Bàn về thuế doanh nghiệp, nghị trường "nóng hầm hập"

Khả Danh |

(Soha.vn) - Sự thiếu thống nhất hiện nay đang gây ra rất nhiều bất cập cho doanh nghiệp trong hạch toán và thanh quyết toán thuế.

Tại phiên thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 29/5, ĐB Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Các nhà đầu tư trong nước cũng không muốn đầu tư vào trong khu công nghiệp bởi vì chi phí thường cao hơn khi mà họ thuê đất bên ngoài”.

ĐB Nguyệt Hường đề nghị, về ưu đãi thuế, tại Khoản 7, Khoản 8, Điều 1, đề nghị khôi phục ưu đãi đầu tư cho tất cả các khu công nghiệp (KCN) và chủ đầu tư hạ tầng các KCN. Hiện nay cả nước có khoảng 280 KCN nằm trên nhiều địa bàn khác nhau. Thực tế là từ năm 2008, sau khi các nhà đầu tư không còn được hưởng ưu đãi thuế thì việc thu hút đầu tư vào các KCN đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

“Việc bỏ ưu đãi đầu tư dành cho các KCN đã tạo ra một sự cạnh tranh không bình đẳng ngay trong nội bộ các KCN trên địa bàn một tỉnh, thành phố. Các nhà đầu tư vào các KCN nằm trong khu kinh tế sẽ được hưởng ưu đãi của khu kinh tế với thuế xuất là 10% trong vòng 15 năm, được miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Trong khi đó KCN nằm ngoài khu kinh tế lại không được hưởng ưu đãi thuế.

Vì vậy mà sức thu hút đầu tư các dự án có vốn đấu tư nước ngoài và trong nước đã trở nên kém hơn rất nhiều. Các nhà đầu tư trong nước cũng không muốn đầu tư vào trong khu công nghiệp bởi vì chi phí thường cao hơn khi mà họ thuê đất bên ngoài.

Sự sụt giảm số lượng nhà đầu tư, tốc độ thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài và những doanh nghiệp lớn vào khu công nghiệp do không được hưởng ưu đãi thuế trong thời gian qua đã chứng minh cho sự kém hấp dẫn này”, bà Hường nói.

Liên quan đến ưu đãi ở khu công nghiệp (KCN), ĐB Trần Du Lịch cho rằng, phải thống nhất quan điểm là ưu đãi trong khu công nghiệp với mục đích gì? “Mục đích của chúng ta là trong lâu dài sẽ không còn xí nghiệp nào sản xuất nằm ngoài KCN, vì chính KCN mới giải quyết môi trường, giải quyết hạ tầng đồng bộ, giải quyết một cách bền vững phát triển.

Khuyến khích vào KCN ở đây chúng ta lại gắn với chuyện vùng sâu, vùng xa khó khăn, hai lĩnh vực không liên quan với nhau. Hà Nội, TPHCM cần khuyến khích hơn bởi vì giải quyết ngoài các khu dân cư, đây là động lực, tư tưởng chung. Mục tiêu của luật thuế này là để trong một thời gian nào đó góp phần vào vấn đề về lâu dài không có sản xuất nằm ngoài KCN, đó là phát triển bền vững”, ông Lịch nói.

Đề cập tới thu nhập chịu thuế, ĐB Nguyệt Hường đề nghị xem xét để thống nhất về nội dung của thu nhập khác giữa quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp với chuẩn mực kế toán Việt Nam. Bởi vì theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 thì thu nhập khác của doanh nghiệp chỉ được quy định có 8 khoản.

Còn theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và các nghị định cũng như thông tư hướng dẫn thì lại gồm những 20 khoản. Và tại dự thảo nghị định kèm theo Luật sửa đổi lần này thì thu nhập khác cũng có tới 14 khoản. Sự thiếu thống nhất hiện nay đang gây ra rất nhiều bất cập cho doanh nghiệp trong hạch toán và thanh quyết toán thuế.


	ĐB Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường

ĐB Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Đb đoàn Thá Bình) thì giải pháp đột phá là giải pháp tôi phải đạt được yêu cầu khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu, đảm bảo bình đẳng, công khai minh bạch, đảm bảo thực hiện nhanh và có tác động lớn và giảm thuế với mức độ lớn là biện pháp có khả năng đạt được yêu cầu đó của một giải pháp đột phá.

“Đây là một mũi tên có thể trúng được nhiều đích, tất nhiên có ý kiến nói rằng cái này nó chỉ tác động đến khoảng 30% số doanh nghiệp hiện nay. Bởi vì theo thống kê của cơ quan khai thuế thì chỉ khoảng 30% là doanh nghiệp đang có thu nhập và đang có khả năng đóng góp thuế còn đến 70% doanh nghiệp đang kinh doanh thua lỗ.

Tuy nhiên 30% doanh nghiệp này rất quan trọng đối với nền kinh tế của chúng ta đó chính là những động lực, đó chính là những đầu tầu tăng trưởng, đó chính là bộ phận có năng lực cạnh tranh cao nhất của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, trong quá trình thực hiện các biện pháp giải cứu hay hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không chỉ có biện pháp chúng ta cứu các doanh nghiệp khó khăn để giúp cho họ trụ vững mà vấn đề chúng ta phải có những biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp đang có năng lực cạnh tranh, đang có hiệu quả cao để họ vươn lên tạo thành những động lực tăng trưởng để có thể lôi kéo được các doanh nghiệp trong nền kinh tế cùng phát triển.

“Biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm vào bộ phận này và có tác động lớn như vậy. Chính với quan niệm như vậy, tôi đề nghị chúng ta mạnh dạn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% cho cả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng thuế suất thấp hơn và doanh nghiệp lớn hưởng thuế suất cao hơn, có nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật trong quá trình triển khai và quan niệm của chúng ta khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang chưa nhất quán”, ông Lộc đề xuất.

Ông Vũ Tiến Lộc nhận định, thời gian qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn cũng một phần do các doanh nghiệp lớn không có khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho họ và không có khả năng trả nợ cho họ. Cho nên giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp lớn cũng có nghĩa là góp phần giải quyết khó khăn cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Trong tương quan so sánh khu vực trong thời gian gần đây, Indonesia, Thailand, Malaysia, Myanma, thậm chí cả Lào, Campuchia cũng đang có những nhân tố tích cực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, và môi trường đầu tư của chúng ta đang giảm một cách tương đối trong tương quan so sánh với khu vực và quốc tế.

Chính vì vậy, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ là biện pháp góp phần cải thiện tình hình này. Vì chúng ta biết rằng, bên cạnh thuế, môi trường của chúng ta cũng chưa đủ minh bạch. Công nghiệp hỗ trợ của chúng ta cũng chưa phát triển. Lao động có tay nghề của chúng ta còn hạn chế, cần thời gian nữa để khắc phục, cơ sở hạ tầng của chúng ta cũng còn hạn chế.

Cho nên biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ là biện pháp để chúng ta bù đắp lại những điểm yếu của chúng ta trong môi trường kinh doanh trong tương quan so sánh với khu vực và quốc tế”, ông Lộc bày tỏ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại