Khủng hoảng Venezuela: Đi 3 ngân hàng không rút nổi 2.000 đồng

Lâm Ngọc |

Một ngày như mọi ngày ở Caracas, Venezuela, thủ đô của nền kinh tế "khốn khổ" nhất thế giới.

Ở hầu hết quốc gia trên thế giới, rút tiền từ ngân hàng chỉ là một công việc vặt, mất cùng lắm là vài chục phút trong dịp cao điểm. Đối với hàng triệu người Venezuela, đây là câu chuyện phức tạp, mệt mỏi và thậm chí là không thể.

Phóng viên Stefano Pozzebon của CNN chuyển đến đây một năm rưỡi để đưa tin về cuộc khủng hoảng kinh tế. Tình cảnh của Venezuela ngày càng chìm sâu, giá cả tăng vọt, đồng tiền bolivar gần như vô giá trị. Lạm phát tràn lan và một số chuyên gia cho biết con số này vượt quá 4.000% hồi năm ngoái.

Vào thời điểm viết bài, một USD đổi được 191.000 bolivar, mất 98% giá trị chỉ sau một năm. Đây là tỷ giá chợ đen mà tất cả mọi người sử dụng vì không ai tin tưởng vào tỷ giá chính thức của Chính phủ.

Khủng hoảng Venezuela: Đi 3 ngân hàng không rút nổi 2.000 đồng - Ảnh 1.

Đồng tiền Venezuela ngày càng "rớt" giá (Nguồn: CNN).

Tháng 8/2017, truyền thông Venezuela cho biết chính quyền đặt ra giới hạn rút 10.000 bolivar cho mỗi khách hàng. Vậy, rút lượng bolivar đủ để đổi một USD khó khăn đến thế nào?

Pozzebon thử nhưng thất bại. Dưới đây là nhật ký hành trình của anh.

Ngân hàng đầu tiên: Đợi ít nhất 1h

Tôi đến ngân hàng đầu tiên lúc 9h30 sáng. 5 máy ATM không người đứng, dấu hiệu cho thấy máy hết tiền. 21 khách xếp hàng và chỉ một nhân viên ngồi ở quầy giao dịch.

"Ít nhất phải chờ 1h", người cuối hàng nói. Tôi quyết định thử vận may ở nơi khác.

Khủng hoảng Venezuela: Đi 3 ngân hàng không rút nổi 2.000 đồng - Ảnh 2.

Người Venezuela đứng xếp hàng dài ở các ngân hàng để rút tiền (Nguồn: CNN).

Vấn đề này lớn dần qua nhiều năm nhưng đã bùng nổ trong những tháng gần đây. Venezuela rơi vào tình trạng bất ổn kinh tế xã hội sau đợt giảm giá dầu 2014. Quốc gia này có nhiều dầu hơn bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất, nhưng đây cũng là nguồn thu nhập duy nhất của nhà nước. Sự quản lý yếu kém của Chính phủ và tham nhũng lan rộng chính là nguyên nhân làm cho sản lượng dầu sụt giảm.

Ngân hàng thứ 2: "Thật là vô lý!"

Tôi đi bộ một vài dãy nhà thì tìm được một ngân hàng khác. Đây là "đặc quyền" của thủ đô còn nông thôn thì đừng mơ!

Tại đây, các máy ATM đã hết tiền dù chưa đến 10h sáng. Quầy giao dịch "chỉ" có 10 người đứng đợi nên tôi cũng xếp hàng.

Gustavo Vasquez đứng ngay trước tôi. Ông nói mình chỉ cần 30.000 bolivar, khoảng 18 cent, cho một chiếc túi CLAP: một gói thực phẩm và đồ dùng vệ sinh do Chính phủ trao cho những người nghèo nhất của Venezuela mỗi tháng với mức giá trợ cấp.

Chờ mãi mới đến lượt tôi, nhưng nhân viên nói rằng phải có séc mới được rút tiền chứ không nhận thẻ ghi nợ.

Đợi 4h để lấy được 6 cent

Tìm nơi rút tiền trong hơn 2h không được nên đến trưa, tôi quay lại ngân hàng đầu tiên. Ở đây, tôi phải đợi thêm một giờ đồng hồ mới đến lượt. Dòng người vẫn bình thản xếp hàng, có lẽ do đã quá quen với cảnh này.

Nỗi giận dữ bùng nổ năm ngoái tại Venezuela khi hàng trăm ngàn người ở Caracas đổ ra đường trong hơn 90 ngày để phản đối thay đổi hiến pháp và yêu cầu bầu cử cùng viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình này đều bị lực lượng chính phủ đàn áp.

Hơn 120 người thiệt mạng trong các vụ bạo loạn. Hiện nay, tình hình kinh tế tệ đến mức người Venezuela quá bận tranh giành tiền mặt và thực phẩm nên chẳng "thèm" ra đường nữa.

Khủng hoảng Venezuela: Đi 3 ngân hàng không rút nổi 2.000 đồng - Ảnh 3.

Một tập tiền bolivar này chưa chắc đổi được một USD (Nguồn: CNN).

Đến 1h23, sau bao công sức cuối cùng tôi cũng nhận được khoản tiền mặt 10.000 bolivar, tương đương 6 cent (chưa đến 1.500 đồng). Mỗi buổi sáng, ngân hàng lại đặt ra một hạn mức rút tiền khác nhau, dựa trên số tiền Ngân hàng Trung ương Venezuela cung cấp, nhân viên giao dịch cho biết.

Với 10.000 bolivar trong tay sau 4h tìm kiếm, tôi hẹn một người bạn đi uống cà phê. Cốc cappuccino của tôi tốn 35.000 bolivar.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại