Bầu Đức tính mua trực thăng riêng cho nhân viên

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai trỏ tay vào người đàn ông đối diện: “Ông sẽ là giám đốc làm thuê đầu tiên được đi máy bay riêng. Năm sau tôi sẽ mua".

Người Việt Nam đầu tiên mua máy bay riêng cho nói thêm: "Tất cả các nông trường, trụ sở làm việc ở đây đều thiết kế sẵn bãi đáp cho trực thăng”.

Người đàn ông “bị” bầu Đức trỏ tay là Thủ – đang là “tư lệnh mặt trận Nam Lào” của Hoàng Anh Gia Lai. Để phục vụ cho việc làm ăn tại Lào, bầu Đức tiến hành xây hẳn một sân bay quốc tế ở Attapeu, cách Pleiku độ 4 tiếng lái xe.

Ông cũng đã xây xong một khách sạn Hoàng Anh Attapeu tiêu chuẩn 4 sao vì: “Tôi xây khách sạn chủ yếu là phục vụ công việc, chú ở đây cách Vientian tới cả ngàn cây số thì làm gì có khách du lịch. Mình làm ăn với đối tác, người ta mang cả va li tiền đến đây, không lẽ cho họ ở nhà trọ. Phải cho họ có chỗ ăn ở đàng hoàng chứ !”.

Có máy bay riêng, lợi hại lắm à !

“Hồi mới mua máy bay, tôi đi qua Singapore mà cả đám đông xúm tới xem. Người ta thấy lạ lắm, họ nghĩ Việt Nam làm gì có người sở hữu máy bay riêng” – bầu Đức nói. Khi nhập chiếc máy bay Beechcraft King Air 350 về, ông làm đảo lộn biết bao nhiêu qui định, thủ tục ở Việt Nam, vì khi đó cả hệ thống pháp lý chưa lường được một ngày sẽ có người mua máy bay riêng.

Lần này mua trực thăng, ông muốn thị sát đồn điền cao su và mía của mình từ trên cao, thay vì phải lái xe mất cả buổi.

“Một chiếc trực thăng thì chừng vài triệu (đô la) chứ mấy” – Bầu Đức nói. “Có máy bay riêng lợi hại lắm à ! Muốn gặp ai, bàn chuyện làm ăn gì, đi máy bay thương mại người ta đâu biết mình là ai mà tiếp. Nhưng khi nghe mình đi máy bay riêng, họ cũng muốn gặp để coi mình là thằng nào chứ !” – vẫn chất giọng giang hồ, Ba Đức cười khà khà khi nói về quyết định mua máy bay trước đây của mình, cho dù chi phí cho chiếc máy bay này ngốn không dưới 1 tỷ đổng mỗi tháng.

Bầu Đức tính mua trực thăng riêng cho nhân viên
Bầu Đức là người Việt Nam đầu tiên mua máy bay riêng.

Hệ thống tưới nước dài hai lần chu vi trái đất

Năm 2007, bầu Đức bắt đầu đặt chân lên mảnh đất Attapeu, một tỉnh được coi là nghèo nhất của Lào. Cầm lái chiếc Land Cruiser, bầu Đức hồi tưởng:

Hồi mới qua, ở đây buồn lắm. Cả tỉnh chỉ có 120 ngàn dân, toàn rừng rú, không có đường sá, cơ sở hạ tầng gì cả. Tôi qua xây cầu, đường, kéo 300 km đường dây điện cho dân ở đây, xây trường học, xây thêm cái bệnh viện 200 giường tặng địa phương. Bây giờ đã khác rất nhiều”.

Và ông đùa: “Ở đây tôi có 16 cây số đất mặt tiền đường, nếu ở Việt Nam thì tha hồ phân lô bán nền…”

Chiếc Land Cruiser rẽ lái, đưa chúng tôi vào rừng cao su. Tại Attapeu, bầu Đức trồng 25 ngàn hecta cao su (trong tổng số 44 ngàn hecta cao su được trồng ở Việt Nam, Campuchia). Trước đó, ông qua nhiều nước để nghiên cứu cách trồng cao su cho năng suất cao và sớm thu hoạch.

“Mình muốn thu tiền sớm thì phải đầu tư vô công nghệ chứ” – bầu Đức nói. “Làm nghề này, nếu không hội đủ 3 yếu tố tiền tươi, nhân lực và đất đai thì không thể làm được. Triển khai nhân lực biến 50 ngàn hecta rừng thành đồn điền đâu phải đơn giản”.

Bầu Đức đưa công nghệ tưới về từ Israel, chỉ cần đóng cầu dao điện, nước tưới đến tận gốc cây, không lãng phí. Cứ một hecta cao su cần 1,6 km đường ống nước.

“Tôi nhập ống tưới từ bên Thái mà mấy ông Thái hoảng hồn. Họ nói chưa bao giờ cung ứng cho một công ty cao su nào lớn như vậy. Cứ nhân thử đi thì biết. 50 ngàn hecta thì cần tổng cộng 80 ngàn km đường ống, vậy là hơn gấp đôi chu vi trái đất rồi chớ gì nữa”.

“Ngay cả chuyện bón phân cũng đâu phải cầm phân mà rải ào ào. Phải lấy mẫu đất, phân tích xem đất ở đây thiếu chất gì. Rồi bón phân cũng phải có cách quản lý chứ nếu không công nhân nó vác phân đi bán thì ai mà biết được”.

Cao su mà Bầu Đức gọi là vàng trắng, dự kiến sẽ đem về cho Hoàng Anh Gia Lai những món lợi nhuận khổng lồ:

“Để thu hoạch được một tấn mủ cao su thì chi phí tốn khoảng 900 đô la, trong đó chi phí cạo mủ chiếm đến 40%. Tôi đang thử nghiệm áp dụng công nghệ sử dụng bình khí kích thích mủ, điều này giúp tiết kiệm được 50% chi phí cạo mủ” – bầu Đức tính.

“Cao su bây giờ giá dao động, có khi lên đến 120 triệu đồng/tấn, nhưng cũng có lúc chỉ ngoài 50 triệu/tấn. Tôi tính mỗi hecta cao su của tôi trồng tới 550 cây so với 300 cây ở những nơi khác, và với công nghệ tưới tiêu như thế này sẽ cho 2,5 tấn mủ, chỉ cần giá khoảng 60 triệu/tấn là ổn”.

Để đảm bảo chất lượng mủ cao su sản xuất, Bầu Đức cũng xây luôn hai nhà máy chế biến mủ cao su theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng công suất 50.000 tấn/ năm. Năm ngoái, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sang dự lễ khánh thành nhà máy chế biến mủ cao su đầu tiên của HAGL tại đây.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại