Vì sao nông dân Venezuela bán gà cũng không đủ tiền mua 1kg thức ăn?

Đinh Vân |

Sản lượng lúa, ngô và cà phê đã giảm ít nhất 60% trong 10 năm gần đây, gần như tất cả các nhà máy đường bị quốc hữu hóa đã tê liệt hay sản xuất dưới khả năng.

Do thiếu tiền mặt và nợ nần chồng chất, chính phủ Venezuela đã cắt giảm nhập khẩu lương thực đáng kể. Với người nông dân, đây chắc hẳn sẽ là cơ hội lớn, nhưng thực tế lại không như vậy: Các siêu thị thì trống rỗng, nạn đói lan rộng trong khi các trang trại lại sản xuất ngày một ít đi.

Vùng nông thôn ở ngoại ô thủ đô Caracas có mọi thứ mà người nông dân cần: đất đai màu mỡ, ánh nắng, nước và xăng với giá rẻ nhất trên thế giới. Nhưng họ lại phải xếp hàng chờ bánh mỳ cứu đói hoặc lục lọi thức ăn thừa ở thùng rác – hậu quả của một nền kinh tế trái với những quy luật chung.

"Năm ngoái, tôi có đàn gà mái 200.000 con", Saulo Escobar, người điều hành trang trại chăn nuôi gia cầm và heo ở bang Aragua, cách thủ đô Caracas một giờ xe chạy, tâm sự với phóng viên The Washington Post. Ông cho hay, giờ đây đàn gà của ông chỉ còn 70.000 con.

Nhiều chuồng gà trống trơn vì ông không đủ tiền mua thêm gà con và thức ăn. Tình trạng kiểm soát giá của chính phủ khiến công việc làm ăn của ông không sinh lời, và các băng đảng có vũ trang liên tục tống tiền và cướp trứng của ông.

Các chỉ số y tế công cộng của Venezuela cho thấy cả nước đang đối mặt với thảm họa thiếu chất. Thuốc men khan hiếm và ăn uống thiếu dinh dưỡng khiến hơn 11.000 trẻ sơ sinh tử vong vào năm ngoái, làm tỷ lệ tử vong ở trẻ tăng thêm 30%. Bà Bộ trưởng Y tế sau khi đưa ra thông tin này đã bị sa thải ngay lập tức bởi Tổng thống Maduro.

Một báo cáo mới đây của Tổ chức từ thiện Caritas cho biết tình trạng đói kém ở Venezuela là một cuộc khủng hoảng về nhân đạo, trong đó 11,4% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu dinh dưỡng, và 48% trẻ em có nguy cơ bị đói.

Vì sao nông dân Venezuela bán gà cũng không đủ tiền mua 1kg thức ăn? - Ảnh 1.

Trong một cuộc khảo sát thực hiện trên 6.500 gia đình ở Venezuela, ¾ người trưởng thành cho biết họ đã sụt cân trong năm 2016 – mức trung bình là 9 kg. Tình trạng đói kém này được người ta gọi là "Chế độ ăn Maduro", nhưng mức độ nghiêm trọng còn khủng khiếp hơn cả những vùng bị chiến tranh hoặc bão lũ, hạn hán hay bệnh dịch.

Thảm họa ở Venezuela là do chính con người gây ra – kết quả của việc quốc hữu hóa các trang trại, bóp méo giá trị đồng tiền và chính phủ kiểm soát việc phân phối thực phẩm.

Trong khi hàng triệu người dân chết đói, các quan chức lại không cho phép các tổ chức cứu trợ quốc tế phân phát lương thực, vì cho rằng nước mình có nhiều dầu mỏ và không phải là một đối tượng của các tổ chức từ thiện.

Chuyên gia Carlos Machado nhận định: "Chính phủ quyết định là nhà sản xuất, chế biến và phân phối, vì thế cả dây chuyền sản xuất thực phẩm phải nằm dưới sự quan liêu và thiếu hiệu quả."

Khi sản lượng công nghiệp sụt giảm, người nông dân phải nhập khẩu thức ăn, phân bón và các phụ tùng thay thế, nhưng họ không thể làm thế nếu không có ngoại tệ mạnh. Chính phủ lại tích trữ đô la có được từ xuất khẩu dầu mỏ để trả các khoản nợ lãi cao cho nước ngoài.

"Không hề có lợi nhuận"

Bao lâu nay một số loại lương thực ở Venezuela vẫn dựa vào nhập khẩu, chẳng hạn như lúa mì – vốn không thể trồng trên quy mô lớn với khí hậu nhiệt đới. Nhưng chính sách đất đai của người tiền nhiệm Hugo Chávez lại khiến nước này phụ thuộc hơn vào lương thực nhập khẩu.

Vì sao nông dân Venezuela bán gà cũng không đủ tiền mua 1kg thức ăn? - Ảnh 2.

Khi giá dầu cao thì không có vấn đề gì. Hiện nay giá dầu chỉ khoảng 40 USD/thùng, và sản lượng của Venezuela đang ở mức thấp nhất trong 23 năm gần đây, do các nhà máy lọc dầu và hệ thống ống dẫn đã hỏng mà không được đầu tư đúng mức.

Thay vì khuyến khích phát triển nông nghiệp nội địa, chính phủ lại bóp nghẹt ngành này. Sản lượng lúa, ngô và cà phê đã giảm ít nhất 60% trong 10 năm gần đây, gần như tất cả các nhà máy đường bị quốc hữu hóa đã tê liệt hay sản xuất dưới khả năng.

Sự kiểm soát giá khiến các vùng nông thôn ở Venezuela nản lòng. "Vì không có lợi nhuận nên càng sản xuất càng lỗ", một nông dân ở bang Guarico, cho biết.

Escobar, chủ trang trại gà và lợn, cho biết cách duy nhất để người nông dân tiếp tục sản xuất là vi phạm luật và bán ở giá thị trường, và hy vọng chính quyền sẽ làm ngơ.

"Nếu tôi bán theo giá quy định, tôi thậm chí sẽ không đủ tiền để mua một kg thức ăn cho gà," anh nói.

Nhưng nỗi sợ lớn nhất của Escobar không phải là chính quyền, mà là các băng đảng tội phạm. Kể từ khi một chiếc xe tải chuyên chở của anh bị cướp vào tháng 12 năm ngoái, anh buộc phải trả tiền "bảo kê" cho một tên mafia đầu sỏ.

Cứ thứ 6 hàng tuần, 3 chiếc xe máy đến trang trại của anh để lấy một phong bì tiền. Gọi cảnh sát cũng chẳng ích gì vì chỉ làm cho tình thế của anh nguy hiểm hơn.

"Tôi biết làm gì với gà và lợn," Escobar nói, "nhưng với tội phạm thì chịu."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại