Một nghiên cứu mới của tờ WSJ đã đưa ra một đánh giá toàn diện về danh mục đầu tư và các quyết định đầu tư của hàng trăm gia đình giàu có nhất nước Mỹ. Mỗi nhà đầu tư, dù giàu có hay không, cũng có thể học hỏi được nhiều điều từ những thành công và cả thất bại của nhóm người thiểu số này.
Đây là những gia đình có tài sản trung bình khoảng 90 triệu USD. Họ đã đầu tư một cách thông minh trong phần lớn trường hợp, trải rộng việc đầu tư ra nhiều lĩnh vực và hạn chế số thuế phải đóng ở mức tối thiểu.
Tuy nhiên, họ cũng có lúc mắc những sai lầm cơ bản. Cách tiếp cận của họ không phải lúc nào cũng lý tưởng.
Ba nhà kinh tế bao gồm Enrichetta Ravina của Trường Kinh doanh Columbia, Luis Viceira của Trường Kinh doanh Harvard và Ingo Walter của Trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York đã phân tích cổ phần và giao dịch của hơn 260 triệu gia đình siêu giàu có từ năm 2000 đến 2009.
Các nhà đầu tư giàu có đã thành công thế nào?
Đầu tiên, họ có những lợi thế của người giàu: Họ có thể tiếp cận những khoản đầu tư đặc biệt, triển vọng, và có đủ tiền để theo những khoản đầu tư dài hạn. Họ không thay đổi danh mục đầu tư quá nhiều và hiếm khi mua đi bán lại cổ phần.
Mặc dù mỗi gia đình có khoảng 6 chuyên gia tư vấn đầu tư nhưng họ cũng mắc nhiều sai lầm. Hồi đầu năm 2001, các gia đình giàu có chỉ dành 0,01% tổng tài sản vào các hình thức đầu tư phức tạp như chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (MBS). Khi đó, MBS là loại hình đầu tư khá thành công và nhiều người giàu có đã lao vào lĩnh vực này.
Đến đầu năm 2007, loại hình đầu tư MBS chiếm hơn 2,3% tổng tài sản của người giàu. Khi đó, nhiều loại hình đầu tư MBS đã trở nên rất rủi ro. Chỉ số CMBS 7, đo lường diễn biến thị trường này đã mất 36% trong năm 2008 và tất nhiên những người giàu đã chịu quả đắng.
Một danh mục đầu tư điển hình của họ thường gồm 120 cổ phiếu cá nhân, hơn 20 chứng chỉ quỹ đầu tư tín thác, quỹ đầu tư chỉ số (ETF) và những thứ tương tự. Việc duy trì một danh mục đa dạng như vậy khiến họ dễ dàng bù đắp lãi và lỗ, nhằm giảm thiểu mức thuế phải đóng.
Tuy nhiên, việc sở hữu nhiều loại chứng khoán cũng khiến chi phí của họ tăng lên, xóa đi một phần những lợi thế thông tin mà họ có nhờ mạng lưới xã hội và kinh doanh.
“Những người giàu giỏi xoay sở trong tình huống dễ dàng, nhưng khi khó khăn họ lại không xuất sắc. Họ cũng là con người, như tất cả chúng ta. Trong cuộc khủng hoảng tài chính, phần lớn bọn họ cũng thua lỗ", nhà kinh tế Enrichetta Ravina cho biết.
Tổng danh mục đầu tư chứng khoán của những người giàu đã giảm từ 8 tỷ USD hồi giữa năm 2008 xuống chỉ còn 3 tỷ USD vào tháng 3/2009.
Vì thế, cũng như những người giàu, bạn cũng có những lợi thế so sánh ở vị trí nhà đầu tư. Phần lớn các cá nhân không thể và không dám đi ngược lại xu thế chung của thị trường, lèo lái thị trường như những nhân vật "máu mặt".
Theo Ravina, chúng ta có thể làm tốt những gì mà nhà đầu tư lớn không thể: kiên nhẫn và bình tĩnh; giao dịch nhanh chóng, gọn nhẹ mà không gây sự chú ý ; tập trung vào những công ty hiếm, ít người biết ; dễ xoay sở trong tình huống khó khăn hay khi thị trường đổi chiều.