Thương vụ khủng
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa thông báo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của ông Đặng Thành Tâm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đăng ký bán 2 triệu, trong gần 12,3 triệu cổ phiếu đang nắm giữ.
Bà Thanh bán cổ phiếu KBC trong bối cảnh con gái bà và ông Tâm là Đặng Nguyễn Quỳnh Anh hồi tháng 3 vừa qua đã mua thành công 10 triệu cổ phiếu KBC.
Trên thực tế, đây mới chỉ là thông tin đăng ký và mục đích được lý giải là để kinh doanh. Tuy nhiên, nó cũng khiến nhiều NĐT phải băn khoăn bởi việc mua vào bán ra của các cổ đông nội bộ và những người liên quan là một trong những tiêu chí rất quan trọng để các NĐT đưa ra quyết định mua bán.
Cách đây chưa tới 1 năm, vợ ông Đặng Thành Tâm cũng đã bị phạt do công bố thông tin không đúng thời hạn kết quả bán 13 triệu cổ phiếu Navibank (NVB)
Trước đó, nhiều NĐT cũng không hiểu tại sao vợ chồng Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã cùng nhau đăng ký thoái vốn cá nhân tại HSG với tổng cộng hơn 30 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 30% vốn của DN này.
Báo cáo cho thấy, cổ phiếu được chuyển sang các công ty do chính ông Vũ và vợ làm chủ tịch kiêm TGĐ và giao dịch thoái vốn nói trên được giải thích là để thuận tiện hơn trong quản lý tài sản cá nhân. Tuy nhiên, một số NĐT vẫn lo ngại không biết đằng sau sự chuyển dịch cổ phiếu này là gì?
Với Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam (ALP), nhiều kế hoạch bất thường cũng đã được đưa ra như kế hoạch hủy niêm yết tự nguyện, kế hoạch con trai chủ tịch là Nguyễn Minh Nhật chào mua công khai 9,6 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 40 tỷ đồng.
Sự xuất hiện bất ngờ của á hậu Dương Trương Thiên Lý với tư cách là cổ đông nắm giữ gần 5% cổ phần của NamABank hồi đầu năm 2013 rồi sự xuất hiện của một cổ đông mới toanh là Rồng Thái Bình Dương (do ông Nguyễn Quốc Toàn làm chủ tịch) cũng khiến thị trường quan tâm đặc biệt.
Tại nhiều NH và DN khác, thỉnh thoảng giới đầu tư lại thấy xuất hiện một vài cổ đông lạ hoặc đến rồi đi một cách khá nhanh chóng và sau đó là những sự thay đổi lớn về mặt nhân sự cao cấp hoặc những thay đổi lớn liên quan đến M&A.
Điều bí mật trong nhà đại gia?
Giống như HSG, hiện tượng chuyển cổ phiếu cá nhân và người thân về DN tư nhân thuộc sở hữu của chính mình đã có từ lâu.
Trước đó, ông Trần Lệ Nguyên đã chuyển cổ phiếu về Công ty TNHH Một thành viên PPK do ông Chủ tịch KDC sở hữu 100% vốn; người nhà của ông Đặng Văn Thành Sacombank (STB) chuyển cổ phiếu về Thành Thành Công; ông Nguyễn Duy Hưng chuyển cổ phiếu SSI về Công ty TNHH MTV Nguyễn Duy Hưng...
Việc này không chỉ giúp cho các đại gia thuận tiện hơn trong quản lý tài sản cá nhân mà còn giúp họ hưởng lợi từ thuế thu nhập (do có thể được khấu trừ chi phí tính thuế rộng rãi hơn). Bên cạnh đó, sự chuyển dịch này giúp giảm thiểu rủi ro trong đầu tư của các doanh nhân này, từ trách nhiệm vô hạn trở về hữu hạn; và giúp giảm những ảnh hưởng xấu tới hình ảnh DN trong quá trình đầu tư tài chính...
Tuy nhiên, cũng có không ít các chuyển động lòng vòng của cổ phiếu của các cổ đông nội bộ khiến giới đầu tư như bị chìm trong hỏa mù, không biết các ông chủ lèo lái DN đang tin hay không tin vào DN của chính mình.
Sáng 18/4, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư của mình, diễn giả Adam Khoo - NĐT nổi tiếng, diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, giáo dục của Singapore cho rằng, không nên coi đầu tư chứng khoán như một canh bạc.
"Đầu tư chứng khoán phải có nghiên cứu kỹ, dựa trên cả phân tích kỹ thuật và cơ bản. Một trong những điều kiện lựa chọn cổ phiếu để đầu tư là "có nội gián đang mua vào", tức là các cổ đông nội bộ, các thành viên trong HĐQT, ban lãnh đạo... mua vào.
Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi "Ông nghĩ sao về TTCK Việt Nam", ông Adam Khoo cho rằng thị trường mới nổi này có triển vọng dài hạn rất tốt nhờ dân cư tăng nhanh và lạm phát nhưng NĐT phải học cách chọn DN tốt để mua. Đó là DN phải có quản trị tốt, lãnh đạo phải là người chân thật. Đó phải là DN bán sản phẩm và dịch vụ mà nhiều người đang dùng.
Việc chọn lựa các cổ phiếu, DN tốt xem ra khá khó khăn bởi độ minh bạch còn khá thấp, công bố thông tin còn sai phạm nhiều. Không những thế, không ít ông chủ thực sự của DN còn tìm cách tung hỏa mù gây khó khăn cho NĐT.
Nhiều DN thích thì lên sàn, không thích lại rút. Nhiều DN chậm chạp trong công bố các bản báo cáo tài chính. Lãnh đạo thậm chí mua bán kém minh bạch.
Chuyện DN trên TTCK, hôm nay công bố lãi, mai công bố lãi ít hơn nhiều, thậm chí lỗ; hoặc năm nay công bố lỗ nhưng vài năm sau hồi tố thành lãi để tránh hủy niêm yết; hoặc chênh lệch giữa trước và sau kiểm toán ở mức lớn... đang quá nhiều thì những thương vụ như trên có lẽ càng khiến cho nhà đầu tư thêm rối.