Sau khi nhiều quốc gia trên thế giới cùng chung tay hưởng ứng trào lưu "sống xanh", giúp bảo vệ môi trường bằng việc thường xuyên đi xe đạp, nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đã bắt đầu nở rộ dịch vụ cho thuê phương tiện này.
Nhưng chạy theo xu hướng không phải lúc nào cũng đem lại thành công, mà điển hình là thương hiệu Ngộ Không Bicycles do anh Lôi Hậu Nghĩa sáng lập vào đầu năm 2017 đã sớm phải bỏ cuộc sau nửa năm hoạt động.
Hãng cho thuê xe đạp Ngộ Không Bicycles buộc phải đóng cửa vì 90% lượng phương tiện của họ đã "không cánh mà bay".
Ban đầu, anh Lôi chỉ đầu tư 1.200 chiếc xe đạp, đồng thời bố trí chúng ở các trạm cho thuê gần Khu đô thị mới Lưỡng Giang và nhiều khu vực nằm xung quanh khuôn viên trường Đại học Trùng Khánh, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.
Nếu mọi việc thuận lợi, anh dự định sẽ mở rộng kinh doanh ra khắp 334 thành phố lớn nhỏ trên lãnh thổ quốc gia bằng cách xây thêm 10.000 trạm cho thuê xe đạp cùng 1 triệu đầu phương tiện chất lượng cao, ước tính lợi nhuận thu về có thể chạm ngưỡng hàng trăm triệu nhân dân tệ mỗi năm.
Hãng này đã thua lỗ khoảng 10 tỷ đồng sau gần nửa năm kinh doanh.
Dẫu vậy, giấc mơ của nhà doanh nghiệp trẻ buộc phải dừng lại khi chỉ sau chưa đầy sáu tháng hoạt động, 90% lượng xe đạp mà Ngộ Không Bicycles sở hữu đã "không cánh mà bay" khiến họ thua lỗ tới hơn 3 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 10 tỷ đồng).
Trước tình hình kinh doanh bết bát cùng số vốn về mo, hãng này đành tuyên bố ngừng hoạt động và khẳng định sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền còn dư mà các khách hàng từng nạp vào tài khoản cá nhân.
"Dẫu dự án khởi nghiệp chưa thành công, song bản thân tôi sẽ luôn coi nó như là một hoạt động từ thiện", anh Lôi Hậu Nghĩa – ông chủ thương hiệu Ngộ Không Bicycles cho biết.
Hiện nay, nhiều hãng cho thuê xe đạp khác tại Trung Quốc cũng đang gặp khá nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với hai "đại gia" là Mobike (được hậu thuẫn bởi Tencent) và Ofo (được hậu thuẫn bởi Alibaba).
Những nguyên nhân dẫn tới thất bại của hãng cho thuê xe đạp Ngộ Không Bicycles:
1. Lựa chọn thị trường là thành phố Trùng Khánh, một nơi có địa hình "nhiều tầng xếp lớp" không quá thích hợp cho việc di chuyên bằng xe đạp.
2. Để tiết kiệm nguồn vốn, ông chủ hãng Ngộ Không Bicycles đã quyết định không lắp đặt hệ thống GPS cho các phương tiện. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc 90% lượng xe đạp của hãng "mất tích" mà không thu hồi lại được.
3. Do thiếu vốn cộng thêm việc là khách hàng cỡ nhỏ nên Ngộ Không Bicycles chỉ có thể đặt mua xe đạp từ những nhà sản xuất không lớn, từ đó khiến hơn 1.200 chiếc "cân đẩu vân" này rất nhanh bị hỏng hóc.
4. Vì cho thuê mà không cần đặt cọc tiền trước nên nhiều khách hàng của Ngộ Không Bicycles đã thiếu ý thức trong việc giữ gìn những chiếc xe đạp, thậm chí thường bỏ lại ngay bên vệ đường khiến chúng dễ dàng bị kẻ trộm "cuỗm" mất hoặc bị chính quyền địa phương tịch thu.