Thỏa thuận ngầm đằng sau biểu hiện "căng như dây đàn" giữa hai nước Nga-Mỹ

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Dường như có sự hiểu biết ngầm giữa chính quyền hiện tại ở Nga và Mỹ là căng thẳng bề ngoài kia chỉ vì nhu cầu đối nội và nhất thời.

Biểu hiện bề ngoài

Những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga đã ngay lập tức bị phía Nga phản đối mạnh mẽ. Từ phía cá nhân Thủ tướng Nga Dimitri Medvedev đến phủ Tổng thống Nga và Quốc hội Nga đều thấy có những biểu hiện thái độ quyết liệt và phê phán Mỹ.

Ông Medvedev coi đó là hành động phía Mỹ khai mào chiến tranh kinh tế với Nga và doạ sẽ áp dụng nhiều biện pháp đáp trả Mỹ.

Từ trước tới nay, phía Mỹ viện dẫn nhiều lý do khác nhau để trừng phạt Nga, từ chuyện Nga tiếp nhận Crimea đến hậu thuẫn phe ly khai ở Ukraine, từ việc ủng hộ tổng thống Bashar al-Assad ở Syria đến vụ việc hai cha con điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh và đương nhiên không thể thiếu sự liên quan đến những cáo buộc cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống ở Mỹ hồi đầu tháng 7.2016.

Không ít cáo buộc của Mỹ chẳng dựa trên chứng cứ cụ thể và xác thực.

Biểu hiện ra bên ngoài, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga hiện rất căng thẳng và trắc trở, nhạy cảm và không thể sớm được cải thiện. Cũng nhìn vào biểu hiện bề ngoài, mức độ hiện tại của mối quan hệ song phương này còn tồi tệ hơn cả so với ở thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, tiền nhiệm của Tổng thống Mỹ hiện tại Donald Trump.

Hiểu biết ngầm

Nhưng nếu nhìn vào thực chất thì không hẳn hoàn toàn như vậy. Những biểu hiện căng thẳng và đối đầu nói trên vốn không hoàn toàn mới mà chỉ tiếp đà đã có từ trước đó.

Càng gần đến thời điểm cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào đầu tháng 11 tới này thì chuyện quan hệ của Mỹ với Nga càng thêm nhạy cảm và phức tạp muôn phần về chính trị nội bộ ở Mỹ. Rồi lại còn có cuộc điều tra đang tiến triển về những cáo buộc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử trước.

Vì vậy, làm găng với Nga trong bối cảnh tình hình hiện tại sẽ giảm bớt rủi ro chính trị đối với Đảng Cộng hoà và cá nhân ông Trump trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới. Sau cuộc bầu cử này sẽ là một bối cảnh tình hình khác, một cục diện chính trị quyền lực khác ở nước Mỹ với tác động và ảnh hưởng khác tới mối quan hệ giữa Mỹ và Nga.

Thực chất không hẳn hoàn toàn như vậy vì những gì đã được ông Trump trao đổi và gây dựng với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở cuộc gặp của họ tại thủ đô Helsinki của Phần Lan hồi giữa tháng 7 vừa qua vẫn được tiếp đà trên thực tế.

Thỏa thuận ngầm đằng sau biểu hiện căng như dây đàn giữa hai nước Nga-Mỹ - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki. Ảnh: Reuters

Mỹ và Nga tỏ ra găng nhau đến thế mà ông Trump và ông Putin vẫn kiên định kế hoạch lại gặp nhau trong thời gian tới và vẫn có lời mời lẫn nhau sang thăm cấp cao.

Dường như có sự hiểu biết ngầm giữa chính quyền hiện tại ở hai nước là căng thẳng bề ngoài kia chỉ vì nhu cầu đối nội và nhất thời cũng như thoả thuận ngầm là không để vì thế mà không duy trì dư địa, cũng như chuẩn bị cơ hội cho việc khởi động lại và thúc đẩy quan hệ song phương.

Phía Nga biết rõ và thông cảm với những khó khăn và khó xử về đối nội hiện tại của ông Trump nên chỉ đáp trả ờ mức độ cần thiết chứ không phải tối đa.

Sự chuẩn bị của Nga

Phía Mỹ tiếp tục trừng phạt Nga trong nhận thức rằng đúng là gây khó khăn thêm cho Nga nhưng về cơ bản Nga không thể bị đẩy đến chân tường.

Thỏa thuận ngầm đằng sau biểu hiện căng như dây đàn giữa hai nước Nga-Mỹ - Ảnh 3.

Từ nhiều năm nay, phía Nga rõ ràng đã có những thích ứng cần thiết với chuyện bị các nước Phương Tây trừng phạt và đã có sự chuẩn bị cần thiết cho cuộc chơi này với Phương Tây trong thời gian dài. Xưa nay, các biện pháp trừng phạt chỉ có được tác dụng hạn chế, đối với những nước có thế và lực như Nga lại càng hạn chế.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ có được hiệu quả cao hơn nếu kết hợp với việc sử dụng đồng USD làm vũ khí.

Nhưng từ hai năm nay, Nga đã tăng nhanh chóng dự trữ ngoại tệ và giảm mức độ vay nợ của nhà nước. Với dự trữ ngoại tệ hiện tại gần 460 tỷ USD (tính đến tháng 3.2018) và mức độ vay nợ công chỉ có 16%, Nga có được khả năng đề kháng rất cao trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ và Phương Tây.

Vì thế, cả trong thời gian tới, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga còn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng biểu hiện ra ngoài không hẳn như thực chất bên trong, lạc quan vẫn còn phải thận trọng nhưng không hẳn đáng phải bi quan.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại