Ảnh minh họa cuộc sống trên Sao Hỏa. Ảnh: The Guardian
Chúng ta sẽ cần rất nhiều người sẵn sàng xây cho chúng ta những ngôi nhà, văn phòng, siêu thị, những phương thức di chuyển từ nơi này tới nơi kia…, rất nhiều thứ như chúng ta đang làm trên Trái Đất – hành tinh có thể một lúc nào đó không còn phù hợp với con người.
Những người như vậy là kiến trúc sư, nhưng không phải dạng kiến trúc sư bình thường mà rất khác biệt. Họ là những kiến trúc sư vũ trụ.
Trường đào tạo đặc biệt
Olga Bannova không mang theo tấm danh thiếp ghi nghề nghiệp là “Kiến trúc sư vũ trụ”, mặc dù bà thừa nhận điều đó có vẻ khá tuyệt vời. Thay vào đó, danh thiếp của bà ghi chức danh Giám đốc Trung tâm Kiến trúc Vũ trụ Quốc tế Sasakawa (SICSA), nằm trong Trường cao đẳng Công nghệ Cullen thuộc Đại học Houston, Mỹ. SICSA là nơi có chương trình đại học đào tạo ngành kiến trúc vũ trụ duy nhất trên thế giới. Tốt nghiệp trường này, bạn sẽ là thạc sĩ khoa học ngành kiến trúc vũ trụ.
Hiện nay, kiến trúc vũ trụ chưa phải là ngành lớn, mỗi năm chỉ cho “ra lò” vài sinh viên tốt nghiệp. Song mỗi năm, dự án của những sinh viên ít ỏi đó đã đưa các nhà khoa học Mỹ tới gần hơn giấc mơ sống trên hành tinh khác. Với những người tin rằng tới một lúc nào đó, loài người buộc phải sơ tán sang các hành tinh khác thì SICSA chính là nơi đào tạo những người sẽ vẽ nên cuộc sống của con người trên vũ trụ.
Với trách nhiệm thiết kế tòa nhà, văn phòng và những thứ mà con người cần để tồn tại, kể cả phương tiện để di chuyển từ nhà tới nơi làm việc, siêu thị…, kiến trúc sư vũ trụ sẽ phải giải quyết những vấn đề mà đồng nghiệp làm việc trên Trái Đất không dám nghĩ tới, hoặc không nghĩ tới được. Ví dụ, làm thế nào khi hành tinh khác không có đủ ô xy, không có ánh nắng hoặc quá nhiều ánh nắng, hay làm thế nào để xử lý vấn đề trọng lực. Rồi cả việc thiếu vật liệu xây dựng? Giả sử có đủ vật liệu xây dựng thì chuyển chúng tới nơi cần thế nào khi mà khoảng cách giữa các điểm trong vũ trụ rất lớn? Có vô số vấn đề cần tới bộ óc khác lạ của những kiến trúc sư vũ trụ.
Ngành kiến trúc vũ trụ đang cần những bộ óc có tư duy phản biện, hiểu về nhiều lĩnh vực, không chỉ là kiến trúc và các chuyên ngành, mà còn hiểu về các lĩnh vực công nghệ, như hàng không vũ trụ, vật lý, hình học, toán học, logistics, khoa học máy tính, sinh học con người và rất nhiều thứ.
Giấc mơ vươn tới các vì sao
Nhắc tới kiến trúc vũ trụ, không thể không nhắc tới Brent Sher-wood, hiện là một kiến trúc sư vũ trụ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Từ cách đây vài chục năm, ông đã luôn hình dung ra một kỳ nghỉ trăng mật, một chuyến du lịch cho con người trên vũ trụ, như trên Mặt Trăng, hay Sao Hỏa. Ông nói: “Hãy tưởng tượng ra một khách sạn có cảnh vật thay đổi mọi lúc, nơi Mặt Trời mọc và lặn 18 lần mỗi ngày, nơi thức ăn bay lơ lửng để tới miệng bạn”.
Ông Sherwood sinh năm 1958, đã dành suốt 25 năm qua để ng-hiên cứu các kế hoạch phát triển thành phố trên quỹ đạo hay nơi định cư trên các hành tinh. Ông cho rằng sớm hay muộn thì du lịch vũ trụ sẽ trở thành điều thường xuyên và con người sẽ sống, làm việc trên Mặt Trăng.
NASA từng ký hợp đồng với công ty Goodyear để thiết kế một chiếc ống rộng làm nơi ở trên hành tinh khác. Ống hình chiếc bánh doughnut, bằng cao su rộng 9m này chưa bao giờ được đưa lên vũ trụ nhưng nó là cảm hứng cho những nhà kiến trúc vũ trụ khác, trong số đó có Guillermo Trotti, người đã thiết kế dự án nơi ở có thể bơm phồng trên Mặt Trăng năm 1974.
Khu vực sinh sống trên Mặt Trăng Counterpoint của ông Trotti đang được trưng bày trong Bảo tàng Vũ trụ và Khí quyển Smith-sonian ở Mỹ. Đây là mô hình một mạng lưới mái vòm được bơm đầy không khí, xây bằng đá núi lửa trên Mặt Trăng để làm nơi ở cho 200 người, trong đó có cả hệ sinh thái để trồng đậu tương, nuôi cá hồi, cá da trơn, 200 con gà và 50 con dê.
Khi đó, mô hình Counterpoint chỉ là giấc mơ điên rồ. Ông Trotti được NASA cấp tiền để nghiên cứu phát triển. 40 năm đã trôi qua, Counterpoint giờ không còn là ý tưởng điên rồ như xưa nữa. Ông Trotti tiếp nối giấc mơ khi đồng sáng lập SICSA.
Các nhà kiến trúc vũ trụ đang phối hợp với nhau để phát triển một phương pháp in 3D ở trên Mặt Trăng, sản xuất ra bê tông từ “bụi Mặt Trăng”. Các kiến trúc trên Mặt Trăng không nhất thiết phải được xây bằng vật liệu khoa học viễn tưởng, mà bằng những thứ có sẵn trên đó.
Mặt Trăng không phải là nơi duy nhất Mỹ hướng tới. Còn có cả Sao Hỏa. Ông Robert Zubrin, Chủ tịch Hội Sao Hỏa cho rằng con người sẽ có mọi công nghệ cần thiết để thực hiện sứ mệnh có người lái lần đầu tiên lên Sao Hỏa sớm hơn và cuối cùng, sẽ có hàng triệu người sống ở đó.
Ông hình dung ra một thế giới toàn nhà kính, được bảo vệ khỏi tia UV bằng các mái vòm nhựa đưa từ Trái Đất lên và sau này sẽ được sản xuất ngay tại Sao Hỏa bằng vật liệu sẵn có trên đó. Trong một kế hoạch, Hội Sao Hỏa đã vẽ ra khung cảnh con người mặc bộ đồ vũ trụ để tưới cây và nắm tay nhau dạo chơi giữa những tảng đá màu đỏ đặc trưng trên Sao Hỏa.
Khi mà du hành vũ trụ dân sự ngày càng phổ biến hơn, kiến trúc sư vũ trụ đang ngày càng quan trọng. Ông Trotti lạc quan về cuộc sống trên Sao Hỏa, cho rằng thăm dò vũ trụ sâu thẳm sẽ là ngành lớn nhất trên thế giới trong 100 năm tới cũng như là thách thức lớn nhất với các kiến trúc sư vũ trụ tương lai.