Khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ nguy hiểm cỡ nào?

An Huy |

Với tỷ giá đồng Lira "tuột dốc không phanh", cuộc khủng hoảng tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến thị trường chứng khoán thế giới "đỏ lửa" trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai.

Chỉ số MSIC châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản, một thước đo của chứng khoán khu vực, sụt 1,3%, xuống mức thấp nhất trong 5 tuần.

Sắc đỏ phủ khắp các thị trường chứng khoán chủ chốt tại châu Á phiên sáng, trong đó chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật sụt 1,6%. Chứng khoán Trung Quốc mất 1,4%, chứng khoán Hồng Kông giảm 1,6%, chứng khoán Đài Loan giảm 3%...

Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ có lúc "bốc hơi" 18% so với USD. Trong phiên châu Á sáng nay, đồng Lira có lúc rớt xuống mức 7,24 Lira đổi 1 USD, mức thấp chưa từng có trong lịch sử trước khi phục hồi trở lại. Tuy nhiên, so với mức đóng cửa hôm thứ Sáu, đồng Lira hiện vẫn giảm giá khoảng 10%.

Những cú sụt chóng mặt này của đồng Lira gây sức ép giảm mạnh lên đồng Euro và đồng tiền của nhiều thị trường mới nổi khác, đồng thời đẩy tỷ giá các đồng tiền "vịnh tránh bão" như USD, Yên Nhật và Franc Thụy Sỹ… tăng.

"Vấn đề rất riêng"

Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal, một số nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế không cho rằng cuộc khủng hoảng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường toàn cầu.

Những rắc rối tài chính mà Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào là nghiêm trọng hơn so với thách thức mà các thị trường mới nổi khác đối mặt thời gian gần đây, nhưng về bản chất chỉ nằm trong biên giới của quốc gia này - tờ báo nhận định.

"Thổ Nhĩ Kỳ có khuynh hướng dễ tổn thương hơn" so với các nền kinh tế mới nổi khác, chuyên gia kinh tế Torsten Slok thuộc ngân hàng Deutsche Bank đánh giá.

Trong những năm gần đây, các thị trường mới nổi vay nợ ngày càng nhiều, và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ cao hơn nhiều so với các quốc gia mới nổi khác. Điều này khiến gánh nặng nợ nần của Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng khi đồng nội tệ rớt giá.

Chẳng hạn, theo Wall Street Journal, tỷ lệ nợ ngoại tệ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Thổ Nhĩ Kỳ lên tới khoảng 70%. Trong khi đó, con số này của Trung Quốc chỉ vào khoảng 15%, của Nga chưa đầy 25%.

Thâm hụt tài khoản vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ cũng lớn hơn nhiều so với các quốc gia mới nổi khác như Nam Phi hay Argentina. Vào thời điểm cuối tháng 3/2018, thâm hụt cán cân vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ là hơn 7,1% GDP, so với mức 6,1% của Nam Phi hay 5,3% của Nam Phi.

Đối với các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu thị trường mới nổi, mức độ nắm giữ cổ phiếu Thổ Nhĩ Kỳ có thể chỉ ở mức hạn chế. Trong chỉ số MSCI Emerging Markets Index, chỉ số đo sự lên xuống của lượng tài sản 2 nghìn tỷ USD các thị trường chứng khoán mới nổi,thị trường Thổ Nhĩ Kỳ chiếm tỷ trọng chưa đầy 1%, và tỷ lệ này đang giảm xuống. Trong khi đó, tỷ trọng của thị trường Trung Quốc là 30%.

Và cho dù nhiều đồng tiền trên thế giới đều đang giảm giá so với USD từ đầu năm đến nay, Lira là đồng giảm tệ nhất. Dữ liệu của Dow Jones cho thấy tính từ đầu năm đến ngày 10/8, Lira mất giá gần 41% so với USD, so với mức sụt giá hơn 36% của đồng Peso Argentina, mức giảm gần 15% của đồng Rúp Nga, và mức giảm hơn 5% của đồng Nhân dân tệ.

"Sự lao dốc của đồng Lira là vấn đề rất riêng của Thổ Nhĩ Kỳ, nên sẽ không làm trệch hướng những yếu tố nền tảng tích cực tại các thị trường mới nổi khác trong dài hạn", chiến lược gia thị trường toàn cầu Kerry Craig thuộc JPMorgan Asset Management nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.

"Đồng Lira giảm giá do nhiều yếu tố, không chỉ bởi thâm hụt cán cân vãng lai lớn và dự trữ ngoại hối bị thiếu, mà còn bởi môi trường chính trị nhiều thác thức", ông Crai nhận định.

Theo vị chuyên gia này, một động thái tăng lãi suất hoặc thắt chặt chính sách tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp chặn đà lao dốc của đồng Lira.

Ảnh hưởng khiêm tốn đến các thị trường khác?

"Sự sụt giá của đồng Lira từ tháng 5 đến nay có vẻ như chắc chắn sẽ đẩy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vào suy thoái, và nhiều khả năng dẫn tới một cuộc khủng hoảng ngân hàng", chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu Andrew Kenningham thuộc Capital Economics nhận định.

"Đây sẽ là một cú sốc nữa đối với các thị trường mới nổi nói chung, nhưng ảnh hưởng kinh tế rộng hơn sẽ ở mức khiêm tốn, ngay cả đối với khu vực Eurozone", ông Kenningham dự báo.

Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng tổng sản phẩm trong nước (GPD) của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vào khoảng 900 tỷ USD, tương đương 1% nền kinh tế toàn cầu và nhỏ hơn một chút so với quy mô kinh tế của Hà Lan.

Thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ có giá trị vốn hóa bằng chưa đầy 2% vốn hóa của thị trường Anh, và chỉ có 20% là do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, ông Kenningham nói thêm. "Tuy nhiên, những rắc rối của Thổ Nhĩ Kỳ là một trở ngại nữa đối với đồng Euro, và cũng không phải là một tin tốt cho tài sản tại các thị trường mới nổi nói chung".

Một số chuyên gia khác cũng cho rằng cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây tác động ở một mức độ nhất định đến các thị trường mới nổi khác trong ngắn hạn.

"Dù tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ không phản ánh bất kỳ một rủi ro mang tính lây lan nào giữa các thị trường mới nổi, có thể vẫn sẽ có một số ảnh hưởng về tâm lý đối với đồng tiền của các thị trường mới nổi và các tài sản rủi ro trong ngắn hạn", chiến lược gia Chang Wei Liang của Mizuho Bank viết trong một báo cáo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại