Năm 2007, anh Nguyễn Xuân Thắng (SN 1973) cùng gia đình thực hiện tâm nguyện tìm kiếm mộ phần của cậu ruột, là liệt sĩ hy sinh tại Quảng Nam. Dù tìm được hồ sơ ghi rõ nơi mất nhưng gia đình vẫn không thể xác định được chính xác mộ phần của thân nhân. Công việc sau đó không trọn vẹn nhưng đây lại là khởi đầu cho hành trình dài đầy ý nghĩa của anh.
Gần 20 năm qua, anh cùng các cộng sự tận tụy thu thập thông tin về các ngôi mộ liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh. Đến nay, nhóm của anh đã tìm hiểu sâu 150 trận đánh lớn, xây dựng 70 bộ hồ sơ, xác định mộ tập thể của khoảng 2 vạn liệt sĩ.
Anh Nguyễn Xuân Thắng cùng nhóm tình nguyện dâng hương tại một ngôi mộ tập thể
Những nỗ lực đầu tiên…
Anh Nguyễn Xuân Thắng cho biết ngay từ nhỏ anh đã yêu thích nghiên cứu quân sự, bản đồ, vũ khí, do vậy dù nghề nghiệp là một kiến trúc sư, anh vẫn dành nhiều thời gian cho việc tìm kiếm nhiều tài liệu về chiến tranh. Thông qua quá trình tìm kiếm mộ liệt sĩ của cậu ruột, anh Thắng phát hiện ra rằng các liệt sĩ hy sinh đều có hồ sơ rõ ràng, qua đó anh cho rằng mọi thứ đều phải có bằng chứng cụ thể.
Anh Thắng nói: "Nhiều khi cuộc chiến tranh của mình dài quá, sử sách cũng đâu thể ghi lại một cách đầy đủ và rõ ràng được". Chính điều này đã thôi thúc anh tìm kiếm và thu thập thông tin, hình ảnh trên khắp các diễn đàn, các trang web, hội nhóm và các tài liệu trong và ngoài nước. Các thông tin hữu ích anh đăng tải trên website cá nhân và mạng xã hội.
Năm 2016, cựu chiến binh Mỹ Bob Connor bình luận một cách ngẫu nhiên: "Nếu bạn nhìn lên con đường ở bản đồ sân bay, rồi rẽ phải - nơi có lô cốt, hay còn gọi là đồi 10, có một trận chiến quan trọng đã diễn ra nơi đây vào Tết Mậu Thân 1968. Tại vị trí ở cuối đường băng có một hố chôn tập thể vào ngày 2/2/1968 do hậu quả của trận đánh".
Sơ đồ bản vẽ và ảnh vệ tinh của các vị trí hố chôn tập thể ở Biên Hòa
Ngay lập tức, anh Nguyễn Xuân Thắng liên hệ với một cựu chiến binh Việt Nam để cùng kết nối và tiếp cận xác minh thông tin. Từ manh mối đầu tiên này, phía Việt Nam đưa ra lời đề nghị các cựu chiến binh Mỹ hỗ trợ thêm các nhân chứng khác để giúp đỡ Việt Nam tìm kiếm ngôi mộ tập thể. Ông Bob Connor đã liên lạc với đại tá Martin E.Strones, người chỉ huy trận đánh.
Năm 2016, ông Bob Connor và Martin E.Strones về Việt Nam theo lời mời của bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Mặc dù, có thông tin trực tiếp từ nhân chứng và cựu binh chỉ huy trực tiếp trận đánh nhưng đoàn tìm kiếm cũng phải mất tới 27 ngày mới tìm thấy ngôi mộ 150 người trong khu vực sân bay Biên Hòa.
Anh Nguyễn Xuân Thắng nói: "Lúc đấy, việc tìm kiếm rất sơ khai, sau này thì như là một cái duyên, sau khi tìm kiếm thành công ngôi mộ tập thể đầu tiên ở sân bay Biên Hòa, nhiều cựu binh Mỹ cởi mở hơn để cung cấp thông tin".
Nhận thức được trách nhiệm với Việt Nam, rất nhiều cựu binh Mỹ vượt qua rào cản để trở thành những tình nguyện viên tích cực. Họ không ngần ngại bỏ thời gian và công sức dành cho công việc này. Đôi khi, các cựu binh Mỹ còn trực tiếp lái xe di chuyển vài trăm km, đến tận nhà nơi các nhân chứng sinh sống để kiên trì thuyết phục, thu thập những thông tin hữu ích.
Ảnh do các cựu chiến binh Mỹ cũng cấp được chụp từ trên cao năm 1968
Để có thông tin chính xác về vị trí của một ngôi mộ tập thể, anh Nguyễn Xuân Thắng và nhóm tìm kiếm phải làm việc trong thời gian tương đối dài. Nhiều khi, công việc diễn ra không thuận lợi, cụ thể như rất vất vả để tìm được nhân chứng nhưng đến lúc thu thập thông tin thì người này đã mất.
Hiện nay, nhóm của anh Nguyễn Xuân Thắng có sự tham gia của nhiều tình nguyện viên khác như kiến trúc sư Lâm Hồng Tiên, ông Richard W Magner, Bob Mark, Kin Lo,... Họ thu thập và đối chiếu lịch sử của hai phía Việt Nam và Mỹ, tiếp cận kho tư liệu hình ảnh lưu trữ của Học viện Texas, thư viện Quốc hội Mỹ,... Một số hồ sơ, nhóm trực tiếp nghiên cứu ngay từ đầu, một số hồ sơ do cơ quan chức năng nhờ xử lý thông tin. Nhóm cũng tham gia tìm kiếm hai chiều, bao gồm cả thông tin về các cựu binh Mỹ mất tích ở Việt Nam.
Tìm mộ từ những manh mối nhỏ nhoi
Một trong những lần tìm kiếm vượt ngoài mong đợi, phải kể đến ngôi mộ 213 liệt sĩ ở Tây Ninh. Trận địa này diễn ra vào ngày 25-26/4/1969 giữa sư đoàn bộ binh 25 của Mỹ với biệt danh "Tia chớp nhiệt đới" và Trung Đoàn 1 - Sư đoàn 9 của Việt Nam có tên là "Đoàn Bình Giã".
Anh Thắng cho biết ông Bob đã kết nối được với nhân chứng, lúc này đã hơn 90 tuổi. Cựu binh Mỹ chỉ nhớ ngôi mộ ấy ở phía Tây Nam, cách hàng rào hơn 100m.
Một khu mộ tập thể được chụp bởi các cựu chiến binh Mỹ
Mặc dù, nhóm thu về được nguồn thông tin ít ỏi và khá mơ hồ nhưng đó là thông tin xác thực. Địa điểm diễn ra trận đánh khi đó ở ấp Bến Trại, xã Long Khánh, nay đã thay đổi thành Bến Cầu, Tây Ninh.
Năm 2018, khi tiếp nhận thông tin về trận đánh, anh Nguyễn Xuân Thắng tham gia khảo sát lần đầu cũng một sĩ quan khác, đến nơi anh không tìm được bất kỳ một dấu hiệu nào còn sót lại. Nơi anh đặt chân là cánh đồng trồng ớt bằng phẳng, khung cảnh rất thanh bình.
Vị trí anh Thắng thắp hương trong lần đầu khảo sát vào năm 2018 trùng hợp là vị trí khai quật mộ tập thể của các liệt sĩ năm 2021
Để xác minh ngôi mộ này, anh Thắng đã phải xem rất nhiều hình ảnh từ các nguồn khác nhau. Anh cho biết khi được tiếp cận kho ảnh Viễn thám của Mỹ, dấu vết trận địa hiện lên rất rõ ràng. Những dấu vết bất thường trên mặt đất như các căn cứ dã chiến nửa chìm nửa nổi, các vệt xe chạy trên cánh đồng, cách vị trí trong biên giám ghi mấy trăm mét.
Ngoài ảnh viễn thám, ảnh vệ tinh, anh Thắng cũng xem những ảnh chụp ngẫu nhiên từ nhiều góc độ. Anh nhấn mạnh: "Hầu hết những bức ảnh chụp về chiến tranh Việt Nam được chia sẻ, tôi đều xem qua và có khả năng nhớ về các bức ảnh. Một ngày tình cờ, tôi mở các tư liệu của một người chia sẻ trên Facebook. Ngay lập tức, tôi đã liên hệ với người đó và anh ấy cho biết chỉ có như vậy thôi và người ta không chia sẻ thêm. Tôi phải bằng lòng khai thác với những gì mình có".
Sau khi xác nhận được chính xác vị trí, nhóm anh Thắng đã báo cáo Ban liên lạc thân nhân liệt sĩ, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh. Sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã làm việc với sư đoàn 9 để tìm kiếm.
Ngôi mộ được tìm thấy vào 5/2021 và hài cốt các liệt sĩ đưa về nghĩa trang huyện Bến Cầu.
Vợ liệt sĩ Lương Văn Thuyết, 87 tuổi cùng các con cháu viếng mộ chồng và đồng đội sau hơn nửa thế kỷ xa cách
Một điều đặc biệt khác liên quan đến ngôi mộ tập thể 213 liệt sĩ ở Tây Ninh, anh Thắng cho biết trước vào năm 2017, người nhà của một trong số những liệt sĩ đã hy sinh tại đây đã liên hệ với anh để nhờ tìm kiếm thông tin.
Sau khi tìm thấy ngôi mộ, vợ liệt sĩ Lương văn Thuyết, 87 tuổi cùng các con cháu vượt hơn 2000km từ Nghệ An vào Tây Ninh thắp hương chồng và đồng đội, đây như một niềm an ủi, giải toả nỗi canh cánh trong lòng bà suốt bao năm nay.