Khủng hoảng chính trị Iraq ảnh hưởng xấu tới cuộc chiến chống IS

Thu Hoài |

Dù muốn hay không, mọi bất ổn chính trị tại Iraq đều ảnh hưởng không nhỏ tới các chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Thủ tướng Iraq Haider Al Abadi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị được xem là tồi tệ nhất trong gần 2 năm cầm quyền.

Nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên khắp cả nước yêu cầu tiến hành cải tổ nội các, trong khi phiên họp Quốc hội ngày 26/4 đã không thể diễn ra suôn sẻ do vấp phải sự tẩy chay của nhiều nghị sĩ.

Hôm qua (26/4), hàng chục nghìn người biểu tình Iraq đã chiếm một khu vực ở trung tâm thủ đô Baghdad để yêu cầu tiến hành bỏ phiếu tại Quốc hội về việc cải tổ Nội các với mục tiêu chống tham nhũng.

Đây là cuộc biểu tình hòa bình quy mô lớn nhất tại thủ đô Baghdad trong những tuần qua.

Trong khi đó, phiên họp Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Salim al-Jabouri triệu tập không thể diễn ra suôn sẻ. Khoảng 100 nghị sỹ, những người đã tiến hành một cuộc biểu tình ngồi bên trong và quanh khu nhà này gần 2 tuần và đòi cách chức ông Jabouri, đã tìm cách ngăn chặn phiên họp.

Cuộc họp sau đó phải chuyển sang một phòng khác và phải đến cuối ngày hôm qua, Quốc hội mới thông qua một phần danh sách các ứng cử viên đề xuất cho Nội các mới.

Tuy nhiên, các nghị sĩ không được phép tham dự cuộc họp đã ngay lập tức phản đối mạnh mẽ tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu.

Thủ tướng Haider Al Abadi lên cầm quyền từ tháng 9/2014, ông Abadi được kỳ vọng sẽ tạo đà mới cho cuộc chiến chống nhóm Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng đã chiếm quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn của Iraq.

Tuy nhiên, Thủ tướng Abadi đã bị cuốn vào nhiều hồ sơ phức tạp, đặc biệt là vấn nạn tham nhũng tràn lan tại các thể chế nhà nước của Iraq, khiến người dân mất niềm tin với các tầng lớp chính trị.

Trước sự bất bình ngày càng tăng của người dân, Thủ tướng Abadi đã thông báo một loạt cải cách và thậm chí là cải tổ nội các nhằm đưa các nhân vật kỹ trị vào chính phủ.

Tuy nhiên lần nào cũng vấp phải sự từ chối của một bộ phận lãnh đạo Iraq, do các đặc quyền bị ảnh hưởng.

Những bế tắc chính trị này đã gây tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Iraq, vốn đã chịu ảnh hưởng của tình trạng giá dầu giảm.

Liên Hợp Quốc và Mỹ những ngày qua đã bày tỏ sự lo ngại khi những tranh cãi chính trị tại Iraq đang cản bước tiến cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Thủ tướng Iraq Abadi đang phải đối mặt với những thách thức lớn, phải nhanh chóng thành lập được chính phủ mới.

Chúng tôi tin rằng, sự thịnh vượng và ổn định của khu vực phụ thuộc vào cách các nước xử lý những vấn đề nội tại của mình một cách công bằng và không chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa bè phái.

Bởi đây chính là là kẻ thù của hòa bình và thịnh vượng”.

Iraq là một phần quan trọng của cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ và các đồng minh đang phát động.

Chính vì thế, mọi bất ổn chính trị tại quốc gia Trung Đông này đều ảnh hưởng không nhỏ tới các chiến lược của Mỹ.

Điều khiến cộng đồng quốc tế lo ngại là việc tìm kiếm giải pháp cho những cuộc khủng hoảng này không hề dễ dàng khi tại Iraq có sự phân hóa rõ ràng giữa hai cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite và Sunni.

Thực tế là hầu hết các cuộc biểu tình tại Iraq thời gian vừa qua đều do người Sunni phát động, những người vốn lâu nay vẫn không hài lòng với chính phủ do người Hồi giáo dòng Shiite lãnh đạo./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại