Binh sĩ Nga tham gia một cuộc diễn tập quân sự ở Tajikistan hồi tháng 8/2021 (Ảnh: Reuters).
Cuộc khủng hoảng Ukraine đang có nguy cơ trở thành một cuộc chiến mới trước ngưỡng cửa châu Âu. Nhưng điều này cũng có thể mang đến những lợi ích cho Mỹ khi vai trò của NATO được tái khẳng định và dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đối mặt nguy cơ đình trệ.
Cơ hội cho NATO khẳng định vai trò
Tiếng "trống trận" gióng lên tại biên giới Nga-Ukraine đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ chưa từng có. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Toivo thực hiện cho thấy, trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, 60% người Phần Lan sẽ ủng hộ nước này gia nhập NATO. Đây là điều vô cùng bất ngờ, bởi Phần Lan là một quốc gia rất thận trọng trong một khu vực địa chính trị tương đối nhạy cảm. Trước đây, sự phản đối công khai của người dân Phần Lan đối với việc gia nhập NATO chưa bao giờ ở dưới mức 53%.
Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận tại Thụy Điển. Do sự hợp tác chặt chẽ về quân sự giữa hai quốc gia vùng Scandinavia, nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu một nước gia nhập NATO thì nước kia cũng sẽ có bước đi tương tự. Điều này cho thấy, trước các hành động quân sự của Nga, nhiều nước châu Âu đã gia tăng triển vọng phòng thủ tập thể.
Dù vô tình hay hữu ý, việc Nga ồ ạt triển khai quân đến biên giới Ukraine không chỉ giúp những nhân vật cam kết mở rộng NATO có cơ hội thúc đẩy ý tưởng của mình, mà còn tạo ra một chất xúc tác mạnh mẽ có khả năng thu hút dư luận. Trên thực tế, Điện Kremlin đã tạo cơ hội cho các đối thủ truyền thống tái khẳng định tầm quan trọng của việc thiết lập các cơ chế phòng thủ và răn đe đối với Nga.
Bất chấp những lời lẽ cảnh báo và đe dọa, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, một cuộc chiến quy mô lớn giữa Nga và Ukraine hoàn toàn không có khả năng xảy ra. Đây cũng là quan điểm của Fyodor Lukyanov – nhà phân tích chính sách đối ngoại nổi tiếng của Nga. Ông Fyodor Lukyanov nói rằng, lập trường quyết đoán của Moscow trước hết nhằm mục đích buộc Mỹ và các đồng minh phải đàm phán lại cấu trúc an ninh châu Âu, đặc biệt là khu vực ảnh hưởng của Liên Xô cũ. Vì thế, việc Mỹ sẵn sàng tham gia đối thoại về vấn đề này được coi là một thành công của Điện Kremlin.
Tuy vậy, điều đó không đồng nghĩa với việc những cuộc xung đột nhỏ - tương tự như những gì mà khu vực Donbass từng chứng kiến kể từ năm 2014 – sẽ không bùng phát dọc biên giới giữa Ukraine với Nga, hoặc giữa Ukraine và Belarus – nơi Moscow đã triển khai khoảng 30.000 quân tham gia tập trận chung với đồng minh.
Washington đang tận dụng thời cơ
Giữ vững lập trường cứng rắn trên bàn đàm phán là phản ứng của Mỹ trước những nỗ lực của Nga nhằm khẳng định lại vị thế chính trị của một cường quốc. Washington đã tiếp cận các mối đe dọa của Nga ở mức độ trực diện và đe dọa sẽ đáp trả tương xứng. Để thể hiện sự đồng thuận với Mỹ, nhiều nước châu Âu đã tuyên bố sẽ điều quân đến Ukraine. Châu Âu một lần nữa tràn ngập các đơn vị quân đội di chuyển đến và đi từ nhiều hướng. Ngoài khu vực biên giới giữa Ukraine với Nga, phương Tây cũng củng cố tuyến phòng thủ ở các nước Baltic, triển khai quân đội đến các địa điểm quan trọng về mặt chiến lược như Gotland, tăng cường sự hiện quân sự ở Ba Lan.
Có thể nói rằng, chính sách đối phó Nga của Mỹ đang tạo ra tầm ảnh hưởng ngoài sức tưởng tượng. Trong vài tuần ngắn ngủi, vị thế của Washington trên chính trường châu Âu đã thay đổi hoàn toàn. Khối NATO do Mỹ dẫn đầu nổi lên là nhân tố đảm bảo an ninh hàng đầu khi châu Âu chìm trong tâm lý chia rẽ và bất an.
Trong bối cảnh Nga gia tăng hoạt động quân sự dọc biên giới với Ukraine và mối lo ngại về khả năng Nga tấn công Ukraine ngày càng gia tăng, các nước thành viên của NATO đã điều quân đội và khí tài quân sự tới các nước thành viên giáp biên giới với Nga, song song với việc thực hiện nỗ lực ngoại giao con thoi để giảm căng thẳng. Cuộc khủng hoảng Ukraine cho thấy NATO vẫn là tổ chức đáng tin cậy duy nhất, định hình cơ chế phòng thủ ở châu Âu. Mặt khác, cuộc khủng hoảng đã phơi bày triển vọng mờ nhạt đối với kế hoạch của châu Âu nhằm thành lập một lực lượng quân đội riêng, để phát triển quyền tự chủ chiến lược.
Vào thời điểm cần một phản ứng thống nhất và rõ ràng, châu Âu lại không thể thể hiện được sự đồng lòng nhất trí. Ba cường quốc lớn nhất châu Âu là Đức, Pháp và Anh đang theo đuổi những cách thức tiếp cận khác biệt đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, thậm chí trái ngược nhau do bối cảnh chính trị của mỗi nước. Tổng thống Mỹ Biden đã thể hiện sự thất vọng khi ông nhắc đến sự chia rẽ trong NATO, cho rằng phản ứng đối với hành động của Nga có thể trở nên phức tạp hơn do “sự khác biệt” này.
Đáng chú ý, cuộc khủng hoảng Ukraine đã tạo ra sự thay đổi lớn đối với một trong những vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của Mỹ tại châu Âu: đó là dự án Dòng chảy phương Bắc 2 – tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức thông qua biển Baltic. Hiện giờ, các hoạt động quân sự của Nga đã đặt Đức vào một tình thế khó xử, khiến Berlin không hài lòng khi phải chấp nhận rằng, dự án đã trở thành một gánh nặng lớn về mặt an ninh.
Ngoài Trung Quốc, Dòng chảy phương Bắc 2 là một trong số ít vấn đề được sự đồng thuận của phe Dân chủ và phe Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ. Một số quan chức Mỹ đã tỏ ra thất vọng khi cho rằng Đức không muốn hoặc không thể đưa ra các biện pháp răn đe nghiêm trọng do phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Trước đó, nhiều nhân vật chính trị của Mỹ ở cả 2 đảng phái đã phản đối dự án này và sử dụng nhiều biện pháp, trong đó có cả đe dọa trừng phạt để ngăn cản dự án khi nó sắp đi vào vận hành./.