Bầu Kiên: Từ đỉnh cao danh vọng đến cánh cửa trại giam

Ngày bầu Kiên bị bắt, một câu hỏi đặt ra: Tại sao ông bầu đầy quyền lực, một đại gia "khét tiếng" trong giới tài chính ngân hàng… chỉ sau thời gian ngắn lại nhanh chóng "rớt dài"?

Vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) được VKSND tối cao truy tố với 4 tội danh, dự kiến đưa ra xét xử trong ngày 17/4 tới.

Đây là một trong 10 đại án Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã từng nêu đích danh bởi mức độ nghiêm trọng mà vụ án này gây ra.

Con đường danh vọng

Sinh năm 1964 và lớn lên tại Gia Lâm, Hà Nội, ông Nguyễn Đức Kiên là nhân vật nổi tiếng từng giữ chức Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu (ACB) và cương vị lãnh đạo của cả chục tổ chức tài chính, doanh nghiệp khác.

Năm 1980, ông Kiên thi đậu vào Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự), khóa 15. Sự nghiệp bùng nở như hoa đúng dịp mưa thuận gió hòa, chỉ sau một năm học tại Học viện, đạt kết quả xuất sắc, ông được chọn đi du học tại Trường Kỹ thuật Quân sự Zalka Maté Hungary.

Cuộc đời bầu Kiên vốn có nhiều những ngã rẽ bất ngờ. Có bố mẹ là giáo viên giỏi và nổi tiếng cả miền Bắc khi đó, nhưng ông Nguyễn Đức Kiên không theo nghề sư phạm, mà vào…quân đội. Sau khi đi học quân sự từ Hungary, Nguyễn Đức Kiên trở lại làm... cán bộ Tổng công ty dệt may - Bộ Thương mại.

Đến năm 1994, Nguyễn Đức Kiên lúc đó chỉ mới…30 tuổi đã nắm vai trò là Phó Chủ Tịch Hội Đồng sáng lập của ngân hàng Á Châu (ACB) – một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Bên cạnh việc giữ vai trò chủ chốt ở ACB, ông Kiên còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao ACB, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dịch vụ Du lịch Chợ Lớn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tài chính Á Châu và là Phó chủ tịch Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội...

Nếu ghi đầy đủ các chức danh của bầu Kiên, có lẽ sẽ mất hàng trang giấy, từ thống lĩnh ngân hàng thương mại cổ phần đến du lịch, rồi ông bầu bóng đá, ở lĩnh vực nào cũng vai vế "khủng".

Ông Nguyễn Đức Kiên, tức bầu Kiên

Ông Nguyễn Đức Kiên, tức bầu Kiên

Từ ông trùm bóng đá...

Ông Kiên từng nổi danh với tên gọi "bầu Kiên" khiến cho nhiều người "lầm tưởng" rằng tên tuổi của ông gắn với bóng đá nhiều hơn.

Tuy nhiên, với bóng đá, Nguyễn Đức Kiên không phải là ông bầu giỏi. Thậm chí nếu căn cứ vào thành tích, bầu Kiên còn có một khoảng cách khá xa so với bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hiển trong việc đầu tư và mang lại hiệu quả. Thế nhưng bầu Kiên lại nổi bật trong vai trò một... ông trùm.

Dù không được mời tham dự Hội nghị tổng kết mùa giải năm 2011 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), nhưng tại đây ông Kiên đã bất ngờ lên phát biểu với hàng loạt "khẩu đại liên" nhằm vào những tiêu cực, yếu kém của giải bóng đá và trách nhiệm VFF. Những phát biểu của Nguyễn Đức Kiên được báo chí coi là "quả bom" chưa từng có tại các hội nghị tổng kết.

Cũng chính bài phát biểu ấy đã nâng tầm bầu Kiên thành một ông trùm đầy quyền lực có khả năng tạo sóng dư luận. Đó là thời điểm VFF và lãnh đạo VFF bị cái bóng của bầu Kiên che mờ tới mức chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thừa nhận là từng muốn “nhường chức Chủ tịch VFF” cho bầu Kiên.

Sự thuyết phục càng tăng lên khi bầu Kiên đưa ra lộ trình ra đời VPF - Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam với vai trò kéo cả con tàu bóng đá Việt trì trệ trong bao nhiêu năm.

Tuy nhiên, số phận của VPF không như mường tưởng, cả những người sáng lập cũng có đường đi lạ kỳ. Tới nay, trong số 6 thành viên sáng lập VPF thì chỉ còn 2 người vẫn còn vai vế ở đây là bầu Đức, bầu Thắng. Những người khác mỗi phận một chứng, đáng nói nhất là việc bầu Kiên sau tuyên bố hùng hồn làm “nổ tung” làng bóng đá, lại tra tay vào còng.

Đến ông trùm tài chính

Đình đám với những "đại liên" trong làng bóng đá, tuy nhiên đó chỉ là lĩnh vực nổi, thực chất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bầu Kiên mới thực sự có những bước tiến khủng.

Năm 1994, Nguyễn Đức Kiên cùng các ông Trần Mộng Hùng, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang xây dựng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB). Ở ACB, bầu Kiên từng giữ các chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB rồi đến Phó chủ tịch Hội đồng quản trị.

Từ năm 1994 và đến ngày 17/10/2006, ông Kiên đã nắm giữ hơn 4,1 triệu cổ phiếu ACB, trong khi vợ ông nắm 4,5 triệu cổ phiếu ACB, 3 người em của ông này nắm 10,7 triệu cổ phiếu ACB (tổng khối lượng lưu hành của ACB lúc này là hơn 110 triệu đơn vị, tương đương hơn 1.100 tỷ đồng vốn điều lệ).

Ngoài ra, bầu Kiên còn có cổ phần trong các ngân hàng lớn khác như Eximbank, Kiên Long Bank, Vietbank, Đại Á, Techcombank. Bên cạnh vai trò khủng tròng giới ngân hàng thương mại cổ phần, bầu Kiên còn tham gia đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác như du lịch, may mặc, bất động sản...

Nhưng, khi mọi sự đang "xuôi ngọt" như con tàu đang chạy trên đường ray, bất ngờ cơ quan tiến hành tố tụng sờ gáy. Từ đây, hàng loạt phi vụ đình đám liên quan đến ông bầu bí ấn này bị lật tẩy...

Xem clip: Thống đống Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc bầu Kiên

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại