Khủng hoảng tại Boeing: Dự kiến sẽ thua lỗ thêm nhiều tỷ USD, vốn hóa bốc hơi 50 tỷ USD sau nửa năm, cả tháng không sản xuất được 1 chiếc 787 nào

Phương Linh |

Boeing đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Tập đoàn Boeing cho biết trong những tháng tới, họ sẽ tiếp tục đốt thêm hàng tỷ USD và có khả năng sẽ thua lỗ trong cả năm 2024. Đây là chỉ báo cho thấy nhà sản xuất máy bay phản lực này đang phải vật lộn để ngăn chặn sự suy thoái tài chính do các vấn đề về chuỗi cung ứng và sản xuất gây ra.

Một tháng sau khi công bố khoản lỗ gần 4 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm, giám đốc tài chính Brian West của Boeing đã cảnh báo các nhà đầu tư hôm thứ năm rằng công ty đang trên đà đối mặt với một khoản lỗ tiền mặt tương tự hoặc lớn hơn nữa trong quý này.

Cổ phiếu Boeing đã giảm hơn 7% trong phiên giao dịch hôm thứ năm. Cổ phiếu này đã mất khoảng 1/3 giá trị trong năm nay, thổi bay hơn 50 tỷ USD vốn hóa thị trường.

West cũng nói với các nhà đầu tư rằng Boeing khó có thể tạo ra dòng tiền dương trong cả năm do công ty đang phải đối mặt với việc sản xuất máy bay phản lực chậm lại. Đây là một bức tranh ảm đạm hơn so với một tháng trước khi công ty cho biết họ dự kiến sẽ thu hẹp lượng tiền thua lỗ trong quý này và kết thúc năm 2024 với dòng tiền dương.

West cho biết tại một hội nghị công nghiệp và vận tải ở New York: "Chúng tôi đã khiến khách hàng thất vọng vì một số vấn đề về sản xuất và chuỗi cung ứng mà chúng tôi đang phải đối mặt". Ông nói thêm rằng Boeing sẽ bắt đầu tạo ra tiền mặt vào nửa cuối năm nay.

Khủng hoảng tại Boeing: Dự kiến sẽ thua lỗ thêm nhiều tỷ USD, vốn hóa bốc hơi 50 tỷ USD sau nửa năm, cả tháng không sản xuất được 1 chiếc 787 nào- Ảnh 1.

Boeing đang vật lộn với việc sản xuất các máy bay phản lực 737 MAX bị chậm lại khi hãng này giải quyết tận gốc các vấn đề về chất lượng sau thảm họa suýt xảy ra trên chuyến bay của Alaska Airlines vào tháng 1. Những rắc rối đã thu hút sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý và gây ra sự xáo trộn mạnh trong ban lãnh đạo công ty.

West cho biết hôm thứ năm rằng số lượng những chiếc máy bay 737 được giao vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của công ty là giao được 38 máy bay mỗi tháng cho đến tháng 6. Ông cho biết Boeing đã giao 67 chiếc máy bay trong ba tháng đầu năm và đang trên đà đạt được con số tương tự trong quý hai. Ông cho biết sản lượng sẽ tăng vào cuối năm nay.

Thêm vào đó là một loạt các vấn đề không liên quan vừa làm chậm quá trình sản xuất vừa ngăn cản việc Boeing giao những chiếc máy bay mà họ đã chế tạo.

Các vấn đề bao gồm từ tình trạng thiếu linh kiện cho đến phát hiện gần đây được Boeing tiết lộ rằng nhân viên của họ có thể đã bỏ qua một số cuộc kiểm tra trên 787 Dreamliners và làm giả hồ sơ kiểm tra. Theo các nhà phân tích, tính đến tuần này, Boeing đã không sản xuất được chiếc 787 mới nào trong tháng này. Hàng chục chiếc máy bay vẫn đậu bên ngoài nhà máy sản xuất máy bay phản lực North Charleston chờ giao hàng.

Số lượng máy bay giao hàng hàng tháng của công ty trong tháng 4 đã chạm mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, khi lượng di chuyển bằng đường hàng không giảm khiến hoạt động sản xuất máy bay phản lực gần như đình trệ.

Chưa kể một vấn đề mới nhất vừa xuất hiện: Boeing cho biết trong tuần này rằng Trung Quốc đã tạm thời ngừng nhận máy bay phản lực MAX 8 để họ có thể xem xét pin có trong máy ghi âm buồng lái 25 giờ trên máy bay. Các cơ quan quản lý của Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán về vấn đề này và Boeing cho biết hôm thứ tư rằng họ sẽ hợp tác theo yêu cầu của các cơ quan kể trên.

Công ty cho biết Cục Hàng không Liên bang và các cơ quan quản lý châu Âu đã phê duyệt hệ thống này, đáp ứng yêu cầu của một số cơ quan an toàn hàng không không phải của Mỹ rằng máy ghi âm ghi được 25 giờ âm thanh thay vì hai giờ.

Boeing có 85 máy bay phản lực MAX dành cho thị trường Trung Quốc trong kho vào cuối năm 2023 và đã giao 22 chiếc cho đến thời điểm hiện tại trong năm nay. Việc giao hàng được tiếp tục trong năm nay sau thời gian 1 năm bị chính quyền Bắc Kinh đóng băng kể từ hai vụ tai nạn nghiêm trọng của chiếc 737 MAX 8. Tháng trước, công ty đã huy động 10 tỷ USD khi các nhà đầu tư lo ngại về tính thanh khoản của họ. Hiện Boeing kết thúc tháng 3 với 7,5 tỷ USD tiền mặt và các khoản đầu tư, chưa bằng một nửa so với đầu năm.

Vào tháng 4, Moody's đã hạ xếp hạng đối với khoản nợ không có bảo đảm của Boeing một bậc xuống Baa3, mức cấp đầu tư thấp nhất. Moody's kỳ vọng áp lực dòng tiền sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2026.

Boeing cho biết họ đang đàm phán để mua lại Spirit AeroSystems, công ty sản xuất thân máy bay cho 737, để giúp cải thiện chất lượng của máy bay. West cho biết công ty lạc quan rằng có thể đạt được thỏa thuận với Spirit vào cuối tháng 6.

Theo: WSJ



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại