đang gia tăng do sự không đồng nhãn hiệu giữa vay và trả càng tạo thêm áp lực tăng giá SJC.

Trước những bất cập trên, Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai cho rằng, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên quản lý vàng trong cấu thành dự trữ ngoại hối Nhà nước bằng vàng thỏi, chuẩn quốc gia đồng thời là chuẩn quốc tế.

Theo đó, các loại vàng này nên tồn tại dưới dạng thỏi hoặc tín phiếu thỏi có trọng lượng từ 1 kg đến 10 kg, có tuổi không thấp hơn 95,5%. Mọi phát sinh vàng vật chất nếu Ngân hàng Nhà nước bán ra từ kho dự trữ để thay đổi cơ cấu tỷ trọng thì phải phi thỏi ngay sau khi xuất kho (nghĩa là trong mọi trường hợp không được bán vàng dự trữ dạng thỏi ra thị trường trong nước).

Các loại vàng còn lại, kể cả là vàng với tư cách ngoại hối thông thường lẫn hàng hóa mỹ nghệ, trang sức trên thị trường theo ông Lai nên được tự do trao đổi, mua bán, bao gồm cả tự do nhập và xuất.

"Ngân hàng Nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý Nhà nước mà ở đó không có việc kinh doanh vàng, trừ trường hợp muốn thay đổi cơ cấu dự trữ ngoại hối để bảo toàn giá trị và không vì mục đích lợi nhuận", ông Lai bày tỏ.

Mặc khác, theo Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai, việc đo đếm giá trị, giá vàng cần căn cứ vào tuổi và nhanh chóng loại bỏ việc kỳ thị giữa các loại vàng miếng phi dự trữ ngoại hối. "Đồng thời, Nhà nước cần xóa bỏ ngay cơ chế độc quyền vàng miếng và tôn trọng quy luật thị trường", ông Lai nhấn mạnh.

Tự do hóa nhưng không để vàng hóa nền kinh tế, theo Tiến sĩ Lai cần phải nghiêm cấm tuyệt đối việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Trước sau chỉ coi vàng như một hàng hóa được rộng rãi giao lưu bình thường và mọi giao dịch đều phải làm nghĩa vụ thuế.

"Cần xóa bỏ ngay cơ chế độc quyền vàng miếng"
 

Song song đó, ông Lai kiến nghị Nhà nước nên cho phép mở sàn vàng và giao Ngân hàng Nhà nước ban hành quy chế quản lý. Sàn vàng đúng nghĩa ra đời vừa chống được độc quyền, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách thông qua nghĩa vụ nộp thuế, lại liên thông được với thị trường quốc tế mà không lo "chảy máu vàng" đối với một quốc gia nghèo vàng như Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, Chuyên gia kinh tế cao cấp cũng chia sẻ, giống như các biện pháp hành chính đang gây méo mó và rủi ro đạo đức cho hệ thống ngân hàng, việc quản trị vàng sẽ gây hỗn loạn một thị trường vốn linh hoạt nhất từ ngàn xưa trong tập quán kinh tế và văn hóa của người dân Việt vốn quen giữ vàng.

Theo Tiến sĩ Chí, Ngân hàng Nhà nước nên trở về với các nhiệm vụ cố hữu của một ngân hàng Trung ương trong việc điều tiết chính sách tiền tệ và cải thiện tình trạng vĩ mô. Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, cần đến vai trò sáng suốt của cơ quan này để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, giải quyết món nợ xấu khổng lồ là những vấn đề cấp bách nhất.

Ông Phạm Đỗ Chí cũng nhìn nhận, việc Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi và hằng ngày đứng ra định giá vàng (mà đa phần còn chưa biết có nắm bắt thị trường đúng hay không?) thay vì lo nghiên cứu chính sách cho các vấn đề nóng bỏng trên, cũng có thể được ví như "đang ở trong một cái nhà bị cháy mà không lo vác vòi chữa lửa, lại lo đi vác chổi quét nhà cho sạch".

Tiến sĩ Chí tỏ ra lo ngại các hành động của Ngân hàng Nhà nước trong những năm qua như độc quyền Nhà nước về vàng, khống chế ngân hàng, điều khiển thị trường tín dụng theo mệnh lệnh hành chính… đã và đang làm nghẽn mạch hệ thống tiền tệ. "Nếu cứ ra sức can thiệp bằng biện pháp hành chính thì nền kinh tế càng lâm vào thế tê liệt", ông nói.

Đồng tình quan điểm với hai chuyên gia trên, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng nên để vàng vận hành theo cơ chế thị trường.

Còn với tình hình hiện nay, muốn ổn định thị trường vàng Ngân hàng Nhà nước nên chú trọng vào hai vấn đề chính là cố gắng làm cho khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới không quá cao. Biên độ dao động giữa hai thị trường cũng không nên quá lớn để tránh đầu cơ (hiện nay lúc gia vàng trong nước biến động một triệu, lúc 2 triệu so với thế giới dễ tạo đầu cơ).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại