Khả năng quân bộ của phương Tây hiện diện tại Ukraine
Hôm 26/2/2024, Tổng thống Pháp Macron nói rằng không thể loại trừ khả năng phương Tây đưa quân bộ vào Ukraine trong tương lai. Vấn đề này trước đó đã được đưa ra tranh luận tại một cuộc họp của các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Paris trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ 3.
Sau cuộc họp của hơn 20 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ châu Âu cùng các quan chức phương Tây khác, Tổng thống Macron tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để Nga không thể giành chiến thắng trong chiến tranh”.
Tại buổi họp báo ở điện Elysee, ông Macron phát biểu: “Hôm nay chưa có sự đồng thuận về việc chính thức gửi lực lượng trên bộ. Nhưng xét về khả năng, chẳng có điều gì bị loại trừ”.
Tổng thống Pháp Macron từ chối cung cấp chi tiết về những nước phương Tây đang cân nhắc gửi quân sang Ukraine. Ông cho biết, mình muốn giữ một chút “mập mờ chiến lược”.
Hội nghị nói trên có sự tham gia của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ba Lan Duda cũng như các nhà lãnh đạo của các nước Baltic. Đại diện phía Mỹ là nhà ngoại giao hàng đầu của nước này tại châu Âu, còn đại diện của Anh là Ngoại trưởng David Cameron.
Tổng thống Duda tiết lộ rằng thảo luận nóng nhất là về việc có gửi quân sang Ukraine hay không.
Trước cuộc họp EU, Thủ tướng Slovakia, Robert Fico, tiết lộ rằng các nước thành viên NATO và EU đang chuẩn bị triển khai quân sang Ukraine. Theo ông Fico, động thái này nhằm đáp trả việc Nga gia tăng tấn công ở Ukraine trong vài tuần vừa qua.
Tại buổi họp báo sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Slovakia, Thủ tướng Fico cho biết, hội nghị EU cho thấy, “một số nước thành viên NATO và EU đang xem xét gửi quân tới Ukraine trên cơ sở song phương”.
Ông Fico đắc cử thủ tướng sau khi hứa hẹn ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine và phản đối phương Tây trừng phạt Nga. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, Thủ tướng Fico đã dần quay lưng với cam kết của mình và vũ khí tư nhân từ Slovakia tiếp tục được xuất sang Ukraine.
Phòng thủ tập thể của châu Âu
Tổng thống Pháp Macron trước đó kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu bảo đảm “an ninh tập thể” của châu lục này bằng việc không do dự ủng hộ Ukraine.
Tổng thống Macron cho rằng châu Âu đã nhận thấy Nga càng ngày càng cứng rắn hơn, đặc biệt là trong các tháng gần đây.
Ông Macron nhấn mạnh nhu cầu củng cố an ninh để ngăn chặn điều mà ông gọi là bất cứ các cuộc tấn công nào của Nga nhằm vào các nước khác trong tương lai. Châu Âu tin rằng Nga có thể tấn công tiếp vào các nước Baltic (gồm Estonia, Litva và Latvia) cũng như Ba Lan. Trên thực tế, 4 nước này là bên ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Ngoại trưởng Estonia vào thời điểm trước đó (cũng trong tháng 2/2024) nói rằng khối quân sự NATO chỉ có khoảng 3-4 năm nữa để củng cố khả năng phòng thủ.
Nhiều nước châu Âu bắt đầu lo ngại Nga có thể mở rộng chiến dịch quân sự của mình ra bên ngoài Ukraine, tới các nước NATO khác ở Đông Âu.
Quan điểm của châu Âu đối với Nga ngày càng cứng rắn hơn sau khi Ukraine kêu gọi phương Tây đẩy mạnh viện trợ cho họ để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga.
Các nước châu Âu cũng cảm thấy bất an về khả năng cựu Tổng thống Mỹ Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 - điều có thể làm giảm viện trợ của Washington cho Kiev cũng như làm suy yếu hiệp ước phòng thủ của Mỹ với châu Âu.
Tư duy lại chính sách đối ngoại
Tổng thống Macron cho biết, Pháp sẽ từ bỏ một lập trường lâu dài, đó là phản đối mua đạn pháo từ bên ngoài EU để cung cấp khẩn cho Ukraine.
Ông Macron cho rằng hội nghị các nhà lãnh đạo EU tại Paris (Pháp) đã nhấn mạnh chiều sâu mới trong quyết tâm của phương Tây về việc giúp đỡ Ukraine sau hơn 2 năm xung đột với Nga.
Sự thay đổi đột ngột thái độ của Pháp trong vấn đề mua đạn pháo là dấu hiệu cho thấy các diễn biến trên chiến trường (theo hướng bất lợi cho Ukraine) đang buộc giới chức châu Âu phải tư duy lại chính sách đối ngoại của mình.
Một vài nước châu Âu đã bày tỏ ủng hộ sáng kiến do Cộng hòa Séc đề xướng về việc mua đạn dược nói chung và đạn pháo nói riêng bên ngoài lãnh thổ EU. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói rằng nước ông đã quyết định cung cấp hơn 100 triệu euro cho mục đích này. Tổng thống Macron cũng nói rằng Pháp sẽ tham gia sáng kiến của Séc về việc mua khẩn cấp đạn pháo từ các nước không thuộc EU để cung cấp cho Ukraine.
Ngoài ra, theo Tổng thống Pháp Macron, các lãnh đạo EU đã đồng ý sẽ lập một liên minh mới nhằm huy động thêm các quốc gia có năng lực cung cấp cho Ukraine các tên lửa tầm trung và tầm xa. Ông Macron cho biết, tháng trước, Pháp đã công bố việc cung cấp thêm 40 tên lửa hành trình Scalp cho Ukraine.
Sự thay đổi chính sách này cho thấy Pháp sẽ không còn phản đối việc sử dụng quỹ chung của EU để mua đạn pháo từ các nhà cung cấp ngoài khối EU, giải ngân hàng trăm triệu euro.
Pháp trước đó yêu cầu rằng tiền EU chi cho vũ trang Ukraine cần được đầu tư vào hoạt động sản xuất vũ khí khí tài của chính châu Âu, nhằm đồng thời mở rộng năng lực sản xuất quân sự hạn chế của châu lục này.
Về việc tìm kiếm thêm đạn dược, Tổng thống Macron thừa nhận rằng châu Âu không thể sản xuất đủ theo tốc độ cần thiết và do vậy sẽ quay sang các nước khác. Ông nói: “Chúng tôi sẽ huy động các nguồn tài chính song phương và đa phương”.
Theo sáng kiến này, Séc đã xác định có thể mua ngay lập tức khoảng 800.000 quả đạn pháo từ bên ngoài EU. Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết, khoảng 15 nước tỏ ra quan tâm đến việc đóng góp tiền bạc cho sáng kiến này.
Nguyên thủ Ba Lan Duda bày tỏ, ông hy vọng “trong tương lai gần nhất, chúng tôi sẽ cùng chuẩn bị được các lô đạn dược đáng kể để gửi sang Ukraine”. Theo ông Duda, đây là điều quan trọng nhất hiện nay, là “thứ mà Ukraine thực sự cần”.
Năm ngoái (2023), Pháp và Anh đã quyên góp cho Ukraine hàng loạt tên lửa hành trình Storm Shadow và Scalp. Các liên minh tương tự cũng đã được lập ra để cung cấp cho Ukraine các vũ khí khí tài như pháo mặt đất, hệ thống phòng không và phương tiện tác chiến trên biển.