Theo thống kê, TP HCM hiện có khoảng 3.000 tiệm vàng và gần như tiệm nào cũng có dịch vụ cầm vàng. Khách hàng giao nữ trang hoặc vàng miếng cho chủ tiệm để vay lại số tiền tương đương 90% giá trị vật thế chấp và phải chịu lãi.
Mập mờ giá trị vật thế chấp
Ngày 18-3, đến một tiệm vàng trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp có treo bảng cầm vàng lãi suất 1,5%, tôi hỏi: “Thế chấp 2 chỉ SJC vay được bao nhiêu tiền?”.
Chủ tiệm cho biết được vay 6 triệu đồng và cứ 1 triệu đồng, phải trả lãi 15.000 đồng/tháng. Hằng tháng, khách hàng phải trả lãi và nếu 3 tháng liên tiếp không trả, tiệm sẽ thanh lý số vàng thế chấp.
Nghe khách hỏi: “Biên nhận có thể hiện chi tiết vật thế chấp không?”, chủ tiệm trả lời: “Do vàng miếng SJC loại 2 chỉ không có số xêri nên biên nhận chỉ ghi 2 chỉ vàng miếng thôi”.
“Nếu tôi cầm chiếc lắc 5 chỉ vàng, biên nhận có ghi thương hiệu, mã số, hàm lượng vàng không?”, ông chủ liền cáu gắt: “Anh chưa cầm vàng hay sao? Biên nhận chỉ ghi là chiếc lắc, còn các ký hiệu thì người cầm tự nhớ.
Khi thanh toán hết vốn và lãi, tiệm sẽ trả lại chiếc lắc đã cầm. Anh tin tưởng thì giao dịch, không thì thôi bởi tiệm tôi hiện có hơn 1.000 người cầm vàng”.
Về vấn đề này, một lãnh đạo Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho rằng biên nhận cầm vàng không ghi đầy đủ thông tin, đến khi chuộc lại, nếu chủ tiệm vàng giao “nhầm” vật có giá trị thấp hơn thì khách hàng biết kêu cứu ai.
Do đó, cần chọn nơi có uy tín để “chọn mặt gửi vàng”.
Tiệm vàng được làm, ngân hàng thì không
Hiện nay, nhiều tiệm vàng ở các chợ Bà Chiểu, Tân Định, Bến Thành…, lúc nào cũng đông khách cầm vàng.
Ông Nguyễn Tú Mi, Giám đốc Công ty Vàng bạc Mi Hồng, cho biết để được cầm vàng, các tiệm phải được cơ quan chức năng cấp phép và tuân thủ quy định về cầm vàng, như biên nhận phải ghi rõ thông tin vật thế chấp, số tiền cho vay, thông tin khách hàng…
Đây là giao dịch dân sự nên khi chủ tiệm mất khả năng chi trả hoặc chi trả vật thế chấp không đúng giá trị, khách hàng chỉ có thể khởi kiện.
Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Kim hoàn TP HCM, ngoài giấy phép kinh doanh và chức năng cầm vàng, các tiệm phải có thêm giấy phép của cơ quan công an về an toàn cháy nổ. Vì thế, không phải tiệm vàng nào cũng được phép cầm vàng.
Tuy không có số liệu cụ thể nhưng ông Dưng cho rằng trong cả ngàn tiệm, nhiều nơi không có giấy phép cầm vàng. “Để tránh thiệt thòi, khách hàng không nên cầm vàng tại những tiệm ghi biên nhận không rõ ràng” - ông Dưng khuyến cáo.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng (NH) Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận trong bối cảnh nhiều người giữ vàng như một tài sản, việc họ giao vàng cho người khác để vay lại tiền là nhu cầu có thực.
Thế nhưng, trong khi tiệm vàng được cho vay với tài sản thế chấp bằng vàng thì pháp luật lại nghiêm cấm NH thương mại làm dịch vụ tương tự.
Theo ông Hiếu, nếu dịch vụ này tiếp tục tồn tại sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chủ trương chống vàng hóa của Chính phủ. Vì thế, nhà nước nên cấm tiệm vàng cầm vàng.
Sẽ siết chặt dịch vụ cầm vàng
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, thừa nhận hiện có nhiều tiệm vàng làm dịch vụ cầm đồ chui. Đây là hoạt động cho vay trái phép.
Do đó, NH Nhà nước sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động trái phép này.
Tiệm nào vi phạm hoạt động cầm vàng, cơ quan quản lý có thể xử phạt đến 500 triệu đồng theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH.
Theo ông Minh, NH Nhà nước đang kiến nghị các sở kế hoạch và đầu thu hồi giấy phép kinh doanh vàng, có chức năng cầm vàng nhưng chưa đủ điều kiện để cấp lại giấy phép kinh doanh vàng thuần túy.