Tuyên bố chung
Trong cuộc họp thượng đỉnh NATO hôm 11.7, ông Donald Trump yêu cầu chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên lên 4% GDP, khác xa mục tiêu 2% trong vòng 10 năm đã nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh năm 2014. Trên mạng xã hội Twitter, ông yêu cầu các thành viên khối “phải chi 2% GDP ngay lập tức, không phải vào năm 2025”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết, Tổng thống Donald Trump “muốn thấy các đồng minh san sẻ nhiều hơn gánh nặng và đáp ứng các nghĩa vụ họ đã nêu ra ở mức tối thiểu”. Nói về yêu cầu của ông Donald Trump, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev bình luận: “NATO không phải là 1 thị trường chứng khoán nơi bạn có thể mua bảo hiểm. NATO là 1 liên minh các quốc gia có chủ quyền, thống nhất bởi các mục tiêu chiến lược và các giá trị chung”.
Dù vậy, ông Donald Trump cùng 28 nhà lãnh đạo NATO đã cùng ký tuyên bố chung gồm 79 điểm, trong đó cam kết “chia sẻ gánh nặng” và thực hiện cam kết sáng lập của liên minh, dù không đề cập đến tăng chi tiêu quốc phòng. Tổng thống Mỹ từng từ chối ký tuyên bố chung tại cuộc họp thượng đỉnh G7 ở Canada hồi tháng 6. Các đồng minh đã nhất trí với sáng kiến NATO Readiness Initiative (NRI) cho phép tập hợp lực lượng chiến đấu như kế hoạch “30-30-30-30” của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis.
Trong ngày cuối của thượng đỉnh NATO, các nhà lãnh đạo có cuộc gặp Georgia, Ukraina cũng như 1 cuộc thảo luận về Afghanistan. Các nhà lãnh đạo NATO có các cuộc gặp những người đồng cấp người Ukraina, Gruzia trong ngày 12.7 để thể hiện tình đoàn kết với Kiev và Tbilisi.
Bên lề và hậu thượng đỉnh NATO
Bên lề thượng đỉnh NATO, ông Donald Trump có các cuộc họp riêng với nhiều lãnh đạo, nhưng đáng chú ý là cuộc họp của ông Donald Trump với Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Thư ký báo chí Nhà Trắng, cho biết, tổng thống Mỹ nhắc lại những lo ngại về sự phụ thuộc năng lượng của Đức vào Nga trong phiên họp với bà Angela Merkel. Trước đó, hôm 11.7, ông Donald Trump tuyên bố, việc kinh doanh đường ống dẫn khí tự nhiên với Mátxcơva khiến chính quyền bà Angela Merkel “hoàn toàn bị kiểm soát” và bị Nga “giam giữ”. Trong tuyên bố trên Twitter cùng ngày, ông viết: “NATO được lợi gì khi Đức chi trả cho Nga hàng tỉ USD cho khí đốt và năng lượng?”.
Thủ tướng Angela Merkel làm rõ lập trường khi được hỏi về ý kiến của ông Donald Trump. Bà đáp, giờ là lúc “đoàn kết trong tự do” và người Đức “có thể đưa ra chính sách và quyết định của riêng mình”.
Bà chỉ rõ, Đức là nhà cung cấp binh sĩ lớn thứ 2 cho NATO, chỉ sau Mỹ và có hàng nghìn binh sĩ hỗ trợ nỗ lực do Mỹ dẫn đầu tại Afghanistan. “Đức làm được rất nhiều cho NATO,”- bà nói và nhấn mạnh trong quá trình này, Đức góp phần “bảo vệ lợi ích của Mỹ”.
Sau thượng đỉnh NATO, ngày 12.7, ông Donald Trump lên đường đến Anh trong chuyến thăm đầu tiên trên cương vị tổng thống Mỹ.
Một quan chức phố Downing cho hay, tại cuộc gặp, Thủ tướng Anh và ông Donald Trump sẽ thảo luận về quan hệ với Nga, Brexit và quan hệ thương mại nhất là sau khi Mỹ áp thuế thép, nhôm nhập khẩu của EU.
Theo Reuters, chính phủ Anh hy vọng đạt được 1 thỏa thuận thương mại nhanh chóng với Mỹ sau khi rời khỏi Liên minh Châu Âu. “Khi rời Liên minh Châu Âu, chúng tôi sẽ bắt đầu biểu đồ lộ trình mới cho Anh trên thế giới và các liên minh toàn cầu của chúng tôi sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết” - bà Theresa May nói trước chuyến thăm của ông Donald Trump.