5 câu nói thường dùng "khắc họa" con người TS Alan Phan

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - TS Alan Phan cho rằng, lời hứa quan trọng hơn cả mọi vàng bạc châu báu vì khi thiên hạ mất niềm tin vào mình thì coi như mình sẽ mất tất cả, vì thế ông không hứa và dị ứng với những lời hứa bậy…

Trong một buổi chia sẻ mới đây với hàng ngàn sinh viên của trường Học viện Báo chí và tuyên truyền và ở một bài viết trên trang cá nhân của mình, Tiến sĩ Alan Phan cho biết, trong suốt mấy chục năm qua, có 5 câu nói mà ông thường hay dùng.

Câu đầu tiên theo TS Alan Phan, đó chính là "tôi không biết".

"Chữ “tôi không biết” thực ra giúp tôi giải hóa nhiều tình huống khó khăn. Người đối diện thấy tôi thành thực; tôi có thì giờ thêm để tìm hiểu hay nghiên cứu sâu về một đề tài mới; và với nhân viên, ý tôi là nhắc khéo các anh chị phải lo làm việc hăng say hơn để tìm câu trả lời. 

Nếu đối tác và khách hàng cho tôi là ngu dốt, tôi cũng được lợi, vì trong kinh doanh, người ta hay “thương” người ngu và sợ người “khôn”. Một giải pháp quá đẹp và đơn giản", TS Alan Phan chia sẻ.

Tiến sĩ Alan Phan (Ảnh: Internet).
Tiến sĩ Alan Phan (Ảnh: Internet).

Tôi không hứa

Câu thứ hai mà TS Alan Phan thường dùng đó là "tôi không hứa" bởi theo ông, sự quan trọng của nó còn hơn cả vàng bạc.

"Trong mọi cuộc thương lượng làm ăn, tôi dị ứng nhất với các lời hứa bậy. Tôi cho rằng đây là lĩnh vực nên để dành riêng cho các ngài chánh trị gia. 

Lời hứa quan trọng hơn cà mọi vàng bạc châu báu vì khi thiên hạ mất niềm tin vào mình thì coi như mình sẽ mất tất cả. 

Khởi đầu với bạn bè, khách hàng, nhân viên, đối tác…rồi từ đó, tài sản, quyền lực và danh tiếng. Cái quý giá của lời hứa bắt chúng ta phải thật hà tiện, ngay cả khi mình dự đoán chắc đến 70-80%. 

Tương lai chứa nhiều bất ngờ với cả trăm yếu tố ảnh hưởng kết quả ngay ở những điều nhỏ nhặt.

"Một việc tầm thường như khi hẹn giờ cho các buổi họp, tôi luôn đúng giờ, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng, nhưng giờ may mà điện thoại di động đã giúp tôi báo trễ nếu gặp sự cố.

Tôi gần như không làm ăn với những đối tác luôn trễ hẹn và trong các buổi tiệc cưới, tôi thường ái ngại cho các cô dâu chú rể khi họ thề thốt là sẽ “yêu và sống với nhau suốt đời”, mặc cho giàu hay nghèo, khỏe hay bệnh, hay mọi khác biệt về tính tình hay sở thích", TS Alan Phan nhấn mạnh.

Câu thứ ba được theo TS Alan Phan chia sẻ, đó là "tôi đã sai".

"Khi làm một kế hoạch kinh doanh, mọi người dựa vào những căn cơ mang tính cách định kiến, chủ quan và khó xác định độ chuẩn. Cho nên câu nói thường xuyên của tôi trong mọi trình bày, diễn giải, tôi phải phòng trước và sau câu, “tôi có thể sai”. 

Tôi không muốn nói ra vậy vì nó có thể giết chết hay trì hoãn phi vụ, nhưng tôi cho rằng tôi phải tôn trọng sự thông minh của đối tác và khách hàng khi cảnh báo họ điều này.

Khi biết nhận mình có thể sai trong các kết luận mà chỉ có tương lai mới trả lời được cũng giúp tôi chăm chỉ và cẩn thận hơn khi đặt giả thuyết hay khi thu nhặt dữ kiện", TS Alan Phan cho hay.

Câu nói thứ tư mà theo TS Alan Phan cho biết, đã giúp ông có lại được tình bạn tốt với một người trước đây từng muốn "nện" cho ông một trận, đó là câu "tôi xin lỗi".

"Tôi nhận xét thấy trong các xã hội văn minh tiến bộ, các công dân đối xử với nhau lịch sự và nói câu “xin lỗi” (sorry) rất thường xuyên. Ngay cả khi họ vô tình bước qua hay đứng trước mặt mình trong thang máy, hay xe buýt…chữ sorry được dùng thoải mái để giữ hòa khí.

Trong những chuyện lớn hơn, tôi đã từng lái xe hơn 200 cây số để đến nhà một nhân viên dưới quyền cũ để “xin lỗi” về một sai lầm trong nhận định 8 năm trước khiến anh ta phải xin thôi việc. Anh cảm động nói ngay sau sự cố, anh muốn đón đường nện tôi một trận, nhưng dằn lại. Rồi anh lại may mắn tìm được một việc làm tốt hơn. Bây giờ, chúng tôi là 2 người bạn tốt.

Khi tôi nằm đợi mổ tim 12 năm trước, tôi ghi lại tên những người mà tôi tự hứa là sẽ đi gặp và xin lỗi nếu sống sót. Sau đó, tôi đã thực hiện lời hứa, dù không liên hệ được với 1/3 tổng số", TS Alan Phan viết trên trang cá nhân của mình.

Câu nói thứ 5 được ông thường sử dụng và đem lại cho ông niềm vui, thoải mái, đó là "tôi cảm ơn".

"Biết ơn là cốt lõi của bản chất con người tôi. Mỗi sáng ngủ dậy, khi thân thể không đau yếu, khi nhìn mặt trời lung linh qua bức màn, cùng tiếng chim hót, tôi cảm tạ ơn trên đã ban phúc lộc cho tôi sống thêm một ngày. 

Mỗi đêm trước khi đi ngủ, tôi ngồi thiền và nhớ lại những giúp đỡ hay kiến thức tôi đã nhận trong ngày từ người thân hay sơ, và tự nhủ lời cám ơn.

Mỗi giây phút trên thế gian, tôi cảm nhận sự nhiệm màu của Tạo Hóa, cái chân tình của những tấm lòng con người và sự thiêng liêng của một thiên nhiên trong sạch. 

Dĩ nhiên, đôi khi thất vọng cũng tràn đầy, với mình và với người; đôi khi phải đối diện với cái xấu, cái ác, cái giả dối, cái vô cảm, cái bất trí…nhưng những giây phút “biết ơn” phủ trùm tất cả. Tôi quên được những thất bại thua lỗ trên đường đời nhờ lòng biết ơn", TS Alan Phan khẳng định.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại