Kiên quyết ly hôn chồng, cô gái bị cả gia đình và bố mẹ ruột lập mưu sát hại

Tuyết Nhung |

Đến chết cô gái vẫn không thể hiểu được lý do tại sao những người thân trong gia đình lại có thể đối xử với cô tàn nhẫn như thế.

Ngày 25/1/2006, Caroline Goode – một trinh thám cấp cao nay đã là chánh thanh tra của Scotland Yard (tên gọi của Sở Cảnh sát Thủ đô London, Anh) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một người thanh niên tên Rahmat Sulemani thông báo rằng bạn gái của anh – Banaz Mahmod, 20 tuổi đã mất tích.

Rahmat nói rằng anh và bạn gái thường nhắn tin cho nhau nhiều lần trong ngày nhưng từ sáng 24/1/2006, anh không còn nhận được bất kỳ tin nhắn nào từ Banaz. Từ những thông tin được cung cấp, Caroline nhanh chóng nhận ra đây không phải là một vụ mất tích bình thường, đằng sau nó có thể là một âm mưu kinh khủng nào đó.

Caroline đã làm việc miệt mài suốt 3 tháng để tìm kiếm tung tích của Banaz. Cuối cùng, Caroline cũng tìm được Banaz nhưng lúc này cô gái ấy chỉ còn là một thi thể, bị nhét vào trong vali chôn bên dưới một cái hố sâu tại vườn sau một ngôi nhà ở Birmingham.

Kiên quyết ly hôn chồng, cô gái bị cả gia đình và bố mẹ ruột lập mưu sát hại - Ảnh 1.

Banaz Mahmod, 20 tuổi đã bị chính gia đình bố mẹ ruột sát hại năm 2006.

Bị gia đình ép hôn và cuộc hôn nhân nhiều tủi nhục đau đớn

Banaz sinh ra ở khu tự trị Kurdistan, Iraq. Năm 1998, Banaz đã cùng gia đình chuyển đến thành phố Morden, phía nam London để xin tị nạn nhằm thoát khỏi chế độ Saddam Hussein.

Năm 2003, khi mới 17 tuổi, Banaz đã bị cha ruột là ông Mahmond Mahmod ép gả. Cuộc hôn nhân sắp đặt này cuối cùng không mang lại hạnh phúc cho Banaz. Cô thường xuyên bị chồng hành hạ vô cùng kinh khủng. Ngày 10/10/ 2005, Banaz – khi đó 19 tuổi đã tìm đến đồn cảnh sát quận Mitcham tố cáo bản thân đang bị chồng là Ali Abbas – 34 tuổi ngược đãi, hành hạ.

"Abbas là một người chồng nghiêm khắc. Anh ta buộc tôi phải tuân theo tất cả mọi yêu cầu mà anh ta đưa ra. Tôi không được phép nói ‘không’. Thậm chí, mỗi khi muốn quan hệ vợ chồng, nếu tôi không đồng ý, anh ta sẽ bất chấp tất cả cưỡng hiếp tôi.

Abbas nói rằng anh ta sẽ giết tôi nếu tôi dám tiết lộ bất cứ điều gì với người khác. Tôi không biết trong văn hóa của cộng đồng tôi (cộng đồng người Kurd) hay ở đây, việc này có được xem là bình thường hay không", Banaz nói với cảnh sát.

Kiên quyết ly hôn chồng, cô gái bị cả gia đình và bố mẹ ruột lập mưu sát hại - Ảnh 2.

Ông Mahmod Mahmod - bố ruột của Banaz, người đã ép gả Banaz đồng thời cũng là người đứng đằng sau cái chết của cô.

Hai năm sau, Banaz cảm thấy bản thân không còn chịu đựng được nữa, cô dọn khỏi nhà Abbas, quay trở về nhà cha mẹ ruột và nói với họ rằng cô muốn ly hôn.

Sau đó, mỗi lần ra ngoài, Banaz nhận thấy rằng luôn có 2 người đàn ông lạ mặt đi theo, la hét buộc cô phải lên xe của họ. Nhiều lần như thế, Banaz liền báo cảnh sát. Tuy nhiên, vụ việc này không đi tới đâu vì không ai biết 2 gã đàn ông kia là ai. Nhưng có một điều Banaz chắc chắn đó là sinh mạng của cô đang bị đe dọa.

Nỗi sợ ngày càng lớn hơn khi Banaz biết rằng bố và chú Ari của cô đã phát hiện ra việc cô đang hẹn hò bí mật với Rahmat Sulemani – 27 tuổi, thuộc cộng đồng người Kurd đến từ Iran.

Cả Banaz và Rahmat đều biết rằng không ai trong gia đình Banaz hoặc cộng đồng của họ chấp nhận hay khoan dung cho mối quan hệ của cả hai bởi vì trên mặt giấy tờ Banaz vẫn là một người phụ nữ đã có gia đình và chuyện tình của hai người chẳng khác nào một hành vi ngoại tình.

Kiên quyết ly hôn chồng, cô gái bị cả gia đình và bố mẹ ruột lập mưu sát hại - Ảnh 3.

Rahmat Sulemani- bạn trai của Banaz cũng treo cổ tự tử năm 2016 do bị ám ảnh về cái chết của cô.

Âm mưu đáng sợ từ những người cùng chung dòng máu

Ngày 2/12/ 2005, một trong những người em họ của Banaz nhìn thấy cô và Rahmat đang hôn nhau bên ngoài ga tàu điện ngầm Morden Tube. Sự việc sau đó đến tai người chú Ari.

Ngay lập tức, người đàn ông này triệu tập một cuộc họp chỉ gồm những thành viên nam trong dòng họ tại nhà của mình ở Mitcham. Tại đây, tất cả mọi người đều đồng ý rằng Banaz và Rahmat đã mang lại điều xấu hổ cho gia đình và phải bị giết chết.

Bất chấp việc chồng có thể phát hiện, bà Behya – mẹ của Banaz đã nói cho con gái nghe về quyết định của mọi người. Ngày 12/12/2005, Banaz đã viết sẵn một lá thư rồi mang đến đồn cảnh sát. Trong thư cô nêu tên những người muốn cô phải chết là Mohamed Hama và 2 người em họ Mohammed Ali và Omar Hussain.

"Họ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để giết tôi và bạn trai tôi. Điều này đã được chính chú ruột của tôi Ari Mahmod xác nhận và thông báo cho mẹ tôi vào ngày 2/12/2005" – một đoạn trích từ trong lá thư nêu rõ.

Vào đêm Giao thừa cuối năm 2005, Mahmod nói với con gái Banaz rằng cả nhà sẽ cùng đến nhà bà ngoại ở Wimbledon để thảo luận về việc ly hôn của cô với Abbas. Malmod yêu cầu Banaz xách một chiếc vali lớn, rỗng từ trong xe vào phòng khách khi cả nhà đến nơi.

Kiên quyết ly hôn chồng, cô gái bị cả gia đình và bố mẹ ruột lập mưu sát hại - Ảnh 4.

Banaz đã bị cưỡng hiếp rồi siết cổ đến chết ngay tại phòng khách với sự giúp đỡ của những người trong gia đình.

Theo đúng kịch bản đã được thảo luận, Mahmod sau đó buộc Banaz uống thật nhiều rượu mạnh. Sau đó, người đàn ông này mang găng tay phẫu thuật vào và bảo cô ngồi xuống vì cô sẽ sớm cảm thấy buồn ngủ dưới tác dụng của rượu.

Quá hoảng sợ, Banaz làm theo lời cha nhưng cô biết rằng mình cần phải tìm cách trốn thoát. Khi Mahmod rời khỏi phòng, Banaz lợi dụng cơ hội chạy ra vườn sau, dùng tay trần đập vỡ cửa kính nhà hàng xóm cầu cứu nhưng không có ai.

Thấy thế cô vội lao ra đường, người đầy máu té ngã bên ngoài một quán cafe. Người dân xung quanh đã lập tức gọi cứu thương đưa cô đến bệnh viện. Nhân viên cứu hộ cho biết cô đã vô cùng sợ hãi và không muốn rời khỏi xe cứu thương cho đến khi bảo vệ được gọi đến.

Khi cảnh sát đến bệnh viện, Banaz kể lại toàn bộ sự việc nhưng câu chuyện của cô đã bị bác bỏ, cảnh sát cho rằng đó là chuyện hoang đường, không thể nào xảy ra.

Anh Rahmat sau đó đã đến bệnh viện đón Banaz, cả hai cùng nhau quay trở về nhà của Rahmat. Họ vẫn ở đó cho đến khi cha của Banaz đến cầu xin con gái quay trở về nhà và một mực khẳng định rằng từ giờ trở đi cô sẽ được an toàn.

Kiên quyết ly hôn chồng, cô gái bị cả gia đình và bố mẹ ruột lập mưu sát hại - Ảnh 5.

Chánh thanh tra Caroline Goode - người đã nỗ lực hết mình để đòi lại công lý cho Banaz.

"Khi Banaz rời khỏi bệnh viên sau vụ tấn công đêm Giao thừa, cô đã nói với nhân viên y tế rằng gia đình sẽ giết cô nếu cô quay trở về đó. Nhưng gia đình Banaz đã hứa hẹn sẽ không có chuyện như thế xảy ra nữa. Banaz muốn tin tưởng họ thêm lần nữa. Cô yêu gia đình mình và không muốn làm họ xấu hổ bằng cách tránh xa mọi người", Caroline nói.

Sau khi trở về nhà, sáng ngày 24/1/2006, Banaz bị cưỡng hiếp và bị Mohamed Hama – một người được thuê, siết cổ đến chết ngay tại phòng khách của gia đình trong lúc những người em họ ra sức khống chế cô.

Sau hai tiếng rưỡi giằng co, Banaz trút hơi thở cuối cùng. Thi thể của cô sau đó bị nhét vào trong va li và kéo ra ngoài bỏ vào cốp xe rồi mang đến chôn tại một ngôi nhà ở Birmingham nhằm phi tang chứng cứ.

Hành trình tìm công lý cho người bị hại

Khi tiến hành điều tra vụ án, nhóm của Caroline đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi nhiều lần bị các thành viên trong cộng đồng người Kurrd cung cấp lời khai giả. Caroline chia sẻ:

"Trong vụ án của Banaz, có ít nhất 50 người trong cộng đồng người Kurd liên quan đến vụ giết người, từ việc lên kế hoạch, giết người, vứt xác hay cung cấp chứng cứ giả để ngăn cản quá trình điều tra. 

Những lời khai giả này đã khiến chúng tôi lãng phí rất nhiều thời gian mà vẫn không tìm được tung tích của Banaz. Việc duy nhất chúng tôi có thể làm là bắt giữ Mohamed Hama vì đã có hành vi đe dọa Rahmat 2 ngày trước khi Banaz bị giết hại."

Khi Hama đang ở trong tù chờ ngày ra tòa, cảnh sát đã bí mật theo dõi những cuộc điện thoại của Hama và nhờ thế phát hiện ra manh mối có liên quan đến vụ án của Banaz.

Hama đã nói chuyện với một người đàn ông người Kurd ở Birmingham. Cả hai nói rằng cảnh sát quá ngu ngốc và sẽ không thể tìm thấy cái xác và Hama đã hỏi một người đàn ông khác rằng anh ta có đặt một cái tủ đông ở trong sân hay không.

Kiên quyết ly hôn chồng, cô gái bị cả gia đình và bố mẹ ruột lập mưu sát hại - Ảnh 6.

Chiếc vali chứa thi thể của Banaz được tìm thấy trong sân sau một ngôi nhà ở Birmingham.

Nhận được manh mối quan trọng, nhóm của Caroline lập tức tiến hành điều tra xung quanh khu vực Birmingham. Qua camera an ninh ở khu vực này, cảnh sát phát hiện sân sau của một ngôi nhà trong khu vực có đặt một chiếc tủ đông.

Ngay lập tức, cảnh sát tìm đến nơi và ngay tại vị trí chiếc tủ đông, đào xuống gần 2 mét, nhóm của Caroline phát hiện chiếc vali chứa thi thể của Banaz.

Ngày 11/6/2007, Mahmod Mahmod và Ari Mahmod bị kết tội giết người. Mahmod Mahmod bị tuyên án 20 năm tù và Ari Mahmod ít nhất 23 năm tù giam. Mohamed Hama cũng đã nhận tội trong một phiên tòa trước đó với bản án 17 năm tù giam.

Anh Rahmat – bạn trai của Banaz đã nhiều lần cung cấp bằng chứng trước tòa và phải nghe những chi tiết khủng khiếp về vụ án, bao gồm cả việc Mohamed Hama phải mất hơn 30 phút để siết chết Banaz bằng giây giày.

Năm 2016, 10 năm sau cái chết của Banaz, Rahmat được tìm thấy đã treo cổ tại nhà riêng ở Poole, Dorest. Sự thật là anh chưa bao giờ vượt qua được nỗi ám ảnh kinh hoàng trước những điều được nghe về cái chết của bạn gái trong phiên tòa.

Mẹ của Banaz đã không xuất hiện tại tòa để làm chứng cho con gái. Trái lại bà còn cung cấp chứng cứ ngoại phạm giả mạo nhằm giúp chồng thoát tội.

Kiên quyết ly hôn chồng, cô gái bị cả gia đình và bố mẹ ruột lập mưu sát hại - Ảnh 7.

Hai người em họ Mohammed Ali, (trái) và Omar Hussain (phải) đã khống chế Banaz để Mohamed Hama cưỡng hiếp rồi siết cổ cô đến chết.

Một trong hai người em gái của Banaz đã dũng cảm liều cả mạng sống để đưa ra bằng chứng chỉ tội cha và chú mình. Sau phiên tòa cô gái đã phải bỏ trốn đến nơi khác để đảm bảo an toàn cho bản thân. Riêng người em còn lại thì lại cho bằng chứng để giúp người cha thoát tội.

Những người em họ của Banaz là Ali và Hussain đã trốn khỏi Anh đến Iraq ngay sau vụ giết người. Tại đây cả hai không những không hối lỗi mà còn không ngừng khoe khoang về những điều bản thân đã làm.

Caroline nói: "Tôi đã nhận được thông tin rằng hai thanh niên này đang khoe mẽ hành vi xấu xa của bản thân như một chiến công vang đội. Tôi không thể chấp nhận được điều đó. Tôi đã buộc tội được cha và chú của Banaz nhưng đó mới chỉ là một nửa công việc.

Có nhiều lúc tôi đã nghĩ rằng bản thân sẽ không thể dẫn độ hai người này về nước xét xử nhưng tôi vẫn quyết tâm không từ bỏ, không thể để hai thanh niên này nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật sau tất cả những hành vi đáng kinh tởm của họ."

Dưới áp lực không ngừng từ phía Caroline, cuối cùng Ali và Hussain đã trở thành những nghi phạm đầu tiên bị dẫn độ từ Iraq về Anh. Và năm 2010, cả hai bị kết tù chung thân.

Caroline cuối cùng đã thành công đưa toàn bộ những kẻ giết người trong vụ án của Banaz ra trước công lý và đó là một trong những lý do giúp cô nhận được Huy chương Cảnh sát của Nữ Hoàng năm 2011.

Kiên quyết ly hôn chồng, cô gái bị cả gia đình và bố mẹ ruột lập mưu sát hại - Ảnh 8.

Đã đến lúc cần phải nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người trong xã hội về tình trạng giết người vì danh dự.

Giết người vì danh dự - tội ác nên được nhận thức rõ

Theo Ủy ban Khiếu nại Cảnh sát Độc lập Anh (IPCC) báo cáo năm 2008 cho rằng cái chết của Banaz là có thể ngăn chặn được nếu cảnh sát chịu lắng nghe và tin tưởng lời cô nói.

"Có một sự thật cần phải được làm rõ cho Banaz, đó là cô ấy đã đặt cả niềm tin vào pháp luật nhưng cuối cùng pháp luật lại bỏ rơi cô ấy. Những cảnh sát trong vụ việc đã tỏ ra vô cảm và thiếu hiểu biết. Banaz có thể đã còn sống đến hôm nay nếu cảnh sát nghiêm túc suy xét những lời cô nói khi cô đến gặp họ", Caroline nói.

Joanne Payton thuộc Tổ chức Hệ thống nhận thức về bạo lực vì danh dự giải thích: "Một phần vô cùng quan trọng của ‘danh dự’ là không để gia đình trở thành chủ đề của những tin đồn tiêu cực. Nếu một cuộc hôn nhân kết thúc bằng việc ly hôn, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến toàn bộ gia đình. 

Nó đồng nghĩa với việc nếu trong trong những cô con gái trong nhà ly dị, thì những cô con gái còn lại sẽ khó tìm chồng hơn. Điều này cũng khiến cho gia đình bị mất địa vị trong cộng đồng."

Theo Karma Nirvana, một tổ chức từ thiện cho những nạn nhân của vấn nạn bạo lực vì danh dự cho biết theo dữ liệu mới nhất cho thấy có 12 vụ giết người vì danh dự diễn ra mỗi năm ở Anh. Nhưng thực tế số lượng này có thể còn lớn hơn nhiều.

"Đã đến lúc cần phải nâng cao nhận thức cho mọi người từ cảnh sát đến tất cả mọi người trong xã hội về tình trạng giết người vì danh dự. Có một sự thật là nhiều nhân viên cảnh sát vẫn chưa được huấn luyện để hiểu và ứng phó với những vụ án bạo lực vì danh dự", theo Karma Nirvana.

"Sự thật là, Banaz rất yêu gia đình cô và dĩ nhiên cô ấy cũng yêu Rahmat. Cuối cùng, việc cố gắng yêu cả gia đình và bạn trai đã khiến cô phải đánh đổi bằng cả tính mạng. Banaz đã tìm thấy tình yêu đích thực với Rahmat và chính vì điều đó cô ấy phải chết", Caroline nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại