Kiếm hiệp Kim Dung – Rượu luận anh hùng!
Trong tất cả các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, bộ nào cũng dành một cơ số trang cho… rượu.
Rượu kết tình huynh đệ, bạn hữu như Kiều Phong – Hư Trúc – Đoàn Dự (Thiên Long Bát Bộ), Quách Khiếu Thiên – Dương Thiết Tâm – Khưu Xứ Cơ (Xạ điêu anh hùng truyện). Rượu giúp thổ lộ chân tình của Triệu Mẫn với Trương Vô Kỵ (Ỷ thiên đồ long ký), Hoàng Dung với Quách Tĩnh…
Cảnh trong phim "Tiếu Ngạo giang hồ", Lệnh Hồ Xung đấu với Điền Bá Quang để cứu sư muội Nghi Lâm.
Quán rượu (tửu điếm) cũng được Kim Dung chọn làm bối cảnh cho nhiều trận thư hùng mãn nhãn mà minh chứng cụ thể nhất là cuộc đấu giữa "Giang dương đại đạo hái hoa dâm tặc vạn lý độc hành khoái đao" Điền Bá Quang và lãng tử Lệnh Hồ Xung.
Trận đó, sau một hồi nhậu nhẹt làm "tăng lòng dũng cảm" của chính mình và "giảm trí thông minh" của đối thủ, Lệnh Hồ Xung đã dùng mưu trí (mông không rời khỏi mặt ghế dù đã bị đánh văng cả trượng) của mình để thắng "khoái đao" của họ Điền, cứu được Nghi Lâm sư muội.
Câu chuyện, "cái duyên" với Điền Bá Quang như một cách để Kim Dung làm rõ nhân cách Lệnh Hồ Xung – nhân vật mà ông đã thừa nhận dành nhiều tình cảm nhất trong tác phẩm của mình.
Tạo hình nhân vật Điền Bá Quang trong Tiếu Ngạo Giang Hồ.
Lệnh Hồ Xung vì cảm mến cái tính,tính cách phóng khoáng của Điền Bá Quang khi cất công mò vào Trích Tiên Tửu Lâu ăn trộm 2 vò rượu quý đã cất 130 năm (đập vỡ luôn hơn 200 vò rượu còn lại vì "trời đất này, chỉ có ta với Lệnh Hồ huynh đệ xứng đáng thưởng tiên tửu"), gánh lên núi Hoa Sơn mời, mới cùng nhau uống 3 bát rượu lớn.
Nhưng chuyện gì ra chuyện đó, chính-tà phân minh khi Lệnh Hồ Xung thẳng thắn "ra chân" đá nốt chỗ rượu còn lại xuống vực với lý lẽ: "Đã không đồng đạo thì không thể mưu sự cùng nhau được. Điền huynh đã làm nhiều chuyện ác, giết hại người vô tội…"
Sự khẳng khái khí phách của Lệnh Hồ Xung còn thể hiện ở hình ảnh sẵn sàng cùng Quang Minh tả sứ Hướng Vấn Thiên ngồi đối ẩm khi xung quanh bị bao vây bởi "quần hồ". Chỉ qua một trận là "đủ hiểu" để kết nghĩa huynh đệ.
Có người hỏi, Lệnh Hồ Xung coi trọng chính-tà như vậy mà sao có thể kết nghĩa với người trong Nhật Nguyệt Thần Giáo, yêu Thánh Cô Doanh Doanh đến vậy? Mà lại không chấp nhận "đồng đạo" với Điền Bá Quang.
Đơn giản, "chính" trong suy nghĩ của Lệnh Hồ Xung, cái "chính" được rèn giũa, tôi luyện từ bên trong chứ không phụ thuộc vào môn phái nhất định.
Tưng tự như cách hành xử của Trương Tam Phong trong "Ỷ thiên đồ long ký" sẵn sàng ra tay cứu đệ tử Minh Giáo là Thường Ngộ Xuân khi y bị thương, thân cô thế cô bị vây hãm.
Nhưng sau đó thì "đường ai nấy đi" với lời răn đại ý: "Người hãy quên ta đi".
Túy Bất Tử bỗng thành… Túy tử!
Nhìn chung, Tiếu Ngạo Giang Hồ là tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung nói về rượu nhiều nhất với một loạt những "tửu đồ" được nhắc tên như Lệnh Hồ Xung, Điền Bá Quang, Tổ Thiên Thu, Đan Thanh Tiên Sinh – 1 trong 4 người nhóm Giang Nam Tứ Hữu ở Cô Sơn Mai Trang.
Mỗi người một "chất" và qua cách họ "hành xử" bên ly rượu cũng cho thấy phần nào tính cách đặc trưng của nhân vật.
Túy Bất Tử bỗng nhiên thành... Túy Tử vì "vạ miệng" trong Ỷ thiên đồ long ký.
Duy có một nhân vật vô cùng mê rượu, tính tình nhân hậu nhưng cuối cùng lại nhận kết cục bi thảm vì nát rượu, "vạ miệng".
Chỉ xuất hiện trong một hồi nhưng Túy Bất Tử Tư Đồ Thiên Chung cũng ghi dấu ấn khá đậm nét trong độc giả "Ỷ thiên đồ long ký".
Giữa đông đảo giang hồ hắc-bạch, y xuất hiện với giọng lè nhè, tay không rời ly rượt và sẵn sàng buông lời "khích bác" dù người đó là cao thủ bậc nhất hay võ sĩ hạng bét cũng giống nhau.
Nhiều người bảo hành tẩu trên giang hồ bao nhiêu năm, Tư Đồ Thiên Chung với tính cách ấy, Tư Đồ Thiên Chung không "ẳng" lâu rồi cũng là chuyện lạ!
Số ít hiểu chuyện thì nhận định: "Túy Bất Tử hay xỏ xiên cũng chỉ vì trời sính tính hoạt kê, vui vẻ, chứ tâm địa thực là nhân hậu, cả đời chưa từng làm chuyện gì thương thiên hại lý".
Vậy nên phàm ai "khó nghe" một chút cũng xua tay bỏ qua cho Tư Đồ Thiên Chung và y xứng danh Túy Bất Tử.
Nhưng "đi đêm lắm có ngày gặp ma". Hôm ấy, đen cho Tư Đồ Thiên Chung lại trêu đúng ni cô Tĩnh Già của Nga Mi.
Chỉ với một câu thơ: "Khôn ngoan chớ ghẹo đàn bà/Rượu vào tối kỵ ấy là ni cô" mà Túy Bất Tử bị mất chữ "bất" trở thành "Túy Tử", chết cháy bởi ám khí Tích lịch lôi hỏa đạn.
"Tư Đồ Thiên Chung đã chết, trên mặt vẫn còn như mỉm cười", Kim Dung tả kết cục bi thảm của Túy Bất Tử.