Biệt thự ma trên vùng đất chết Lê Trọng Tấn

Tuy nhiên, được triển khai xây dựng từ năm 2007 đến nay đã 6 năm, dự án chỉ mọc lên một vài dãy nhà xây thô rồi bỏ hoang, cùng với đó là hàng trăm ha đất tại dự án này chưa xây dựng.

Là một trong những tuyến đường quan trọng kết nối với Đại Lộ Thăng Long, khu vực đường Lê Trọng Tấn kéo dài (Hà Đông) đã một thời rất sôi động. Nhưng đến nay, khi nói về BĐS đóng băng, không nơi nào điển hình như nơi đây. Bám dọc con đường mới mở này là những dự án BĐS lớn hoang tàn và hàng ngàn biệt thự tiền tỷ bỏ hoang dẫm mưa dãi nắng.

Tuyến đường chạy qua khu vực đền Bia Bà - Quận Hà Đông, giao nhau với đường Lê Văn Lương kéo dài tại khu đô thị Dương Nội và nối với đại lộ Thăng Long tại khu vực Thiên đường Bảo Sơn.

Con đường được xây dựng theo hình thức BT, chủ đầu tư là công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco). Hiện tại, dọc tuyến đường này đang có gần chục dự án bất động sản lớn khu khu đô thị mới Dương Nội, dự án Parkcity , dự án khu đô thị Geleximco A, B, C, D rộng 135 ha...

Nghia dia BDS Dai lo Thang Long Biet thu ma tren vung dat chet Le Trong Tan
 

Qua khảo sát thực tế hiện nay, mức suy giảm chung ở mức khoảng 50%, đơn cử như "siêu" dự án Geleximco - Lê Trọng Tấn do Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư, thuộc địa bàn quận Hà Đông và Hoài Đức. Mặc dù chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện mặt ngoài và đang trong giai đoạn bàn giao nhà, nhưng mức giá vẫn giảm mạnh so với trước kia.

Với diện tích rộng 135ha, nhất nhì trong các dự án trên địa bàn Hà Đông, với số vốn 3.000 tỷ đồng, theo quy hoạch bao gồm: nhà đa chức năng, siêu thị, sân golf, trường học, phòng khám đa khoa, khu tổ hợp thể dục, thể thao, nhà ở, biệt thự, chung cư...

Tuy nhiên, được triển khai xây dựng từ năm 2007 đến nay đã 6 năm, dự án chỉ mọc lên một vài dãy nhà xây thô rồi bỏ hoang, cùng với đó là hàng trăm ha đất tại dự án này chưa xây dựng. Hiện tại khu A và B của dự án đã xây thô hàng loạt dãy biệt thự, liền kề song tất cả đều bỏ hoang, chưa có trường học, cây xanh, công viên như chủ đầu tư vẽ ra trước đó.

Hiện giá nhà liền kề nằm trên trục đường chính rộng trên 40 m dao động từ 50 - 55 triệu đồng/m2 (đã giảm trên 50% so với thời điểm đỉnh cao của thị trường). Với các lô nằm dọc theo mặt đường nội bộ, mức giảm cũng đến 50%, xuống còn 22 - 25 triệu đồng/m2. Tại các khu C, D của Dự án Geleximco, mức giá dao động chỉ còn trên dưới 20 triệu đồng/m2, nhưng hầu như không có giao dịch, vì dự án mới chỉ hoàn thiện hệ thống đường nội bộ.

Dự án Gleximco khu B đã huy động tiền của khách hàng từ khá lâu, nhưng dự án còn ở trên giấy. Thị trường chung giá giảm mạnh, năm 2010 giá lên cao 50-65 triệu đồng/m2, giờ giá giảm 30% - 40%, mặc dù vậy vẫn không bán chuyển nhượng được vì chưa có hạ tầng và tình trạng dân kiện cáo.

Biệt thự ma trên vùng đất chết Lê Trọng Tấn
 

Thời kỳ "hoàng kim" giá đất nền, nhà xây thô chuyển nhượng trên thị trường lên đến 80 triệu đồng/m2. Không ai hình dung được dự án làm mưa làm gió một thời hiện tại rơi vào cảnh hoang vắng điêu tàn, những khu vực chưa xây dựng để cỏ mọc hoang vu.

Cũng trên trục đường này, nằm sát cạnh và đối nghịch với sự hào nhoáng và sôi động của công viên Thiên đường Bảo Sơn là một khu đô thị bỏ hoang, với những căn biệt thự và nhà liền kề dang dở, im lìm.

Cả khu đô thị đang xây dựng dở dang như đô thị hoang, không một bóng người. Đi sâu vào bên trong là các dãy đã xây xong phần thô để hoang, cỏ dại mọc đầy. Trên những tuyến phố chính của khu đô thì là những vũng nước lầy lội, nắp hố ga mở miệng rộng ngoác nằm chình ình giữa đường. Giá BĐS ở đây cũng tụt dốc thê thảm, một căn biệt thự 200 m2 đã xây thô giá 15 tỷ đồng, nay được chào bán với giá chỉ 9,5 tỷ đồng.

Nghia dia BDS Dai lo Thang Long Biet thu ma tren vung dat chet Le Trong Tan
 

Phía Hà Đông, khu đô thị mới Dương Nội A nằm trên đường Lê Văn Lương kéo dài, giá chỉ còn 35-37 triệu đồng/m2, giảm hơn một nửa so với mức giá 70-80 triệu đồng/m2 trước đây. Khu đô thị mới An Hưng có vị trí tương tự Dương Nội, hiện chủ đầu tư đã bàn giao nhà cho khách hàng nhưng giá biệt thự hướng đẹp giảm về 45-47 triệu đồng/m2, giá nhà liền kề ở mức 50-51 triệu đồng/m2.

Cách đó không xa, ParkCity được biết đến như một dự án đình đám tại đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông. Dự án có quy mô 77,45 ha, từng gây "sóng gió" trên thị trường bất động sản một thời. Ngay buổi mở bán đợt đầu, hàng nghìn người mua đã có mặt dù chỉ có 50 suất, đồng thời phải chấp nhận mua lại với giá chênh 1,2-1,5 tỷđồng/căn liền kề, biệt thự lên đến 2 tỷ đồng. Sau đó, mức chênh lệch còn được đẩy lên đến 3 - 5 tỷ đồng/lô, tùy vào diện tích mỗi căn nhà.

Giá bán theo kiểu chìa khóa trao tay đã được chủ đầu tư xác lập khá cao, đơn cử liền kề diện tích 120 m2 có giá 400 nghìn USD, biệt thự có giá 800 nghìn USD, mức giá trên chưa có thuế VAT. Nếu cộng cả tiền thuế và chênh lệch thì giá mỗi m2 đất tại đây lên tới 3.000 USD, tương đương 85 triệu đồng/m2.

Chủ đầu tư là CTCP Phát triển đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC) - công ty liên doanh giữa Perdana ParkCity (Singapore) và CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Vinaconex - Hoàng Thành. Sau khi khởi công rầm rộ, xây được hệ thống cọc móng rồi bỏ hoang. Đến cuối năm 2012, chủ đầu tư chuyển toàn bộ dự án cho "ông" mới là Công ty Perdana ParkCity (Malaysia).

Với tình cảnh hiện nay, nhà đầu tư đang tìm cách tháo chạy khỏi dự án. Trên thị trường, nhiều nhà đầu tư đang chấp nhận cắt lỗ hàng tỷ đồng để rút vốn khỏi dự án này.

Lý giải về BĐS khu vực Lê Trọng Tấn kéo dài không được như kỳ vọng, ông Lê Ngọc Quỳnh, đại diện một sàn BĐS ở Hà Đông cho hay, vấn đề chính vẫn là tình trạng đầu cơ quá nhiều, dẫn tới việc đẩy giá lên cao và những khu đô thị hoang không người ở. Trong khi đó, khu vực này vẫn bị mang tiếng là "Hà Nội 2" nên mức độ hấp dẫn người mua để ở vẫn không nhiều, người dân không thể ở tận đó trong khi làm việc tại các quận nội thành Hà Nội, chưa kể tới các tiện ích công cộng còn thiếu như trường học, chợ búa, bệnh viện,...

"Khi các khu đô thị được xây dựng hoàn chỉnh, hệ thống giao thông kết nối và các tiện ích công cộng có sẵn, mới thực sự thu hút người dân. Còn tạo ra một cơn sốt đất trong tương lai gần là điều không thể", ông Quỳnh nhận định.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại