Kiện chủ quán cà phê vì bị mất xe

Tân Sơn |

Hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều tuyên buộc chủ quán cà phê phải bồi thường 31 triệu đồng cho khách.

TAND tỉnh Kiên Giang vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản theo hợp đồng gửi giữ tài sản giữa ông DNH với bà DKS (chủ quán cà phê) do bà S. có kháng cáo.

Đến uống cà phê , bị mất xe

Trong đơn khởi kiện, ông H. trình bày: Khoảng 19 giờ 30 ngày 16-1-2017, ông chạy xe máy hiệu Exciter chở một người bạn vào uống cà phê tại quán cà phê của bà S. Khi vào quán, ông đậu xe máy trong quán ngay tầm nhìn của bảo vệ quán để bảo vệ dễ quan sát, lúc đó có bảo vệ trông thấy.

Tại đây, ông H. cùng bạn uống cà phê đến khoảng 21 giờ thì có thêm hai người bạn khác đến ngồi chung. Bốn người uống cà phê đến 21 giờ 55 thì ra về.

Khi ra về, không thấy xe của mình đâu, ông H. và bạn tìm bảo vệ để hỏi thì không thấy bảo vệ đâu. Khoảng năm phút sau, một người bảo vệ mới tới quán.

Khi ông H. hỏi thì người bảo vệ này nói mới nhận ca nên không biết. Ông H. hỏi về số điện thoại bên công ty bảo vệ để trình bày sự việc, nhờ bạn đi trình báo công an phường, còn ông ngồi ở quán đợi chủ quán.

Đến 22 giờ 15, tổ trưởng bên công ty bảo vệ có đến quán gặp ông H. để nắm sự việc. Gần 22 giờ 20, bạn ông H. chạy về quán nói công an phường yêu cầu chủ xe qua phường trình bày. Ông H. và bạn đến công an phường trình bày sự việc và công an phường có ghi nhận.

Theo ông H., hiện ông vẫn còn giữ giấy đăng ký xe mang tên ông và chìa khóa xe. Khi ông vào quán uống cà phê thì bảo vệ quán phải có trách nhiệm trông giữ xe máy của ông. Do bảo vệ quán sơ hở, mất cảnh giác nên kẻ gian đã đột nhập và lấy mất xe máy của ông.

Do đó, ông yêu cầu chủ quán cà phê và người quản lý quán cà phê phải có trách nhiệm bồi thường chiếc xe bị mất cho ông (trị giá gần 46 triệu đồng). 

Không treo biển khách tự giữ xe, chủ quán phải đền

Tại tòa, bà S. (chủ quán cà phê) trình bày rằng bà có hợp đồng thuê bảo vệ của công ty bảo vệ, trong hợp đồng có bàn giao phụ trách an ninh trong quán và trông giữ xe.

Vào một thời gian nào đó bà không nhớ rõ, lúc bà không có mặt tại quán, bà được phía công ty bảo vệ thông báo có việc mất xe. Việc mất xe được công an phường ghi nhận và có lấy lời khai của nhân viên bảo vệ.

Qua các lần hòa giải ở phường, bà S. có yêu cầu mời đại diện công ty bảo vệ tham gia nhưng do thất lạc hợp đồng giữa bà và công ty bảo vệ nên phường không mời.

Nay bà không chấp nhận bồi thường cho ông H., đồng thời yêu cầu xác minh vụ mất xe có xảy ra tại quán hay không, yêu cầu mời đại diện công ty bảo vệ tham gia tố tụng.

Tháng 4-2018, tòa sơ thẩm đã tuyên buộc bà S. phải bồi thường cho ông H. 31 triệu đồng (giá trị xe bị mất theo kết quả định giá). Không đồng ý, bà S. kháng cáo.

Mới đây, xử phúc thẩm vụ án, TAND tỉnh Kiên Giang nhận định: Tại các biên bản hòa giải ở UBND phường, người quản lý quán cà phê thừa nhận có sự việc mất xe máy và đồng ý bồi thường cho ông H. nhưng yêu cầu công ty bảo vệ phải có trách nhiệm liên đới.

Tòa phúc thẩm xét thấy việc ông H. mất xe máy hiệu Exciter tại quán cà phê của bà S. là có thật. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại xe cho ông H. thuộc về bà S. bởi lẽ quán cà phê không treo biển báo khách tự giữ xe, mặt khác người quản lý quán cà phê xác định trong thời gian ông H. báo mất xe, bảo vệ không phát thẻ giữ xe. Cạnh đó, bà S. không có đơn yêu cầu công ty bảo vệ liên đới bồi thường thiệt hại.

Theo tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm buộc bà S. bồi thường thiệt hại cho ông H. là có căn cứ. Bà S. có quyền khởi kiện yêu cầu công ty bảo vệ bồi thường thiệt hại trong vụ án khác nên HĐXX tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Nhận trông giữ, làm mất thì phải bồi thường

Theo Điều 554 BLDS 2015, hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Theo khoản 2 Điều 556 BLDS 2015, bên gửi tài sản có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Theo khoản 1 Điều 557 BLDS 2015, bên giữ tài sản có nghĩa vụ bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ. Theo khoản 4 điều này, bên giữ tài sản có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại