Thanh tra Bộ Xây dựng vừa công bố sai phạm của PVC Land tại dự án (quận 2, TP.HCM). Qua kiểm tra chứng từ sổ sách, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm trong nguyên tắc thu - chi tài chính của doanh nghiệp (DN) này, như chi không có dự trù kinh phí, không có thời hạn hoàn tạm ứng…
Chẳng hạn, ngày 31/7/2013, PVC Land thanh toán tiếp khách, nhưng hóa đơn lại thể hiện “mua túi xách” với số tiền 12,5 triệu đồng. Ngày 9/8/2013, đơn vị này thanh toán cùng mục trên hơn 16 triệu đồng với hóa đơn “mua giày, thắt lưng”. Ngày 19/8/2013 tiếp khách với hóa đơn “mua túi xách” gần 16,2 triệu đồng. Ngày 9/9/2013, PVC Land tiếp khách gần 27,9 triệu đồng kèm theo hóa đơn “mua áo khoác nữ, quần và áo sơ-mi nam”. Ngày 27/1, PVC Land tiếp khách 26,3 triệu đồng bằng hóa đơn “mua túi xách và giày”...
Những sai phạm trong quản lý, thu - chi tài chính đã góp phần khiến PVC Land chậm bàn giao dự án Vietnam Petrolandmark cho khách hàng hơn 3 năm qua. Nhiều khách hàng đã kiện chủ đầu tư vì đã đóng 80 - 100% giá trị căn hộ và hợp đồng đã quá hạn từ lâu mà PVC Land chưa thể bàn giao nhà.
Công ty cổ phần Bất động sản Dầu khí (PVC Land).
Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng một mặt cho thấy bức tranh tài chính tệ hại của PVC Land, đồng thời cũng hé lộ phần nào chi phí không chính thức mà chủ đầu tư phải bỏ ra khi thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Hữu Chính, chủ đầu tư dự án nhà ở tại phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, khó khăn lớn nhất mà DN đầu tư kinh doanh bất động sản phải vượt qua là vấn đề thủ tục hành chính. Trong đó, thủ tục mất thời gian nhất là thỏa thuận quy hoạch. Trong khi DN muốn xây cao, xây nhiều, xây căn hộ diện tích nhỏ để có lợi nhuận, thì nhà quản lý lại khống chế mật độ dân số, hạn chế chiều cao, hệ số sử dụng đất không được sử dụng nhiều… Việc này dẫn đến chuyện “xin - cho”, thương lượng, dẫn đến kéo dài thời gian lập dự án.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, các thủ tục chuẩn bị khởi công một dự án nhà ở rất nhiêu khê, phức tạp, thời gian kéo dài từ 3 đến 6 năm (tùy dự án), làm tiêu hao tài sản và công sức của DN, dẫn đến dự án chậm khởi công, chậm đưa sản phẩm ra thị trường và làm tăng giá bán.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Bộ Xây dựng về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng diễn ra tại Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, chỉ riêng các quy định về các thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc phạm vi quản lý của ngành xây dựng, thì các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải thực hiện 15 thủ tục, nhóm thủ tục; với các dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, con số này là 19.
Với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện 15 thủ tục hành chính, chưa tính tới thời gian chuẩn bị và chỉnh sửa hồ sơ là 260 ngày làm việc đối với dự án nhóm C và 280 ngày làm việc đối với dự án nhóm A. Còn với dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, chưa tính tới thời gian chuẩn bị và chỉnh sửa hồ sơ là là 392 ngày đối với dự án nhóm C và 447 ngày đối với dự án nhóm A.
Theo Bộ Xây dựng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nổi cộm là việc thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong khi cơ chế còn bất cập, chồng chéo. Bên cạnh đó, việc triển khai công tác quy hoạch của nhiều địa phương còn chậm, kéo theo ách tắc trong thực hiện đầu tư, cấp phép xây dựng, phát sinh xin - cho, tiêu cực. Chính những nguyên nhân đó khiến giá bất động sản bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực của nó.
>>> Xem thêm clip: Doanh nghiệp BĐS "đau đầu" về chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở XH
Một trong những giải pháp được xem là cứu cánh cho thị trường BĐS là chuyển đổi nhà thương mại sang nhà ở xã hội.
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA