Những ngày cuối tháng 1 năm nay, người yêu hoa Việt Nam cũng như người dân Đà Lạt tiếc nuối với sự ra đi của “vua hoa Đà Lạt”, người mang Việt Nam lên bản đồ hoa thế giới.
Ông là Thomas Hooft, nhà sáng lập, nguyên tổng giám đốc công ty TNHH Agrivina hay còn được biết đến với cái tên Đà Lạt Hasfarm.
“Người Hà Lan điên” yêu hoa và yêu Đà Lạt
Thomas Hooft sinh năm 1948 tại Hà Lan - xứ sở trồng hoa nổi tiếng nhất thế giới.
Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành hoa và rau quả nhưng có thời gian dài làm kiến trúc sư công trình và đi khắp nơi trên thế giới từ Trung Đông, Trung Quốc, Mỹ, Nam Phi,…
Năm 38 tuổi, Thomas Hooft quyết định quay lại với niềm yêu hoa bằng việc phát triển nghề trồng hoa cao cấp.
“Năm 1993, tôi đến thành phố Đà Lạt và nhanh chóng nhận ra đây là vùng đất trồng hoa lý tưởng nhất”, ông từng tâm sự với báo Tiền phong.
Quyết định trồng hoa bằng công nghệ nhà kính không phải tại quê nhà mà tại xứ sở nhiệt đới vốn quen với việc trồng hoa giữa đồng, biệt danh “người Hà Lan điên” được những người bạn thân đặt cho Thomas Hooft.
Trước khi đến Việt Nam lập công ty Đà Lạt Hasfarm vào năm 1994, Thomas Hooft và người bạn Berhard Schenke từng có hơn 10 năm phát triển các nông trại hoa tại Indonesia.
Bất chấp lời khuyên để rồi hơn 20 năm sau, ông đã chứng minh được điều ngược lại và cũng là người làm nên cuộc cách mạng cho ngành trồng hoa Đà Lạt nói chung và Việt Nam nói riêng.
Ông từng chia sẻ với một tờ báo vào năm 2012: “Nhưng đến nay tôi rất vui khi nhìn thấy diện mạo các khu vực trồng hoa của người dân Đà Lạt cũng được bao phủ bởi các nhà kính san sát nhau, đạt diện tích hơn 2.000 ha”.
Đưa hoa Việt ra bản đồ thế giới
Với vốn đầu tư 700 nghìn USD, khởi đầu của Đà Lạt Hasfarm chỉ với 1 hecta hoa hồng và 1 hecta cẩm chướng được trồng trong những khu nhà kính đơn giản tại đường Nguyên Tử Lực, thành phố Đà Lạt.
Đến nay công ty này đã chuyển sang xây dựng nhà kính hoàn toàn bằng thép và mở rộng thêm 2 nông trại tại Đạ Ròn và Đa Quý với diện tích 300 hecta trong đó có 80 hecta nhà kính.
Hiện tại, mỗi năm Đà Lạt Hasfarm trồng tới 150 triệu canh hoa và 250 triệu ngọn giống cung ứng cho thị trường trên khắp thế giới.
Năm 2003, dự án này được đánh giá là 1 trong 5 dự án nước ngoài đầu tư hoạt động hiệu quả nhất tại Đà Lạt.
Từ năm 2004 Đà Lạt Hasfarm là thành viên duy nhất của hiệp hội hoa thế giới. Đến năm 2011, công ty này lại được tạp chí Flowers Tech của Mỹ bình chọn là công ty hoa lớn nhất Đông Nam Á.
Theo lời kể của ông Thomas, mục tiêu ban đầu khi thành lập công ty của ông là xuất khẩu hoa sang Nhật Bản, Úc, Đài loan nhưng phải đến 3 năm sau mới thực hiện được bởi tất cả hoa trồng được đều được bán hết sạch cho thị trường nội địa.
Đây là điều ngạc nhiên lớn với nhà sáng lập Đà Lạt Hasfarm.
Tính đến năm 2010, 30% sản lượng hoa của Đà Lạt Hasfarm phụ vụ nhu cầu trong nước, 70% xuất khẩu ra các thị trường như: Nhật Bản, Úc, Singapore, Đài Loan, Indonesia.
Việc chinh phục thị trường khó tính như Nhật Bản từ năm 1996 giúp Đà Lạt Hasfarm khẳng định tên tuổi trên thị trường.
Vốn là công ty TNHH nên số liệu kết quả kinh doanh của Đà Lạt Hasfarm khá ít ỏi.
Theo lời chia sẻ của ông Berhard Schenke, hiện là tổng giám đốc công ty này với tạp chí Forbes cho biết doanh thu năm 2013 là 60 triệu USD.
Nếu so sánh với các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may thì đây là con số khá ít ỏi nhưng tính trung bình trên diện tích nông trại thì doanh số hàng năm trên mỗi hecta vào khoảng 200 nghìn USD, gấp 50 lần mức trung bình ngành nông nghiệp Việt Nam tại thời điểm này.
Năm 2014, Đà Lạt Hasfarm đạt mức doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận gần 200 tỷ đồng, tương đương với mức biên lợi nhuận 20%.
Đây là con số ấn tượng với một doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp Việt Nam.
Công thức thành công của Đà Lạt Hasfarm
Sở dĩ Đà Lạt Hasfarm gặt hái thành công trên thị trường ban đầu là nhờ vào tình yêu hoa và sự nỗ lực của nhà sáng lập Thomas Hooft và cộng sự đồng hương Schenke.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Thomas chia sẻ: “Nếu bạn biết cách kinh doanh thì bạn không thể đổ lỗi cho những trở ngại mà phải đổ lỗi cho chính mình khi mình không vượt qua đươc các chướng ngại vật ấy.”
Còn Schenke cho rằng: “Trong nông nghiệp, bạn muốn thành công thì phải là nông dân, chứ không thể là người kinh doanh đơn thuần.”
Bên cạnh đó việc là người tiên phong, đầu tư vào công nghệ là yếu tố thành công then chốt của Đà Lạt Hasfarm.
Vốn là người Hà Lan, lại tốt nghiệp chuyên ngành hoa và rau quả, Thomas Hooft đã sớm đưa những thành tựu nông nghiệp quê hương vào Việt Nam bằng việc trồng hoa trong nhà kính.
Để thâm nhập được vào thị trường Nhật, Đà Lạt Hasfarm phải chọn lọc và mua các loại giống có bản quyền, quy trình sản xuất, vệ sinh dịch nghiêm ngặt.
Ví dụ trước khi vào nhà kính cần qua 2 lớp cửa, giày phải khử trùng.
Hệ thống nhà kính trồng hoa sử dụng công nghệ Pháp, công nghệ tưới của Israel từ năm 1997, các thông số độ ẩm, nhiệt độ đều được kiểm soát qua máy tính và truyền dữ liệu đến phòng điều khiển trung tâm.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Phu thuộc Đà Lạt Hasfarm, mỗi nhà kính, tùy theo chủng loại, giai đoạn phát triển của cây hoa và tình hình thời tiết sẽ được định lượng về phân bón, nước tưới theo sự điều tiết của máy tính.
Hay khi nhiệt độ ban đêm tại Đà Lạt xuống thấp, hệ thống cảm biến sẽ kích thước hệ thống lò hơi để đẩy nước nóng vào hệ thống ống dẫn làm ấm nhà kính.
Việc đầu tư cho công nghệ giúp Đà Lạt Hasfarm đạt năng suất 70-80% so với việc trồng hoa tại Hà Lan theo chia sẻ của ông Schenke.