Bảo hộ mía đường, người dùng chịu thiệt hại cả ngàn tỷ đồng

Trong suốt tuần qua, ngành mía đường Việt Nam trở thành tâm điểm của dư luận sau vụ HAGL có ý định đưa 30.000 tấn đường thô từ Lào về tinh luyện rồi tái xuất sang Trung Quốc.

Trình bày trước Thủ tướng Chính phủ cũng như trên các phương tiện truyền thông, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) tỏ rõ thái độ phản đối Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), vì cho rằng làm như vậy sẽ hại nông dân, hại các nhà máy đường, không có lợi cho sự phát triển ngành đường.

Dù mục đích của HAGL có trong sáng, muốn thông qua nhập khẩu đường, tạo doanh thu để “đóng góp nghĩa vụ thuế nhiều hơn nữa cho đất nước” hay VSSA cố bám lấy lập trường vì “nông dân”, dư luận vẫn hiểu rằng ở đây có sự xung đột lợt ích.

Chưa hẳn nông dân, nhà máy đường, thậm chí là ngành đường mà chính người tiêu dùng mới là đối tượng chịu thiệt sau vụ việc này…

Vì 80 tỷ đồng hay gấp nhiều lần nữa?

Đường thô là sản phẩm có được trong giai đoạn đầu của chu trình sản xuất đường. Đường thô màu đậm và hạt to hơn đường cát trắng. Để sử dụng vào mục đích ăn, chế biến thực phẩm phải qua giai đoạn tinh luyện, tỷ lệ hao hụt khoảng trên 3%.

Tinh luyện đường từ đường thô sang đường trắng cần công nghệ hiện đại, đầu tư tốn kém và cần kinh nghiệm lâu năm trong nghề.

HAGL là doanh nghiệp đi sau trong chế biến đường, dù có diện tích trồng mía tại Lào lên đến 12.000 ha, áp dụng quy trình công nghệ hiện đại, chi phí sản xuất thấp, nhưng giới chuyên môn đánh giá HAGL chưa đi đến cùng trong đầu tư công nghệ đường tinh luyện nên mới phải “bắt tay” với công ty cổ phần đường Biên Hòa (BHS) để tiêu thụ hết lượng đồng thô sản xuất ra.

Ý định ban đầu của HAGL khi bán đường thô cho BHS, theo VSSA “tố cáo” nhằm tiêu thụ nội địa chứ không phải xuất khẩu tiêu ngạch. Tuy nhiên, về sau có thể HAGL đoán trước được những rắc rối từ việc ngành đường Việt Nam vẫn còn bảo hộ, phải xin quota nhập khẩu đường nên “đổi ý”, đề nghị Bộ Công thương cho xuất khẩu tiểu ngạch.

Câu hỏi đặt ra là, với năng lực của mình, tại sao HAGL không bán đường thô trực tiếp cho đối tác Trung Quốc mà lại “bắt tay” với BHS, chấp nhận mang “tiếng xấu” phá ngành mía đường nội địa?

Trong cuộc họp Ban chấp hành có sự tham gia của các cơ quan truyền thông hồi cuối tuần trước, VSSA lý giải cho câu hỏi này là do nếu bán đường vào Việt Nam, HAGL sẽ được hưởng “chi phí thấp nhất và bán được giá nhất”.

Đúng như vậy, chi phí vận chuyển đường thô tư các vùng trồng mía ở Nam Lào về Việt Nam sẽ thấp hơn nhiều so với từ đó đi Trung Quốc do cự lý ngắn, đường xá, phương tiện vận chuyển thuận lợi.

Đưa đường thô về Việt Nam tinh luyện, nếu như BHS không nhận lời giúp HAGL thì “đại gia” này cũng có thêm lựa chọn từ các đối tác khác, bởi hiện nay, Việt Nam đã có nhiều nhà máy đường có công nghệ tinh luyện đường trắng RE.

Như VSSA khẳng định, chi phí thấp chỉ là một trong những nguyên nhân, mục đích quan trọng nhất sau vụ này của HAGL đó là nếu đưa trót lọt 30.000 tấn đường thô vào Việt năm, họ sẽ kiếm được khoản lợi nhuận khá lớn, tương đương khoảng 80 tỷ đồng do ngành đường đang được bảo hộ, có khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa giá đường nội địa với các nước trong khu vực và thế giới.

Chính các nhà máy đường cũng thừa nhận giá đường tại Việt Nam cao hơn các nước là yếu tố quan trọng góp phần kích thích đường lậu tràn vào.

Số liệu thống kê từ VSSA cho thấy, đường lậu từ Thái Lan tuồn vào nội địa gia tăng đáng kể trong vài ba năm gần đây, từ 300.000 tấn năm 2011 lên 500.000 tấn năm 2012 và dự kiến năm nay chiếm khoảng gần 1/3 trong tổng số 1,6 triệu tấn đường tiêu thụ của cả nước.

Chỉ cần 30.000 tấn đường thô, khi tinh luyện ra đường trắng thì tỷ lệ hao hụt là hơn 3%, mất khoảng 900 tấn mà doanh nghiệp đã có lời 80 tỷ đồng. Điều này có thể lý giải được vì sao, cả HAGL lẫn VSSA phải lồng lộn lên để bảo vệ quan điểm, mục tiêu của mình.

Đem bài toán lợi nhuận này để quy đổi về sản lượng đường tinh luyện mà người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng trung bình mỗi năm 1,6 triệu tấn, tức là cần 1,648 triệu tấn đường thô, sẽ thấy phần thặng dư lợi nhuận mà các nhà máy đường bỏ túi là vô cùng lớn, hơn 4.320 tỷ đồng.

 

Bảo hộ cho ai?

4.320 tỷ đồng, số tiền lợi nhuận kiếm được không phải từ sự nổ lực trong cạnh tranh, mà nhờ vào chênh lệch giá đường trong nước cao hơn thế giới do chính sách bảo hộ mang đến. Như vậy, có thật sự là VSSA đang bảo vệ cho lợi ích của người trồng mía hay bảo vệ cho chính lợi ích của họ.

VSSA phản đối HAGL vì cho rằng nếu công ty này nhập khẩu đường thô vào sẽ giết nông dân, bởi hiện giá thành sản xuất đường ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước, nguyên nhân chính là do nông dân được bảo hiểm giá mua mía cao hơn các nước gấp hai ba lần.

Thế nhưng, cho dù bán được giá cao hơn thì hàng triệu nông dân trồng mía ở Việt Nam cũng không thể làm giàu từ cây mía. Đời sống của nông dân, với diện tích đất sở hữu quá ít ỏi, manh mún, trong khi họ lại không được hỗ trợ kỹ thuật, giống có năng suất cao…nên vẫn lam lũ với cây mía.

Theo tính toán, trong vòng khoảng 20 năm qua, năng suất mía của Việt Nam vẫn dậm chân tại chổ ở mức 60-70 tấn ha, chữ lượng đường thấp còn nông dân Thái trồng được 100 tấn, chữ lượng đường hơn hẳn của Việt Nam do họ được hỗ trợ, đầu tư bài bản.

Bảo hộ bất cứ một ngành nghề kinh tế nào cũng phải đạt được các mục tiêu hài hòa: có lợi cho người sản xuất, người tiêu dùng, doanh nghiệp và cuối cùng là lợi ích quốc gia. Vụ việc VSSA ra sức phản đối nhập khẩu khẩu đường vừa qua có cảm giác như hàng triệu nông dân đang bị VSSA bắt làm con tin cho chính mình.

Cho rằng, VSSA đặt cao lợi ích nông dân trồng mía thì tổ chức này cũng phải có trách nhiệm với hàng chục triệu người tiêu dùng, đối tượng khách hàng chính của họ.

Mỗi năm, như tính toán, người tiêu dùng Việt Nam đang phải trả thêm hơn 4.000 tỷ đồng cho khoản chênh lệch giá đường.

Một con số quá lớn và VSSA không thể làm ngơ mãi được. Chưa kể, chính sách bảo hộ đồng thời tạo ra giá đường trong nước cao còn dẫn đến hậu quả đường lậu tràn vào, nhà nước mất đi một khoản thu thuế rất lớn và chi phí chống buôn lậu đường là chi phí mà người tiêu dùng đường phải trả.

Như vậy là không khó để có thể trả lời được câu hỏi đối tượng nào đang hưởng lợi từ chính sách bảo hộ ngành đường. VSSA có thể kêu ca về chính sách điều hành ngành mía đường thời gian qua trồi sụt, chưa đồng bộ, nhất quán; cây mía chưa được nhà nước đầu tư đúng mức…

Nói đi thì phải nói lại, ngành mía đường Việt Nam phát triển hàng chục năm nay nhưng lại được bao cấp quá kỹ làm cho các nhà máy ỷ lại không mạnh dạn đổi mới, tiết giảm giá thành để có thể tự đứng bằng đôi chân của chính mình.

Vụ HAGL có ý định nhập khẩu đường thô chỉ là giọt nước tràn ly, là bề nổi phản ánh tảng băng chìm về sự yếu kém cạnh tranh của cả ngành đường.

Giả sử không có vụ HAGL thì các nhà máy đường vẫn phải đối mặt với thực tế mỗi ngày có không dưới 1.000 tấn đường lậu từ Thái Lan tuồn qua, được bán với giá thấp hơn 2.000-3.000 đồng/kg so với đường nội địa.

Người tiêu dùng, các doanh nghiệp sử dụng đường chế biến thực phẩm, hẳn không thể dành sự ưu ái lâu hơn nữa cho các nhà máy đường được nữa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại