Theo TS Đinh Văn Minh, nếu có Luật Đăng ký tài sản sẽ giúp cải thiện kiểm soát nguồn tiền Ảnh minh họa
Dễ dàng kiểm soát nguồn tiền
Từng tham gia soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng, cá nhân ông nhận định ra sao về đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản của Viện trưởng Lê Minh Trí?
Thực ra không phải chúng ta chưa có cơ chế về việc này. Qua tổng kết, hiện có tới hơn 60 đạo luật quy định liên quan đến đăng ký tài sản. Tuy nhiên, người ta thấy hiện các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, lại thiếu rõ ràng, chưa đặt vấn đề nguồn gốc tài sản, vì thế mới phải đề xuất có hẳn một đạo luật riêng.
Đăng ký tài sản có rất nhiều ý nghĩa, trước tiên nó đảm bảo cho một xã hội trật tự, nề nếp, bảo đảm người có tài sản thực hiện được quyền tài sản của mình, khi xảy ra tranh chấp, anh được sự bảo hộ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc đăng ký tài sản cũng làm cho mọi việc rõ ràng, giúp dễ dàng kiểm soát được nguồn tiền. Vì khi đăng ký tài sản, ít nhiều sẽ liên quan đến nguồn gốc tài sản đó. Do vậy, những hành vi liên quan đến tham nhũng, mờ ám, trộm cắp, rửa tiền, buôn lậu và nhiều hành vi vi phạm khác sẽ lộ ra.
Nói như Viện trưởng Lê Minh Trí, có trường hợp chỉ vài chục tuổi, đã sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng, dù biết nhưng không làm gì được. Như vậy, nếu có quy định rõ ràng trong việc đăng ký tài sản, sẽ ngăn chặn được tình trạng tẩu tán tài sản, thưa ông?
Đúng vậy. Trong phòng chống tham nhũng và kiểm soát tài sản, hiện chúng ta mới chỉ kiểm soát ở bên trong, chưa kiểm soát được nhiều ở bên ngoài. Trong khi đó, giữa đối tượng bên trong và bên ngoài lại có sự liên thông với nhau.
Nếu chúng ta chỉ kiểm soát vòng trong mà buông lỏng vòng ngoài sẽ không có ý nghĩa gì. Ví dụ, có những cậu ấm, cô chiêu chỉ mới vài chục tuổi, đã đứng tên khối tài sản khổng lồ mà không lý giải được, không làm gì được, là bởi chúng ta chỉ kiểm soát được một phía, còn phía kia thì không.
Điển hình như cô "hot girl xứ Thanh" Quỳnh Anh. Lúc đầu cô này là công chức, khi có dấu hiệu tài sản tăng lên bất thường, cơ quan chức năng định vào cuộc, xác minh, nhưng đến lúc đó, cô ấy lại bỏ công chức, thế là tự nhiên thành công dân bình thường, và không ai làm gì được cả. Nói như vậy để thấy, nếu chỉ kiểm soát ở khối những người nắm giữ chức vụ quyền hạn, sẽ có những rủi ro rất lớn, vì không chặn được tài sản tẩu tán ra bên ngoài.
Chúng ta đừng quá băn khoăn đến câu chuyện về quyền tài sản riêng tư mà không nghĩ đến việc kiểm soát tài sản bên ngoài. Xin thưa, ở nước ngoài họ cũng dân chủ lắm chứ, nhưng ai tiêu một đồng, người ta đều biết hết. Tất nhiên, bên cạnh việc đăng ký tài sản phải là vấn đề kiểm soát chi tiêu tiền mặt. Nếu quản lý tốt thông qua giao dịch, như quan tham ở Trung Quốc vừa qua, có tiền đấy nhưng có tiêu được đâu. Khi có cơ chế kiểm soát để triệt tiêu động cơ tham nhũng, thì tiền tham nhũng cũng không tiêu được, chỉ còn nước chôn ở nhà.
Vậy làm thế nào để hài hoà giữa việc kiểm soát chặt chẽ, đồng thời vẫn đảm bảo quyền riêng tư về tài sản của công dân, thưa ông?
Khi ban hành luật, bao giờ cũng phải cân đối hai yếu tố đó. Trước tiên, Nhà nước phải kiểm soát được việc này, nhằm bảo hộ quyền tài sản của công dân một cách an toàn. Không thể kiểm soát tài sản mà thông tin lại bị tung ra tuỳ tiện được. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng cũng có trách nhiệm trong việc bảo vệ tài sản riêng tư của công dân. Tất nhiên, quyền cá nhân sẽ được đảm bảo, khi quyền ấy không mâu thuẫn với quyền lợi chung. Còn khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin, không ai có thể từ chối, ở quốc gia nào cũng vậy.
Không ai bắt toàn dân kê khai mọi tài sản
Thưa ông, có ý kiến băn khoăn, với khoảng 1 triệu người trong diện kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập mà chưa làm được tốt, vậy làm sao có thể kiểm soát ra toàn xã hội?
Không thể đem so sánh hai việc này được. Một bên là kê khai tài sản để kiểm soát, còn một bên người ta kiểm soát bằng tất cả các công cụ quản lý, chẳng hạn như thuế, đăng ký giao dịch, ngân hàng, các giao dịch mua bán… tất cả đều là công cụ kiểm soát hết. Cũng không ai bắt toàn dân đi kê khai tài sản cả.
TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
Cán bộ công chức kê khai nhiều thứ, còn các hoạt động trong xã hội đều phải được kiểm soát. Kiểm soát tài sản, kê khai tài sản không có nghĩa là công dân có bao nhiêu tài sản đều phải khai báo. Không phải tài sản nào của công dân cũng kê khai, không phải cứ có bao nhiêu tiền kê khai hết. Có chăng là những tài sản đưa vào giao dịch, hay một số loại tài sản lớn khác, thì bắt buộc anh phải đăng ký.
Nói cách khác, anh có bao nhiêu tiền trong nhà, tôi không cần biết, nhưng khi anh đưa ra ăn tiêu thế nào, tôi phải kiểm soát được qua các giao dịch. Ở nước ngoài, thấy có khoản tiền lạ, người ta hỏi nguồn tiền ngay và những người quang minh chính đại, nguồn tiền trong sáng, họ chẳng băn khoăn, phiền hà gì cả. Về quản lý, chỉ cần họ gõ số tài khoản của một người là ra hết. Nếu chuẩn hoá công nghệ thông tin thì việc quản lý cực kỳ đơn giản, vấn đề là anh có muốn làm hay không thôi.
Như vậy chúng ta đang thiếu quy định pháp lý, hay thiếu người hành động và ý thức hành động để kiểm soát tốt hơn, thưa ông?
Thứ nhất, bản thân tham nhũng là vấn đề rất phức tạp, có đấu tranh đến đâu cũng không thể hết được. Quốc gia nào cũng có tham nhũng cả, vấn đề là phải hạn chế tối đa thôi.
Thứ nữa, những người vi phạm luôn nghĩ ra cái mới, cho nên kiểu gì cũng có cách luồn lách. Rồi chúng ta phải cân đối giữa mong muốn và khả năng của mình. Bây giờ anh muốn làm như thế, nhưng anh phải có hạ tầng công nghệ thông tin tốt, có lực lượng đủ mạnh để làm. Như vậy, trước tiên anh phải nhận thức điều đó có quan trọng không? Nếu thấy quan trọng thì có đầu tư cho việc đó không? Muốn làm hay không là ở chỗ đó. Nhưng muốn hay không, không có nghĩa làm được ngay, mà phải có lộ trình, bước đi cụ thể.
Người ta hay nói đến việc quản trị tốt, thực chất là chúng ta đang hướng tới mục tiêu: Không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng và không dám tham nhũng. Các nước không có Luật Phòng chống tham nhũng, nhưng ngược lại, họ quản lý người rất chặt, quản lý tiền thật chặt, ai tiêu một đồng họ đều biết hết. Nền tảng quản trị của cả một xã hội tốt, đó mới là điều cần hướng tới. Anh quản lý đội ngũ cán bộ công chức tốt, quản lý tài chính công tốt, quản lý mua sắm công tốt…lúc đó mọi thứ sẽ tốt lên.
Ví dụ, nói đến tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục, mua bán bằng cấp. Nhưng nếu anh quản lý tốt giáo dục, quản lý tốt vấn đề bằng cấp, thì sao xảy ra được? Cứ nói bằng giả, bằng thật, xác minh rất lâu, nhưng nước ngoài, chẳng cần phải đi đâu hết. Họ chỉ cần gõ tên là ra hết mọi thông tin, bằng thật hay bằng giả người ta biết liền.
Đăng ký tài sản cũng là một công cụ tương tự giúp đưa quản lý tài sản vào nề nếp, trật tự. Tài sản của ai, có tên người ấy, được đăng ký đầy đủ, được pháp luật bảo hộ. Như vậy những cái gì mờ ám sẽ lòi ra ngay. Không thể tham nhũng chính là một nền quản trị tốt. Hiện nay chúng ta đã nhận thức rất tốt việc này rồi. Cũng giống như bát nước đổ đi rồi không thể hốt lại đầy như cũ được. Do vậy, phải ngăn chặn ngay từ đầu để nó không xảy ra. Chúng ta cũng đừng quá kỳ vọng nhiều, kể cả Luật Đăng ký tài sản nếu có, cũng chỉ là một trong những công cụ giúp hoàn thiện thể chế, để có được nền quản trị tốt hơn.
Cảm ơn ông.
Thu hồi được hơn 9.400 tỉ trong số gần 69 nghìn tỉ đồng
Theo báo cáo công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2019 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng từ giai đoạn điều tra; đồng thời, khuyến khích người phạm tội giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại. Việc thu hồi tài sản khi thi hành án đạt còn ít, trong 37 vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, đến hết tháng 6/2019, mới thi hành xong hơn 9.400 tỉ đồng trong tổng số gần 69 nghìn tỉ đồng, chỉ đạt tỷ lệ 13,73%.