Bất động sản sẽ tiếp tục trượt dài

Muốn kích cầu BĐS, phải có một chính sách tổng thể và toàn diện để vực dậy nền kinh tế, cùng mức thu nhập, mức sống của người dân, qua đó tạo sự cộng hưởng tới thị trường BĐS.

Khi các nhà đầu tư đã cạn kiệt nguồn tài chính, chính sách hỗ trợ tuy có nhưng lắm bất cập và niềm tin của người mua vẫn bị xói mòn thì thị trường BĐS cả nước còn tiếp tục trượt dài. Đặc biệt tại Hà Nội, nơi suốt hơn 2 năm qua giá nhà vẫn liên tục đi xuống nhưng không kèm theo dấu hiệu cải thiện về thanh khoản.

Sau khi đạt đỉnh vào đầu năm 2011, giá nhà đất tại Hà Nội bắt đầu đà trượt dốc dài và cho đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Các mặt bằng giá mới luôn được giới đầu tư - đầu cơ, thậm chí là cả một số quan chức thuộc các ngành liên quan, khẳng định là đáy thì luôn bị xuyên thủng, nhưng tỷ lệ mua bán thực trên thị trường vẫn không hề được cải thiện.

Phân khúc “lạnh” nhất là biệt thự, nhà liền kề và các loại chung cư ở vùng ven thành phố, đặc biệt là khu vực phía Tây. Nhiều dự án trước đây được tranh mua với giá trên trời thì nay, hoặc một phần lơ lửng, hoặc cũng có những nơi đã là là mặt đất song người tiêu dùng vẫn dửng dưng quay mặt.

Bất động sản sẽ tiếp tục trượt dài
(ảnh: Sài Gòn tiếp thị Online)

Điển hình, những điểm nóng về BĐS tại Hà Nội như khu vực quận Hà Đông đang trong cảnh “lạnh ngắt”, ảm đạm. Hiện có tới trên hai chục dự án BĐS cùng lúc hoàn thành tại khu vưc này khiến nguồn cung vốn đã quá dư thừa trong cảnh tranh bán, nay lại chịu thêm sức ép tăng cung.

So với thời điểm sôi động của thị trường, hiện giá nhà đất tại huyện Hoài Đức - nơi tập trung nhiều dự án BĐS có quy mô lớn như Nam An Khánh, Bắc An Khánh, khu đô thị mới Geleximco, khu đô thị Vân Canh, khu đô thị Bắc 32, khu đô thị mới Tân Tây Đô.... - nhìn chung đã giảm xấp xỉ từ 40-50%. Anh P. - một cán bộ trong ngành truyền thông - “cay đắng” cho biết cách đây 6-7 năm, 2 vợ chồng anh đã bán nhà, vay mượn dồn tiền để mua 1 căn biệt thự tại Bắc An Khánh.

Đến cuối năm 2010 đầu năm 2011, giá trị giao dịch của căn nhà này tăng vọt từ 4 tỷ (giá vốn) lên 12 tỷ, song anh chị không bán với mục đích để ở. Nhưng đến thời điểm này, ở cũng không được mà bán cũng không xong khi chủ đầu tư “quên” không xây dựng hạ tầng kỹ thuật như cam kết, còn giá nhà thì tụt thê thảm, chưa bằng phân nửa thời kỳ đỉnh cao.

Tại các thị trường lớn khác như TP.HCM hay Đà Nẵng, tình hình cũng không khả quan hơn là bao. Mặc dù nhiều dự án cũng ồ ạt giảm giá với hy vọng giải quyết lượng hàng tồn kho khổng lồ, thì 12.445 căn hộ (chưa kể đất nền và biệt thự) tại TP.HCM và khoảng 12.000 lô đất tại Đà Nẵng vẫn bị gắn mác “ế”.

Cho đến thời điểm này, các chủ đầu tư đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giám giá với giá đất nền tại Đà Nẵng đã giảm tới 30%, thậm chí là 50% nhưng tình hình vẫn không sáng sủa hơn. Nhiều nhà đầu tư BĐS cho biết phân khúc đất nền tại Đà Nẵng bắt đầu hạ nhiệt từ đầu năm 2011 khiến nhiều đại gia BĐS đứng ngồi không yên. Sở dĩ, BĐS vẫn đang phải lần hồi dò đáy là do tâm lý chờ đợi giá giảm tiếp của người dân và niềm tin vào thị trường của các nhà đầu tư đã cạn.

Trước tình trạng chợ chiều của thị trườn BĐS, ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho rằng để “cứu” BĐS chỉ còn nước giảm giá và phải giảm sâu hơn thì mới đáp ứng được nhu cầu của người mua, đưa giá về phạm vi mà đa số người tiêu dùng chấp nhận được.

Mặt khác, để người tiêu dùng có đủ cơ sở và niềm tin bỏ ra một khoản tiền lớn, thậm chí đi vay mượn trong bối cảnh kinh tế suy thoái để mua nhà, bên cạnh yếu tố giá cả còn là sự cam kết của chính phủ với các giải pháp về lãi suất hấp dẫn hơn nữa.

Không những vậy, muốn kích cầu BĐS, phải có một chính sách tổng thể và toàn diện để vực dậy nền kinh tế, cùng mức thu nhập, mức sống của người dân, qua đó tạo sự cộng hưởng tới thị trường BĐS. Ngược lại, nếu các biện pháp đưa ra chỉ nặng về tính duy ý chí, chủ quan và hướng đến lợi ích một chiều của giới đầu tư thì sự đổ vỡ dây chuyền của thị trường là điều khó tránh khỏi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại