Sáng 4/12, tin từ Công an huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị đang mở rộng điều tra, làm rõ vụ phá rừng xảy ra tại rừng đặc dụng Nam Ka (thuộc địa phận xã Bình Hòa, huyện Krông Ana).
Trước đó, vào cuối tháng 11/2019, Công an huyện Krông Ana nhận được thông tin từ một số cơ quan báo chí, phản ánh tình hình phá rừng đang diễn biến phức tạp tại rừng đặc dụng Nam Ka.
Sau đó, Công an huyện Krông Ana đã chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng Nam Ka, tiến hành kiểm tra thực địa.
Theo báo cáo ngày 29/11 của Công an huyện Krông Ana, qua kiểm tra thực địa, ghi nhận tại hiện trường có các gốc cây gỗ bị khai thác trái phép, thuộc trạng thái rừng gỗ tự nhiên.
Một số lượng lóng, hộp gỗ đã khai thác chưa kịp vận chuyển còn bỏ lại ở bìa rừng thuộc tiểu khu 1023, cách trụ sở Trạm Kiểm lâm số 8 của BQL rừng đặc dụng Nam Ka khoảng 500m. Dọc tuyến đường kiểm tra, tổ công tác còn phát hiện một số gốc cây bị chặt hạ.
Tổng cộng có 13 lóng gỗ tròn; 22 hộp gỗ xẻ (từ nhóm III đến nhóm VIII) được Công an huyện Krông Ana phát hiện. Số gỗ bị khai thác thuộc các tiểu khu 1023, 1024, 1025 với tổng khối lượng hơn 41m3. Thời gian khai thác gỗ xảy ra vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 10-2019.
Căn cứ vào kết quả khám nghiện hiện trường và tài liệu thu thập được, Công an huyện Krông Ana nhận định, đây là vụ phá rừng có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có dấu hiệu của tội "Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản".
Do đó, Công an huyện Krông Ana đã khoanh vùng, sàng lọc, triệu tập các đối tượng nghi vấn để đấu tranh, xử lý.
Báo cáo của Công an huyện Krông Ana gần giống với báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Krông Ana về vị trí kiểm tra (tiểu khu 1023, 1024, 1025, lâm phần BQL rừng đặc dụng Nam Ka), chênh lệch ít về số gốc cây bị cưa, số hộp gỗ, lóng gỗ.
Tuy nhiên, hai đơn vị này lại có báo cáo khác nhau hoàn toàn về khối lượng gỗ được phát hiện tại hiện trường.
Theo đó, phía Hạt kiểm lâm huyện Krông Ana có báo cáo thể hiện, đơn vị chỉ phát hiện gần 21m3 gỗ tại hiện trường và 7m3 gỗ các loại ở 4 vụ cất giấu lâm sản khác.
Như vậy, tổng khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường và thu giữ được theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Krông Ana là hơn 28m3, ít hơn nhiều so với kết quả của lực lượng công an (41m3).
Giải thích về việc báo cáo “vênh” nhau này, ông Võ Văn Tụ, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Krông Ana cho rằng, do kiểm lâm làm báo cáo nhanh, xác định có hay không vụ việc phá rừng để gửi cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc nên không chính xác, không chi tiết bằng phía công an.
Ông Tụ cũng cho biết thêm, báo cáo của Hạt kiểm lâm không sai nhưng chưa đầy đủ vì chưa kiểm tra kĩ các điểm phá rừng. “Chúng tôi báo cáo nhanh nên khác và không chính xác bằng bên công an.
Có thể, trong khi đấu tranh lấy lời khai, một số đối tượng đã khai nhận, chỉ thêm các điểm phá rừng khác nên công an sẽ làm kĩ hơn, chính xác hơn. Hiện chúng tôi đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, kiểm tra kĩ các điểm phá rừng để có thông tin cụ thể, chính xác”, ông Tụ trao đổi.