"Một khi một loại khuynh hướng nào đó trở nên quá mạnh, sự phát triển của nó sẽ phải trả giá bằng các khuynh hướng khác. Nếu không được kiểm tra và uốn nắn bởi sự dẫn dắt và kỷ luật tự giác của lý trí, nó sẽ thống trị toàn bộ cơ thể và biến chủ nhân của nó thành một quái vật. (Trích cuốn "Going up", William McDougall).
Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Heraclitus từng nói: "Lên dốc và xuống dốc đều là cùng một con đường". Going up, đi lên là đường chính, nhưng hướng ngược lại lại chính going down. Nói về "sa ngã" thì Trư Bát Giới, từ một Thiên Bồng nguyên soái đến một "thánh thờ ơ với mọi chuyện ở nơi làm việc" chính là một điển hình.
Nhân vật Trư Bát Giới trên màn ảnh nhỏ
IQ của Trư Bát Giới thực ra khá cao. Bạn cảm thấy không thuyết phục? Đó là bởi bạn chưa nhìn ra được những huyền cơ bên trong cái "đầu heo" đó!
Ở "nơi làm việc" là đường đến Tây Thiên lấy kinh, là một thủ lĩnh, Đường Tăng không hề sợ chướng ngại vật, luôn dũng cảm tiến về phía trước; Tôn Ngộ Không trừ ma diệt quái; Sa Tăng cả đường gánh hành lý; chỉ có Trư Bát Giới vừa tham vừa lười, ngoài dắt ngựa ra thì hầu như chẳng biết làm cái gì, nói hơi thật một chút thì Trư Bát Giới khá vô dụng.
Nhưng thực ra, bản lĩnh của Trư Bát Giới không hề thua kém Tôn Ngộ Không.
Tác phẩm "Tây du kí" có miêu tả rất rõ ràng khi Trư Bát Giới khi gặp Tôn Ngộ Không lần đầu ở Cao lão trang: Khi đó, Trư Bát Giới và Tôn Ngộ Không đánh nhau rất ác liệt, đánh nguyên cả một đêm vẫn không phân được thắng bại. Đến sáng sớm, Trư Bát Giới cả người không chút thương tích nào nói rút lui, đi tìm chỗ nào để ăn sáng cái đã. Trư Bát Giới sở dĩ quy y Phật môn, trở thành nhị sư huynh, là bởi đã "bị chiêu an" sau khi gặp được Đường Tăng.
Có thể thấy, Trư Bát Giới luôn cố ý che dấu thực lực của mình, giả vờ ngốc. Vì sao lại phải làm vậy?
Trư Bát Giới là một điển hình cho những nhân viên không tận tâm, vô trách nhiệm, làm việc kiểu ứng phó, ngoài miệng lúc nào cũng ra vẻ ta đây nhưng lại không làm tốt việc của mình, và đặc biệt là "khôn lỏi" ở nơi làm việc. Đi Tây Thiên lấy kinh là một công việc vô cùng nguy hiểm và vất vả, Trư Bát giới "lao động" ít nhất, nhưng lợi ích lại đều được hưởng như 2 người huynh đệ còn lại.
4 thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh - Ảnh cắt từ bộ phim Tây Du Ký (bản 1986)
Tôn Ngộ Không "làm việc" nhiều nhất, bị mắng bị đánh cũng nhiều nhất, động tý là bị Đường Tăng niệm vòng kim cô. Sa Tăng và Bạch long mã, một người gánh hành lý, một người chở Đường Tăng, cả hai đều chịu không ít nặng nhọc.
Còn Trư Bát Giới thì sao? Lão Trư tất nhiên không thích đi con đường này, mà muốn không cầu lập công nhưng cũng không cầu phải chịu nặng nhọc. Ngược đời ở chỗ, những kiểu người như vậy lại làm gì cũng thuận lợi.
Nói một cách công bằng thì Trư Bát Giới không phải sinh ra là đã như vậy. Trư Bát Giới thời thanh xuân cũng là một thiếu niên đầy nhiệt huyết, một Thiên Bồng nguyên soái trí dũng song toàn. Một đại soái nửa đời ngồi trên lưng ngựa, đánh bại hồ ly 9 đuôi, bảo vệ, mở rộng biên cương cho thiên giới, công lao không hề ít.
Nhưng sau đó rơi vào "vụ bê bối đào hoa", bị đày xuống trần gian, chịu trách nhiệm dự án "lấy kinh", hơn nữa còn chỉ được làm nhân viên.
Có lẽ, vào thời khắc đó, Trư Bát Giới đã "tỉnh ngộ".
Trư Bát Giới từng cùng Đường Tăng, Tôn Ngộ Không "ôn lại" quá khứ của mình: khi đó "sắc phong nguyên soái, thống lĩnh thủy binh", nhưng vì "số nhọ", vì "không rõ ràng" với Hằng Nga ở tiệc bàn đào, bị "đánh 2 nghìn trượng", "đuổi khỏi thiên quan".
Trư Bát Giới còn trách Tôn Ngộ không đại náo thiên cung, làm Ngọc đế tức giận, trút lây sang cả mình.
Qua đây, chúng ta có thể cơ bản nhìn ra được "bụng dạ" của Trư Bát Giới: Sau khi trải qua và chịu đựng những thăng trầm, trong bụng lúc nào cũng ôm cục tức, cảm thấy Tôn Ngộ Không và những người khác nợ mình, nay chuyện đã vậy, vậy thì chí lớn cũng đành gác lại, dứt khoát sống y như hình hài luôn….
Trên con đường đi lấy kinh, Trư Bát Giới luôn đóng vai "người tài vẻ ngoài đần độn", mang hết những cái "lanh vặt" của mình phát huy đến tận cùng:
Thứ 1, "không gánh trách nhiệm thì sẽ không phải gặp nguy hiểm, phạm sai lầm". Trên suốt quãng đường, lão Trư chưa bao giờ tự mình diệt được một con yêu quái nào, mỗi lần đánh nhau đều là đi theo sau Hầu ca "quá giang", Tôn Ngộ Không nhiều lần bị Đường Tăng quở trách "ngộ thương người tốt", nhưng những trách móc này lại đều "vô duyên" với Trư Bát Giới.
Thứ 2, "thay vì lao động vất vả, không bằng nịnh lãnh đạo". Bất cứ sai lầm nào của Đường Tăng, Trư Bát Giới dù trong lòng biết nhưng không bao giờ uốn nắn, nhắc nhở, tùy tiện đứng về phía lãnh đạo. Đường Tăng hiển nhiên là thích Trư Bát Giới rồi, lúc nào cũng có phần thiên vị lão Trư.
Thứ 3, "trước một đằng, sau một nẻo". Trư Bát Giới một mặt là "tên hề" ở nơi làm việc, bị mắng "ngốc nghếch" nhưng mặt vẫn cười hớn hở; một mặt nhiều lần trước mặt Đường Tăng nói không tốt về Tôn Ngộ Không, thêm mắm thêm muối khiến Đại sư huynh bị sư phụ đuổi đi, rồi lại "đích thân ra mặt" đi mời lão Tôn quay trở lại. Trư Bát Giới trong mắt lãnh đạo Đường Tăng là một nhân viên mẫu mực vừa nghe lời vừa biết chịu khổ, có trách nhiệm.
Trư Bát Giới cả đường đi thì tám phần là du sơn ngoạn thủy, đến cuối cùng vẫn "tu thành chính quả", trở thành "Tịnh Đàm sứ giả". Nhưng, suy cho cùng thì kiểu "lanh vặt" của Trư Bát Giới chính là điển hình của việc khuyết điểm được nuông chiều quá mức từ đó làm xấu đi nhân cách.
Tôn Ngộ Không đi đến đâu cũng là nhân viên cốt cán, năng lực thì khỏi phải bàn. Sa Tăng và Bạch long mã bất kể ra sao thì ít nhất vẫn còn tôn nghiêm, tự trọng, vẫn biết ai đúng ai sai, trọng nghĩa khí, biết đứng ra chia sẻ trách nhiệm. Còn Trư Bát Giới, cả hai từ "thần thoại" và "nực cười" đều nằm gọn trong con người này, đằng sau đó cũng chứa đầy những cảm xúc vừa đáng thương và vừa đáng giận.
Kiểu nhân viên giống như Trư Bát Giới trong xã hội ngày nay không hề hiếm. Nhưng, đã có ai nhìn thấy những người như vậy thực sự tạo ra được khác biệt, thực sự thành công lâu dài?
Bất kể là ở nơi làm việc hay là đối nhân xử thế, nghịch cảnh thất điên bát đảo là chuyện khó tránh khỏi, nhưng vì sao có những người giống như quả trứng gà vừa rơi xuống đã vỡ tan, còn có những người lại giống như quả bóng bàn, chạm đất rồi vẫn có thể bật ngược lại được?
Mấu chốt vẫn là ở tầm nhìn của nội tâm và những nhận thức tích cực về bản thân. Trư Bát Giới rơi vào nghịch cảnh rồi lại đắm mình trong đó, suy cho cùng cũng chỉ vì tầm nhìn quá ngắn, khả năng tự nhận thức bản thân quá hạn hẹp, vì vậy dễ dàng bị nuốt chửng bởi mặt tối của nội tâm bên trong.
Mọi người thường nói rằng "tính cách quyết định số phận", câu này chỉ đúng một nửa. Chúng ta cũng có những tiềm năng nội tại để định hình lại tính cách lý tưởng và thay đổi vận mệnh của chính mình.
Kiểu "lanh vặt" sành đời, khéo đưa đẩy giống như Trư Bát Giới không phải là trưởng thành mà là yếu đuối; trưởng thành thực sự là khi bạn biết không có gì là hoàn hảo trên thế giới này, nhưng bạn vẫn muốn theo đuổi, là khi bạn am hiểu sâu sắc về bản chất con người và hiểu được chính mình. Thành công luôn được định sẵn để thuộc về những người mạnh mẽ như vậy.
Tại sao những người thành công thực sự đều không thích " khôn lỏi"?
Bởi vì họ biết rõ hơn ai hết, một tòa nhà cao tầng, muốn tồn tại được lâu dài thì cần phải có được nền tảng vững chắc nhất.
Bởi vì họ tỉnh táo hơn ai hết, sự khôn lỏi và qua đường bằng lối tắt, chẳng qua chỉ là đang để cho tương lai có cơ hội đóng khung trong một mô thức không vượt qua được, lặp đi lặp lại nguyên bản của quá khứ, đó chính xác là cái bẫy lớn nhất của mỗi người.
Bởi vì họ có tầm nhìn xa hơn ai hết, mặc dù mọi người có thể ngắm nhìn cùng một khung cảnh, những chỉ những người từng bước từng bước một bước lên đến đỉnh mới có cơ hội thu hoạch được những kho báu đầy bất ngờ trên con đường tiến lên đó.