7 ngân hàng vây doanh nghiệp: Cơ quan điều tra vào cuộc

Một vụ việc xiết nợ hy hữu vừa mới diễn ra tại Bình Dương làm chấn động dư luận. Theo đó, doanh nghiệp này đã cùng lúc thế chấp kho hàng cho 7 ngân hàng để vay hàng trăm tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đồng loạt 7 ngân hàng đã cho người bao vây kho hàng công ty này để xiết nợ.

Hàng loạt buổi làm việc với con nợ bất thành

Vào khoảng 12h trưa ngày 6/6, trên đường Nguyễn Thị Chạy (khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), nơi đóng kho chứa hàng của công ty TNHH Trường Ngân (có trụ sở chính tại 109/F8, đường Bến Vân Đồn, phường 9, quận 4, TP.HCM) xuất hiện hàng chục chiếc ô tô của 7 ngân hàng.

Các ngân hàng đều mang theo lực lượng bảo vệ bao vây, thực hiện xiết nợ tập thể công ty này, vì lý do không trả được nợ đã vay. Vụ việc đã gây náo loạn cả khu phố, và nhanh chóng loan đi khắp nơi.

Theo tìm hiểu của PV, công ty TNHH Trường Ngân (gọi tắt là công ty Trường Ngân) là doanh nghiệp kinh doanh cà phê. Đơn vị này chuyên thu mua cà phê hạt về chế biến và xuất khẩu cà phê nguyên liệu.

Trong quá trình hoạt động, công ty Trường Ngân đã vay nợ rất nhiều ngân hàng với số tiền hàng trăm tỷ đồng và đến nay không còn khả năng trả nợ. Vì Trường Ngân thiếu nợ quá thời hạn nên các ngân hàng đã cho người đến kho hàng công ty để xiết nợ gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội (MB), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Phương Đông (OCB) và Ngân hàng Hàng Hải (Maritimebank).

Đại diện một ngân hàng VIB cho biết: "Mục tiêu xiết nợ của các ngân hàng là số cà phê còn tồn đọng trong kho của công ty này. Chúng tôi có thông tin cho biết, hiện trong kho của công ty Trường Ngân còn khoảng 3.000 - 4.000 tấn (trị giá khoảng 100 tỷ đồng)".

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Bình, giám đốc công ty Trường Ngân cho biết, số nợ mà Công ty đã vay của 7 ngân hàng nêu trên khoảng gần 600 tỷ đồng. Theo thông tin mới nhất mà PV có được thì khi biết doanh nghiệp này vỡ nợ, đại diện của các ngân hàng đã nhiều lần làm việc với công ty Trường Ngân để tìm hướng giải quyết nhưng không đi đến một thỏa thuận nào.

Trước đó, vào ngày 29/5, một số ngân hàng trên có buổi làm việc chung với nhau để thống nhất phương án giải quyết nợ của doanh nghiệp về việc phân chia số hàng cà phê còn lại. Các ngân hàng dự kiến sẽ ngồi lại với nhau để tìm cách thu hồi nợ.

Thế nhưng, sau khi phát hiện công ty Trường Ngân dùng tài sản cà phê để thế chấp cho nhiều ngân hàng khác nhau là hành vi vi phạm pháp luật nên một trong số các ngân hàng đã đến xiết nợ số hàng còn tồn lại trong kho. Trước thông tin đó, các ngân hàng còn lại nhanh chóng điều lực lượng đến để đảm bảo quyền lợi của mình, đồng thời không cho ai lấy hàng ra khỏi kho.

7 ngân hàng vây doanh nghiệp: Cơ quan điều tra vào cuộc
Lực lực bảo vệ của 7 ngân hàng tiến hành bao vây kho hàng của công ty Trường Ngân để xiết nợ vào ngày 6/6. (Ảnh: Internet)

Số hàng trong kho không thấm vào đâu?

Hàng chục bảo vệ của các ngân hàng tham gia tranh giành lẫn nhau xung quanh kho cà phê đã gây náo động cả thị xã Dĩ An. Đây là sự việc chưa từng xảy ra trên địa bàn Bình Dương khi các ngân hàng cùng tranh nhau xiết nợ một doanh nghiệp.

Cùng lúc đó, rất đông người dân hiếu kỳ cũng tập trung đến vây kín công ty Trường Ngân, làm cho sự việc càng thêm phức tạp hơn. Nhận được tin báo, công an phường Tân Đông Hiệp và cơ quan CSĐT công an thị xã Dĩ An đã nhanh chóng có mặt tại kho hàng công ty Trường Ngân để giữ gìn an ninh trật tự.

Tại hiện trường, lực lượng công an đã mời đại diện của 7 ngân hàng vào văn phòng để làm việc. Cơ quan công an cũng yêu cầu các ngân hàng tường thuật lại toàn bộ sự việc về quá trình thực hiện cho vay giữa các ngân hàng và công ty TNHH Trường Ngân.

Chiều 8/6, nguồn tin từ cơ quan CSĐT công an thị xã Dĩ An tiết lộ thông tin cho PV về buổi làm việc. Theo đó, tổng số nợ mà công ty Trường Ngân đã vay của 7 ngân hàng trên là 600 tỷ đồng. Trong đó, công ty Trường Ngân vay của VIB gần 119 tỷ đồng (111 tỷ tiền nợ gốc).

Đồng thời, công ty này còn thế chấp hơn 3.000 tấn cà phê để vay 90 tỷ đồng của Ngân hàng Phương Đông. Công ty Trường Ngân cũng thế chấp 615 tấn cà phê cùng nhà đất, vàng để vay của MB khoảng 80 tỷ đồng cùng một số ngân hàng khác.

Ông Vũ Xuân Bình, giám đốc công ty Trường Ngân cho biết, các khoản vay của các ngân hàng nói trên được thế chấp bằng các hợp đồng xuất khẩu cà phê cùng các tài sản đảm bảo và bất động sản khác. Khi quá hạn trả nợ, các bất động sản của công ty ở TP.HCM đã bị các ngân hàng tịch thu.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc 7 ngân hàng cùng giành giật số hàng cà phê trên là do công ty Trường Ngân trong thời gian gần đây gặp khó khăn trong vấn đề kinh doanh cà phê do giá nông sản liên tục giảm nhưng lại phải chịu lãi suất vay của các ngân hàng rất cao khoảng 20%/năm.

Theo ông Bình, trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc làm ăn của đơn vị không mấy sáng sủa, lại chịu mức lãi suất cao nên công ty lâm vào cảnh vỡ nợ. Do dó, dẫn đến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ cho ngân hàng.

Ông Bình cho biết thêm: "Có những thời điểm, chúng tôi luôn phải đối mặt với với lãi suất cho vay hơn 20%. Khoảng bốn năm trở lại đây, chúng tôi bắt đầu rơi vào tình trạng khốn đốn. Hiện nay, số hàng cà phê còn lại trong kho không ăn thua gì so với số nợ của các ngân hàng".

Cũng theo ông Bình thì công ty này hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nguyên liệu từ năm 2005. Doanh nghiệp này từng có thời điểm được xếp hạng thứ 4, 5 trên thị trường cà phê của cả nước, xuất khẩu khoảng từ 3.000 - 70.000 tấn cà phê /năm. Có năm, doanh thu đạt đến 2.500 tỷ đồng nên có mối quan hệ rất tốt với các ngân hàng.

Vụ việc đã kéo dài đến 18h cùng ngày. Sau khi công an vào cuộc thực hiện lấy lời khai và đại diện các ngân hàng đều đi đến thống nhất không ai được tự ý mở kho hàng, kể cả công ty Trường Ngân và không cho xuất bán. Bên cạnh đó, lực lượng công an đã nghiêm cấm tất cả các bên không được manh động.

Đồng thời, tiến hành niêm phong kho hàng trên, yêu cầu công ty Trường Ngân tạm thời ngừng hoạt động để tiếp tục điều tra. Trao đổi với PV, nhiều người dân sống gần công ty Trường Ngân tiết lộ: "Hiện tại, công ty này đã ngừng hoạt động. Nghe nói, sắp tới sẽ tuyên bố phá sản, công an niêm phong tất cả tài sản của công ty, chỉ có bảo vệ của ngân hàng túc trực tại đây mà thôi".

Ông Bùi Văn Nu, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết: "Trước mắt, để tiếp tục giải quyết thì cần xác định rõ về tính pháp lý đối với tài sản được cầm cố, thế chấp cho các ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải có tiếng nói chung để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM để tìm hướng giải quyết và đề nghị các ngân hàng phải tiến hành thực hiện các bước theo quy định của luật pháp".

Theo thông tin PV nhận được thì vào sáng ngày 7/6, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã có buổi làm việc với đại diện các ngân hàng cho công ty Trường Ngân vay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại