Ăng ten thu phát sóng dày đặc: Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói gì?

PV |

Bộ trưởng khẳng định việc lắp đặt ăng ten thu phát sóng theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo mỹ quan, an toàn cho sức khỏe người dân.

Khẳng định ngành thông tin, truyền thông là một trong những ngành đóng góp ngân sách nhà nước khá nhiều và ngày càng tăng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son cho biết, trong 10 tháng năm 2015, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông đã đem lại doanh thu 280.00 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 40.000 tỷ đồng, đóng góp cho nhà nước 19.320 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả như vậy có vai trò rất quan trọng của hạ tầng viễn thông, trong đó có hạ tầng viễn thông thụ động là cột, trạm, ăng ten, trạm thu phát sóng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trước đây do chưa có quy hoạch (1990 - 2009), chưa có Luật viễn thông nên lĩnh vực này phát triển nóng, việc cắm trạm, cột chưa có quy hoạch đã gây ra những phản cảm cũng như chưa đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, từ năm 2009, Bộ TT&TT tham mưu cho Quốc hội đã ban hành Luật viễn thông, tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị số 422 về việc tăng cường quản lý hạ tầng viễn thông thụ động.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 25 và Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 14 hướng dẫn quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động.

Ăng ten thu phát sóng viễn thông đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc của người dân nên không ngừng phát triển. (Ảnh: Internet)
Ăng ten thu phát sóng viễn thông đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc của người dân nên không ngừng phát triển. (Ảnh: Internet)

Theo đó, hiện nay có 30 tỉnh, thành đã quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, để góp phần ngăn cản việc lắp đặt cột ăng ten thu - phát sóng gây phản cảm, mất an ninh, an toàn cho người dân.

Nội dung Thông tư số 14 của Bộ TT&TT nêu rõ, quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động do UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt và chịu trách nhiệm điều hành trên địa phương của mình.

Từ thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, hiện nay đã có 140.408 trạm thu phát sóng nằm trong khu dân cư.

Tất cả hạ tầng viễn thông thụ động này phải nằm trong khu dân cư mới phục vụ chất lượng ngày càng tốt hơn cho người dân.

Trong thông tư số 14 cũng ghi rõ, cột ăng ten loại A1, là loại không cồng kềnh, chiều cao không được quá 2% chiều cao tòa nhà, bề rộng từ tâm ra ngoài không quá 0,5 mét để bảo đảm an toàn.

Đặc biệt, tại Điều 41 Thông tư số 14 quy định rõ tất cả các cá nhân, tổ chức xây dựng các khu chung cư có nhiều người dân ở phải dành phần để cho các doanh nghiệp viễn thông cắm cột ăng ten trên mái nhà.

Điều 42 cũng ghi rõ tất cả các doanh nghiệp xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị phải dành vị trí nhất định để cho doanh nghiệp viễn thông thực hiện cắm các trạm hạ tầng viễn thông.

“Trong thời gian vừa qua Luật viễn thông, Nghị định 25, các Thông tư của Liên Bộ TT&TT và Bộ Xây dựng đều quy định rõ và thực hiện tốt quy hoạch hạ tầng viễn thông, do đó không thể nói chúng ta buông lỏng việc này trong thời gian vừa qua”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, việc lắp đặt cột ăng ten trên nóc nhà, xây dựng trong khu dân cư là hoàn toàn theo đúng quy định và phù hợp.

Tuy nhiên đơn vị kinh doanh viễn thông phải bảo đảm mỹ quan và an toàn cho người dân ở khu vực đó.

Khẳng định cột ăng ten thu phát sóng không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ rõ:

Theo Tổ chức y tế thế giới WHO đã nghiên cứu nhiều lần, khẳng định lại là tần số của hoạt động điện thoại di động hiện nay khoảng 450 – 2.100 MHz không phải là bức xạ ion hóa như tia X hoặc tia gama cho nên không ảnh hưởng, không tạo ra hiện tượng ion hóa và phóng xạ ảnh hưởng cho sức khỏe con người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại