Chuyên gia: Trung Quốc sẽ dùng Biển Đông để "mặc cả" trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Thi Anh |

Điều này sẽ làm suy yếu năng lực ngoại giao của Mỹ và tạo điều kiện cho Trung Quốc hóa giải một số áp lực từ cuộc chiến thương mại.

Sputnik đã trao đổi với Stephen Nagy, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học International Christian, Tokyo (Nhật Bản), về một số vấn đề nóng tại châu Á hiện nay như Triều Tiên, Biển Đông và cuộc chiến thương mại. Dưới đây là phần lược dịch bài phỏng vấn.


Các ngoại trưởng ASEAN đang hối thúc Mỹ và Triều Tiên đẩy mạnh quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Có thể trông đợi gì từ Washington và Bình Nhưỡng ở thời điểm này, xét trên việc ở Mỹ xuất hiện nhiều lời kêu gọi đòi duy trì trừng phạt nhằm vào Triều Tiên? Khả năng đột phá ở mức độ nào?

Stephen Nagy:

Có một vài thách thức ở phía trước. Trước hết là không có sự nhất quán về định nghĩa thế nào là phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ. Có vẻ như họ khá xa cách về định nghĩa đặc biệt này.

Đối với Triều Tiên, phi hạt nhân hóa đồng nghĩa với việc phi hạt nhân hóa toàn bộ khu vực Đông Bắc Á, có nghĩ là không chỉ loại bỏ năng lực hạt nhân của Triều Tiên mà cả năng lực hạt nhân của Mỹ ở trên và xung quanh bán đảo, bao gồm cả biển Nhật Bản, cũng như Nhật Bản. Với Mỹ, phi hạt nhân hóa chỉ đơn giản là phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Chúng ta có một khoảng cách rất, rất lớn trong cách hiểu về phi hạt nhân hóa. Vì thế, rất khó để thấy được làm thế nào hai bên có thể thống nhất và tiến hành quá trình phi hạt nhân hóa khi mà điểm bắt đầu và điểm kết thúc quá khác nhau.

Ông Mike Pompeo đã cam kết chi hàng triệu USD cho an ninh của Đông Nam Á. Vậy căn nguyên cơ bản đằng sau lợi ích của Mỹ ở khu vực này là gì?

Stephen Nagy:

Quyết định này liên quan tới khái niệm mới mang tên Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó Mỹ, cũng như các nước có quan điểm tương tự, gồm Nhật Bản, Australia, Ấn Độ... quan tâm tới việc đầu tư vào hạ tầng để cạnh tranh với dự án quy mô lớn "Sáng kiến Vành đai - Con đường" của Trung Quốc.

Chuyên gia: Trung Quốc sẽ dùng Biển Đông để mặc cả trong cuộc chiến thương mại với Mỹ - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters

Ông Mike Pompeo đã tuyên bố chi khoảng 150 triệu USD vào hạ tầng, nhưng chúng ta phải hiểu rằng mức độ Mỹ đầu tư vào khu vực này là khổng lồ - khoảng 840 tỉ USD, gần 1 nghìn tỉ USD đầu tư tư nhân vào khu vực. Điều này cho thấy dấu chân kinh tế của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Số tiền 150 triệu USD đại diện cho một cam kết, nhưng rất khiêm tốn.

Mỹ thích mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế của mình trong khu vực thông qua khu vực tư và mang tới những đối tác cùng chí hướng. Như vậy, họ có thể đối trọng với các dự án hạ tầng do nhà nước đầu tư của Trung Quốc trong khu vực.

Quân đội Mỹ đã nhận được chỉ thị rằng phải báo cáo về hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông nghĩ gì về chỉ thị này và chúng ta có thể dự đoán gì về phản ứng của Bắc Kinh? Chúng ta biết rằng Biển Đông là một khu vực quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc. Tôi cho rằng chỉ thị này không phải là một điều ngạc nhiên, phải vậy không?

Stephen Nagy:

Thời điểm khá thú vị. Nếu chúng ta nhìn vào những gì đã xảy ra trong năm qua, đặc biệt là từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền vào tháng 1/2017, ông đã tăng cường gây áp lực đối với Trung Quốc trên Biển Đông và các khu vực khác, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh cái gọi là hoạt động tự do hàng hải.

Những hoạt động này đã được thực hiện thường xuyên, có nghĩa là hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông lúc nào cũng diễn ra. Có ít nhất hai nhóm hải quân Mỹ hiện diện ở Biển Đông mỗi ngày. Ý nghĩa của hoạt động này là nhằm đẩy lùi tuyên bố chủ quyền (trái phép) và quyền kiểm soát (trái phép) của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chúng ta có những vấn đề khác trong khu vực. Chúng ta có Triều Tiên, Mỹ đang cố gây áp lực lên Trung Quốc và các quốc gia khác để phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Và chúng ta cũng có cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Từ quan điểm của Trung Quốc, họ sẽ tiếp tục gây sức ép trong những khu vực có khả năng gây phức tạp cho những nỗ lực của Mỹ, đặc biệt là Triều Tiên và Biển Đông.

Điều đáng kể là nó sẽ làm suy yếu năng lực ngoại giao mà Mỹ muốn sử dụng để gây sức ép với Trung Quốc. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh hóa giải một số áp lực từ cuộc chiến thương mại.

Điều mà Trung Quốc đang cố gắng làm và đang nghĩ tới là: Bằng cách giảm áp lực về Triều Tiên và tăng cường hoạt động trên Biển Đông, nước này có thể tạo điều kiện để mặc cả trong các cuộc đàm phán về thương mại với Mỹ.

Thương mại rất quan trọng với Trung Quốc. Trung Quốc coi trọng và ưu tiên ổn định kinh tế, ổn định an ninh khu vực để bản thân có thể duy trì tăng trưởng, giữ việc làm cho 1,4 tỉ người và đảm bảo cho từng ấy miệng ăn.

Đó là một bức tranh rất phức tạp và chúng ta sẽ còn tiếp tục thấy áp lực từ cả Trung Quốc và Mỹ khi họ giằng co nhau nhằm đạt được mục đích của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại