Hãng tin Bloomberg cho hay hàng loạt những quán ăn nhỏ ven đường ở Ấn Độ đã phải giảm lượng tiêu thụ dầu cọ và chuyển sang những món rẻ tiền hơn như đồ luộc, hầm...Trong khi đó, các cửa hiệu bánh ngọt ở Bờ biển Ngà (Ivory Coast) đã phải giảm kích cỡ để tiết kiệm chi phí nguyên liệu cũng như vừa túi tiền khách hàng.
Tại Mỹ, những chiếc bánh sandwich cũng ngày càng ít lát thịt xông khói hơn, pizza thì giảm thành phần để cân đối lại chi phí trong thời buổi nguyên liệu thiếu thốn còn lạm phát tăng cao.
Theo Bloomberg, chuỗi cung ứng hiện chưa hồi phục và còn nhiều thiếu thốn thời hậu dịch Covid-19, đồng thời phải chịu ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine đã khiến hàng loạt mặt hàng như bánh mỳ, thịt tươi và dầu nấu tăng giá mạnh.
Hậu quả là nhiều khu vực như Yemen, vốn nhập khẩu 90% lương thực từ khu vực đang xung đột sẽ phải chịu thảm họa nạn đói. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cảnh báo tình hình hiện nay sẽ tạo nên hiệu ứng "phá hủy nhu cầu" (Demand Destruction), ám chỉ giá hàng hóa quá cao khiến người dân không dám mua.
"Giá cả tăng quá mạnh khiến mọi người phải cắt giảm chi tiêu", chuyên gia Julian Conway McGill của hãng tư vấn LMC International nhận định.
Khốn khổ vì dầu ăn
Hãng tin Bloomberg cho hay dầu ăn thường được dùng phổ biến trong mảng thực phẩm và đang gián tiếp khiến ngành này lâm vào khủng hoảng do thiếu cung. Những nhà xuất khẩu dầu ăn chính trên thế giới đang đối mặt khó khăn thiếu lao động hậu đại dịch cũng như thời tiết xấu.
Thêm nữa, cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến giao thương bị ảnh hưởng và đẩy giá hàng loạt loại dầu ăn như dầu đậu nành, dầu cọ...lên mức cao kỷ lục. Mặc dù chính phủ nhiều nơi đã vào cuộc hạn chế xuất khẩu, áp giá trần nhưng tình hình vẫn chẳng khả quan. Giá cả mọi thứ lên quá cao khiến người tiêu dùng từ Châu Á đến Châu Âu phải siết chặt túi tiền, hạn chế chi tiêu.
Anh Raju Sahoo, chủ một nhà hàng tại Ấn Độ đã phải giảm lượng dầu cọ mua hàng ngày xuống còn 15kg bằng cách hạn chế phục vụ các món chiên xào, gia tăng đồ luộc, hấp.
"Hiện giờ tôi chỉ dám làm 300-400 bánh nướng mỗi ngày so với khoảng 1.000 cái trước đây. Thay vào đó tôi chuyển sang những món luộc-hấp để gia tăng lựa chọn cho khách hàng", anh Raju nói với hãng tin Bloomberg.
Tại Malaysia, quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn thứ 2 thế giới, sản lượng đã giảm mạnh do thiếu lao động. Tại Canada, hạn hán đang tàn phá những cánh đồng trồng cải dầu trong khi khí hậu thất thường khiến thu hoạch đậu tương ở Brazil và Argentina bị ảnh hưởng.
Tại Nga và Ukraine, vốn chiếm đến 75% lượng dầu hướng dương xuất khẩu thế giới, tình hình xung đột căng thẳng khiến giá mặt hàng này tăng vọt do thiếu cung.
Việc 4 loại dầu ăn chính là dầu cọ, dầu đậu nành, dầu cải lẫn dầu hướng dương tăng giá đã đẩy hàng loạt thực phẩm, từ bánh kẹo đến chocolate lên theo. Theo LMC, đà tăng giá đã khiến các khu vực như Nam Á hay Châu Phi rơi vào cảnh nghèo đói chưa từng thấy. Đó là chưa kể hàng loạt doanh nghiệp cắt giảm kích cỡ sản phẩm để thay đổi theo thị trường.
Từ phân bón đến bàn ăn
Tại Bờ biển Ngà, Tổ chức kinh doanh bán ngọt (OBE) đang xem xét cắt giảm kích cỡ sản phẩm bởi giá mặt hàng này bị chính phủ cố định, do đó họ phải tự điều chỉnh khi nguyên liệu lúa mỳ tăng mạnh vì xung đột Nga-Ukraine.
Nguy hiểm hơn, chuyên gia phân tích Brice Dunlop của Fitch Solutions cảnh báo sự thay đổi liên quan đến bàn ăn của mọi người có thể kích thích những biến động trong xã hội.
"Ấn Độ đã từng có rất nhiều vụ bạo động liên quan đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thực phẩm, trong khi dầu ăn lại là nguyên liệu chính cho nấu nướng tại đây", ông Dunlop cảnh báo.
Tại Brazil, những người nông dân như anh Zilto Donadello đã phải cắt giảm 30-50% phân bón cho cánh đồng đậu nành bất chấp chúng làm suy giảm sản lượng thu hoạch. Vị chủ trang trại này đã ngừng mua thêm phân bón dự trữ từ tháng 9/2021 vì hy vọng giá sẽ giảm, thế nhưng cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến tình hình tồi tệ hơn.
Theo Donadello, giá đậu nành đã tăng nhưng như vậy chẳng đáng là bao so với chi phí sản xuất chúng.
"Rủi ro quá cao trong khi lợi nhuận lại quá thấp", ông Donadello ngán ngẩm.
Tương tự tại Mỹ, chủ quán gà nướng Joe Fontana ở bang Chicago cũng đang phải chật vật vì chi phí đi lên. 5 nhà hàng của Fontana đã phải dừng dùng dầu thực vật để chuyển sang rán bằng mỡ. Thế nhưng ngay cả mỡ động vật cũng đang tăng giá vì nhu cầu dùng loại mỡ này làm nhiên liệu thay thế dầu diesel cũng đi lên trong bối cảnh xăng dầu đắt đỏ.
"Kể từ đầu năm 2021, mọi thứ dường như đều tăng 100%", ông Fontana thở dài khi cho biết mỡ bò 50 pound có giá 29 USD nhiều năm trước thì nay đã lên đến 56 USD.
Hậu quả là các nhà hàng của Fontana đã phải tăng giá sandwich kẹp thịt gà nướng lên trên 10 USD/chiếc và sẽ còn tăng tiếp nếu lạm phát tiếp tục như hiện nay. Khách hàng thì than vãn vì đắt đỏ nhưng Fontana chẳng thể làm gì được nếu muốn duy trì chi phí mở quán.
Không riêng gì quán gà, chuyên gia phân tích Christine McCracken của Rabobank cảnh báo đến pizza giờ đây cũng điều chỉnh giảm nguyên liệu và tăng giá để duy trì hoạt động.
"Hãy cứ theo dõi giá thực phẩm đi, bạn sẽ thấy bàn ăn của mọi người đắt đỏ hơn nhiều đấy", bà McCracken cảnh bảo.