Bầu Đức: 'Tôi thật sự sốc!'

"Họ là tổ chức phi chính phủ, có muốn kiện chúng tôi biết kiện ở đâu. Nếu có một tổ chức nào mà họ trực thuộc thì tôi kiện ngay", bầu Đức chia sẻ về cáo buộc cướp đất, phá rừng của Global Witness.

Trao đổi thông tin về các hoạt động đầu tư của HAGL tại Campuchia và Lào với các nhà đầu tư và các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước chiều 17/5, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) khẳng định, HAGL không hề làm sai luật đầu tư, cáo buộc của GW sai đến 99,9%. Doanh nhân được gọi thân mật là bầu Đức chia sẻ như vậy trước cáo buộc của tổ chức Global Witness (GW) cho rằng HAGL cướp đất, phá rừng khi đầu tư tại 2 quốc gia nói trên.

Theo cáo buộc của GW, nhiều gia đình nông dân ở Lào đã rơi vào tình trạng đói khổ khi HAGL sang Lào đầu tư trồng cao su với quy mô lớn do mất đất, ông nghĩ thế nào?

Cáo buộc này hoàn toàn vô lý và sai đến 99,9%. Nếu ai từng đến Lào sẽ thấy rõ điều này. Điển hình là tại tỉnh Attapeu. Năm 2008, khi chúng tôi sang đầu tư thì ở đây kiếm một căn nhà mái tôn cũng khó, người dân chủ yếu sống bằng nghề săn bắn, GDP bình quân đầu người khoảng 300 USD mỗi năm. Nay thì GDP đã là 1.200 USD.

HAGL đến Lào và Campuchia đầu tư theo đúng luật và theo sự mời gọi đầu tư của chính phủ nước này. Họ nói cứ như chúng tôi đi cướp đất. Mỗi nước có một quy trình cấp đất chặt chẽ riêng.

Để được cấp đất làm dự án thì các bộ ngành và nhà đầu tư phải trải qua rất nhiều thủ tục kiểm tra, thẩm định. Trong vùng dự án, đất nào của dân thì hoàn toàn không đụng tới, trừ khi họ đồng ý bán. Không có chính quyền nào lại mang tài sản của dân mình giao cho nhà đầu tư nước ngoài.

GW còn cho rằng, để lấy đất trồng cao su, HAGL có liên quan đến việc chặt đốn rừng, khai thác gỗ?

Việc cáo buộc HAGL khai thác gỗ là hoàn toàn sai sự thật. Theo quy định tại Lào và Campuchia, gỗ trên đất làm dự án là của nhà nước, HAGL chỉ được phép thuê đất. Cụ thể, sau khi ký hợp đồng cho thuê đất, chính phủ thuê một doanh nghiệp khai thác gỗ trên đất, sau đó tổ chức bán đấu giá số gỗ khai thác. HAGL cũng là doanh nghiệp được tham gia đấu giá gỗ nhưng chúng tôi từ chối, không đụng vào gỗ, chỉ nhận đất sạch.

Nhưng tờ Spiegel, một tờ báo có lượng phát hành khá lớn của Đức cũng đã có một phóng sự dài về vấn đề này, mà mở đầu là hình ảnh người đàn ông được cho là mất đất ngồi trước bữa cơm chỉ có 3 con thằn lằn?

Người dân Lào bây giờ họ rất văn minh, giàu có. Không có chuyện đi ăn thằn lằn trừ khi đó là đặc sản. Nếu có tình trạng này thì chính quyền ở đâu? Tôi nói thật, đầu tư qua Lào, chúng tôi nhận thấy nếu không làm lại cái gì cho họ thì bất công, vì đây là nơi mình làm ăn, khai thác.

Chúng tôi đã đầu tư 30 triệu USD để làm hàng ngàn km đường, xây nhà, trường học, bệnh viện cho dân. Bởi vậy khi thấy cáo buộc nói HAGL cướp đất khiến nông dân rơi vào đói khổ, chúng tôi thật sự sốc.

- Thế ông có định phản ứng lại việc đưa tin của tờ báo này?

Tôi không phản ứng với họ vì tôi không liên quan. Chuyện này là của chính phủ Lào. Làm gì có chuyện chính quyền mang đất giao cho nhà đầu tư để rồi họ để cho dân mình đói khổ, cùng cực đến mức đó. Báo nói là chuyện họ nói, chúng tôi tiếp nhận hay không là chuyện của chúng tôi.

Nhưng cũng có thông tin HAGL đã dùng tài trợ để có được những dự án lớn tại Lào, theo kiểu tài trợ có điều kiện, nhất là cho vay 19 triệu USD xây làng Seagame năm 2009?

Cái này là HAGL cho chính phủ Lào vay, nhưng hoàn toàn vô tư với mục đích duy nhất là tôi thích thể thao, yêu bóng đá. Năm 2009, chúng tôi được phía Lào, qua sự giới thiệu của chính phủ Việt Nam về hỗ trợ huấn luyện đội bóng Lào tham dự Seagame. Đây là lĩnh vực tôi quan tâm nên tôi đồng ý. Sau đó phía Lào để nghị HAGL xây dựng làng Seagame, và cho vay 19 triệu USD để xây dựng.

Chúng tôi đã xin phép và được chính phủ Việt Nam đồng ý mới cho vay chứ không phải thích thì đem tiền cho vay. Trong 19 triệu USD này HAGL tài trợ 4 triệu, chính phủ Lào ghi nợ 15 triệu thôi. Việc này không có gì là có điều kiện hết. Tôi cũng xin chia sẻ là phía Lào đề nghị trả bằng gỗ nhưng chúng tôi từ chối. Đến nay thì phía bạn đã trả gần hết.

 Bầu Đức: 'Tôi thật sự sốc!'
Bầu Đức: "Chúng tôi thật sự sốc".

HAGL có định kiện GW?

Chúng không muốn đối đầu, chỉ muốn đối thoại. Sau cáo buộc của GW, chúng tôi đã có thiện chí mời họ và các cơ quan thông tấn mà họ đã gửi thông tin tới Lào và Campuchia, nơi chúng tôi đầu tư để kiểm tra thực tế. Nếu chúng tôi có sai thì chúng tôi sẽ sửa, nhưng họ không chịu gặp như tôi đề nghị. Họ chỉ yêu cầu gặp riêng tôi tại văn phòng HAGL.

Tôi hơi thất vọng về điều kiện này. Yêu cầu của họ làm tôi suy nghĩ. Tôi nghĩ là gặp riêng tôi thì không giải quyết được vấn đề gì. Tôi cũng xin chia sẻ là trước khi đưa ra cáo buộc, GW cho rằng đã liên hệ với chúng tôi từ tháng 8/2012, đây cũng là một cáo buộc vô lý. Cả tập đoàn chưa ai gặp, trao đổi gì với GW. Cá nhân tôi cho rằng, một trong những lý do đưa ra cáo buộc là xin tài trợ.

Như vậy trong những ngày tới, HAGL sẽ làm gì để chứng minh là GW vu khống?

Lĩnh vực đầu tư tại nước ngoài của chúng tôi là cao su, mía đường và đây là ngành chúng tôi xác định hướng phát triển lâu dài nên khá nhạy cảm. Hiện HAGL đã trồng 27.000 ha cao su tại Lào, gần 14.000 ha tại Campuchia và tại Việt Nam là gần 9.000 ha và khoảng 30.000ha trong quy hoạch chưa trồng. Ngoài ra còn 10.000 ha mía tại Lào. Dự kiến trong năm 2013, lợi nhuận từ cao su là 300 tỷ.

Chúng tôi sẽ thuê một tổ chức độc lập để đánh giá lại tác động môi trường nơi HAGL đầu tư, đồng thời sẽ đầu tư tốt hơn nữa vào công tác xã hội, môi trường. Thực ra nói mình làm tốt môi trường rồi, nhưng có thể ở Lào, Campuchia mình vượt, nhưng với thế giới mình chưa đạt.

Sau khi rà soát lại toàn bộ hệ thống môi trường nơi đầu tư, chúng tôi sẽ để nghị cấp chứng nhận về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, sản phẩm bền vững để cổ đông, nhà đầu tư yên tâm khi làm ăn với HAGL. Tôi nghĩ sau HAGL, các doanh nghiệp Việt Nam khác cũng sẽ phải làm như vậy.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại