Bầu Hiển “đã tới” rất gần Bệnh viện Giao thông vận tải

Anh Minh |

Tập đoàn T&T của bầu Hiển đang giành ưu thế lớn trong việc trở thành cổ đông chiến lược tại Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương (GTVT TƯ).

Rào cản vốn chủ sở hữu

Trái với những dự đoán ban đầu, cuộc chạy đua trở thành cổ đông chiến lược tại Bệnh viện GTVT TƯ – đơn vị y tế công lập đầu tiên cả nước được chọn cổ phần hóa diễn ra không nóng như kỳ vọng.

Theo đó, cho đến 16h30 ngày 20/8 (thời hạn chót để nộp hồ sơ đăng ký trở thành cổ đông chiến lược), Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Bệnh viện GTVT TƯ chỉ nhận được đơn và hồ sơ của hai nhà đầu tư trong nước là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn.

Những tên tuổi lớn như Brookline Medical (Singapore), FLC, Vingroup từng được kỳ vọng sẽ hâm nóng cuộc đua đã không tham gia nộp hồ sơ, dù Bộ GTVT đã nới thời gian tiếp nhận hồ sơ thêm một tuần.

Theo Quyết định số 2783/QĐ - BGTVT ngày 4/8/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc phê duyệt tiêu chí, trình tự để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa Bệnh viện GTVT TƯ, thời hạn chót để nộp hồ sơ đăng ký là 16 giờ 30 ngày 14/8/2015.

Cũng theo Quyết định số 2783, các nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn nếu thỏa mãn được một trong hai tiêu chí: doanh nghiệp hoạt động cùng ngành nghề kinh doanh (khám chữa bệnh), có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 200 tỷ đồng và không có lỗ lũy kế; nếu là doanh nghiệp không hoạt động khám chữa bệnh thì phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1.000 tỷ đồng và không có lỗ lũy kế.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng được Bộ GTVT yêu cầu là phải có cam kết bằng văn bản không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời gian tối thiểu là 5 năm; chấp nhận phương án thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT để giảm tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước xuống còn 30% vốn điều lệ…

Trước đó, trong tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư được kèm dự thảo Phương án cổ phần hóa Bệnh viện vào cuối tháng 3/2015, Bộ GTVT đề xuất nhà đầu tư chiến lược phải có vốn chủ sở hữu từ 1.000 tỷ đồng trở nên.

Tuy nhiên, tiêu chí này bị Bộ Tài chính cho rằng, đối với lĩnh vực khám chữa bệnh, nhà đầu tư chiến lược không nhất thiết phải có vốn chủ sở hữu lớn như vậy.

“Đây cũng là lý do khiến cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược giảm đi khá nhiều sức cạnh tranh”, một nhà đầu tư từng đệ đơn lên Bộ GTVT xin làm cổ đông chiến lược Bệnh viện cho biết.

T&T nắm lợi thế

Theo thông tin riêng của Báo Đầu tư, bầu Hiển đã chiến thắng tuyệt đối để trở thành cổ đông chiến lược (được quyền mua 30% vốn điều lệ với phương thức bán thỏa thuận trực tiếp trước khi IPO).

Không chỉ thỏa mãn các tiêu chí vốn chủ sở hữu, tình hình tài chính; chuyển nhượng cổ phiếu, tăng vốn… bầu Hiển được Ban Chỉ đạo cổ phần hóa đánh giá cao khi cam kết hỗ trợ hoạt động của Bệnh viện sau cổ phần hóa và chấp nhận duy trì tối đa lực lượng lao động hiện có.

Trong khi đó, hồ sơ của đối thủ duy nhất là Công ty Bảo Sơn đã không thỏa mãn được bất cứ tiêu chí nào mà Bộ GTVT đưa ra.

Mặc dù còn phải chờ phê duyệt của Bộ GTVT, cũng như tìm được tiếng nói chung giá bán cổ phiếu chiến lược, nhưng T&T đang đứng trước cơ hội rất lớn để thâu tóm được cơ sở y tế lớn này.

Xét về lý thuyết, sau khi công tác bán chiến lược và IPO hoàn tất, một nhà đầu tư có thể nắm giữ tối đa 59,48% vốn điều lệ.

Nếu muốn giành quyền chi phối tuyệt đối ở mức 65% để hoàn tất quá trình M&A, nhà đầu tư cũng có thể đợi mua gom phần cổ phiếu bán ưu đãi cho người lao động sau khi loại cổ phiếu này được phép chuyển nhượng.

Được biết, vào thời điểm phương án cổ phần hóa được trình Chính phủ (ngày 31/3/2015), T&T cũng chính là đơn vị được Bộ GTVT đề xuất làm cổ đông chiến lược Bệnh viện.

Cần phải nói thêm rằng, Bệnh viện GTVT TƯ là một cái tên khá nổi tiếng trong lĩnh vực khám và điều trị.

Với vị trí nằm ngay khu vực trung tâm TP. Hà Nội, diện tích lên tới 21.200 m2 và đang hoàn thiện Dự án xây dựng nhà điều trị 7 tầng, cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại trị giá 15 triệu USD bằng nguồn vốn ODA của Quỹ Phát triển quốc tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ (OFID), Bệnh viện GTVT TƯ có tiềm năng rất lớn.

“Sau khi CPH bệnh viện này, Bộ GTVT dự kiến bán tiếp cổ phần ở một số đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc ngành, hoạt động trong hệ thống y tế, giáo dục, trong đó có Bệnh viện Nam Thăng Long”, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại