Vụ án “chuyến bay giải cứu” đang thu hút sự quan tâm theo dõi đặc biệt của dư luận khi có tới 54 bị cáo phải hầu tòa, trong đó có 21 bị cáo là cựu quan chức cấp cao bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn với 515 lần nhận hối lộ, tổng số tiền lên đến 165 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương chia sẻ tâm trạng “đau lòng” khi những ngày qua theo dõi phiên toà xét xử đại án “Chuyến bay giải cứu”. Từ một chính sách, chủ trương rất nhân văn, của Đảng và Nhà nước, thực hiện những chuyến bay để giải cứu đồng bào mình ở nước ngoài trở về nước trong nỗi hoang mang của đại dịch Covid- 19, thế nhưng, có những cán bộ lẽ ra phải phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước lại vì lợi ích bản thân mình, bất chấp sai phạm để tư lợi, kiếm chác trên sự vất vả, khốn cùng của người dân.
“Trong hoàn cảnh khó khăn của đại dịch Covid- 19, Đảng và nhà nước đã quyết tâm, nỗ lực rất lớn để chăm lo cho người dân với tinh thần là không để một ai bị bỏ lại phía sau, vậy mà lại xảy ra các vụ việc tiêu cực để cuối cùng không đem lại được lợi ích cho người dân mà lại khiến người dân phải gánh chịu thêm những chi phí khổng lồ khác. Không chỉ là chuyến bay giải cứu mà trước đó là vụ việc Việt Á với số lượng bị cáo lớn, số tiền đưa nhận hối lộ cũng nhiều thì thực sự là một nỗi đau, nỗi buồn của cả xã hội”. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế của người dân, tài sản của Nhà nước, mà đáng nói hơn là vụ án này đã làm lung lay niềm tin của nhân dân. Trong 54 bị cáo của vụ án thì tới hơn 20 người là cán bộ, trong đó có cả những cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, thì đó là một mất mát rất lớn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói, mất mát về kinh tế có thể cố gắng làm nhanh chóng khắc phục được thiệt hại đó nhưng những thiệt hại về con người, thiệt hại về cán bộ thì để lại hệ lụy rất to lớn, rất lâu dài, rất phức tạp và việc khắc phục không phải chuyện một sớm một chiều, ngày một ngày hai”.
Nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Hà muốn nhấn mạnh thêm một mất mát nữa đó là niềm tin của người dân với Đảng, với Nhà nước. Tổn thất này theo ông Hà là không thể đo đếm và khó lòng cứu vãn.
Chính vì vậy, ông Hà cho rằng, cần phải coi trọng cơ chế kiểm soát quyền lực, vì khi giao quyền lực cho cán bộ mà cơ chế kiểm soát quyền lực chưa chặt chẽ sẽ dẫn tới tình trạng lạm quyền, lộng quyền, nhiều cán bộ sẽ “trượt dài” theo những sai phạm.
“Cái gốc của tham nhũng tiêu cực gắn liền với quyền lực. Nếu không kiểm soát chặt chẽ thì rất dễ bị tha hóa. Quyền lực càng cao thì khi bị tha hóa sẽ gây tác hại càng lớn”, ông Hà nhấn mạnh.
(Ảnh: Internet)
Những năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đến việc "phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế". Thế nhưng, làm sao để tạo ra một chiếc lồng cơ chế không có lỗ hổng, tránh những trường hợp sai phạm có hệ thống dẫn đến mất hàng loạt cán bộ như thời gian qua?
Ông Hà nêu quan điểm, để có lồng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ phải dựa vào cả hệ thống chính trị hay nói cách khác là cả hệ thống chính trị phải tham gia xây dựng lồng cơ chế này. Đặc biệt chiếc lồng cơ chế này để quảng đại nhất và chặt chẽ nhất, chính là biết dựa vào nhân dân.
“Nhân dân biết hết mọi thứ của cán bộ, biết cán bộ tốt hay xấu, giỏi hay yếu kém. Người dân có thể nhìn xuyên thấu tất cả mọi thứ, không cái gì có thể che giấu được người dân. Cho nên chính chúng ta phải dựa vào dân để xây dựng đảng, dựa vào dân để xây dựng chính quyền, dựa vào dân để xây dựng đội ngũ cán bộ”.
Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng tự bào chữa tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu" (Ảnh: Trọng Phú)
Ngoài ra, ông Hà cho rằng việc kiểm soát quyền lực không chỉ dừng lại ở chủ trương của Đảng mà phải kiểm soát bằng pháp luật của Nhà nước, phải thể chế hóa chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực thành chính sách pháp luật. Trên cơ sở đó mới có thể ràng buộc trách nhiệm với những người được giao quyền, ủy quyền thực hiện quyền lực của nhân dân.
Tất nhiên đây là một yêu cầu không đơn giản. Nhưng dù khó đến mấy cũng phải quyết tâm làm. Nếu không xây dựng cơ chế cụ thể, thể chế hóa bằng pháp luật để kiểm soát quyền lực thì sẽ còn rất nhiều đại án nữa do cán bộ lộng quyền, lạm quyền.
“Xác định rõ trách nhiệm và có lồng cơ chế kiểm soát quyền lực rồi thì phải thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ. Đây chính là chìa khóa vạn năng để xử lý tất cả mọi vấn đề và chắc chắn khi đó tiêu cực sẽ giảm”, ông Hà nhấn mạnh.