Theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), mức bội chi là điều rất đáng quan tâm vì nó vượt rất xa so với nghị quyết của QH, từ 4,8% nhưng khi quyết toán lên tới 6,6%.
Tỏ thái độ băn khoăn trước con số này, theo ĐB Hùng, mức bội chi có thể gây ra những hậu quả về tài chính, làm tăng nợ công, rồi thất thoát, lãng phí, tạo ra tiền lệ, thói quen trong quản lý sử dụng ngân sách.
ĐB Hùng đề nghị Chính phủ cần phải tăng cường kỷ luật tài chính, công khai hơn nữa, minh bạch hơn nữa về quản lý sử dụng NSNN.
Cùng quan điểm, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, kỷ luật kỷ cương về tài chính, đặc biệt trong quản lý đầu tư đều chưa nghiêm.
“Dự toán quyết rồi thì ngành nào, địa phương nào muốn tăng một xu cũng không được, trừ bão lũ, chiến tranh bất khả kháng.
Có làm được điều này không? Đau cũng phải làm mới có thể đảm bảo nợ công như mong muốn”, ĐB Nam đề nghị.
Giải trình với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, mức vượt chi 41.000 tỷ đồng (bằng 6,6% GDP thực tế) do việc trả nợ thuế VAT 13.000 tỷ đồng và tăng giải ngân ODA 29.000 tỷ đồng.
Đề cập đến tình trạng thất thu ngân sách, Bộ trưởng Dũng cho biết, năm 2013 việc thu ngân sách gặp rất nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã thanh tra trọng điểm hai khu vực Tây Nguyên và Tây Nam bộ.
Qua đó, Bộ đã phát hiện ở Đồng Nai nợ thuế giá trị gia tăng, gian lận lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ở Lâm Đồng cũng tương đối lớn, đặc biệt, ở An Giang đã phải khởi tố doanh nghiệp.
“Rất đau xót khi cán bộ thuế và hải quan bị bắt hàng loạt, nhưng trong nội bộ ngành tài chính, những trường hợp như vậy chúng tôi xử lý rất nghiêm”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ.