Khủng hoảng lương thực tràn sang châu Á: Món mì "quốc dân" của Indonesia cháy hàng

Hữu Hiển |

Ngoài việc Indonesia đang tìm kiếm các nguồn nhập khẩu lúa mì khác, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ và Australia đều nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực trước mắt.

Tờ The Straits Times của Singapore ngày 21/3 đưa tin, khi xung đột quân sự tại Ukraine bắt đầu ảnh hưởng đến việc thu mua lúa mì, các nhà sản xuất lương thực Indonesia có thể phải tìm kiếm các nguồn nhập khẩu lúa mì thay thế.

Ratna Sari Loppies - Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà sản xuất bột mì Indonesia - cho biết, tính đến nay, ít nhất 8 container lúa mì cho nhu cầu sản xuất bột mì đã bị mắc kẹt tại Ukraine, tổng cộng 160 tấn lúa mì đã không được vận chuyển.

Ukraine là nhà cung cấp ngũ cốc số 1 cho Indonesia

Đối với người Indonesia, mì Indomie cũng giống như mì ăn liền, và người Indonesia từ trẻ đến già đều ăn món mì rất phổ biến này.

Theo kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar ngày 21/3 đưa tin, mỗi năm có khoảng 19 tỷ gói mì Indomie được sản xuất và được bán cho hơn 100 quốc gia và khu vực.

Khủng hoảng lương thực tràn sang châu Á: Món mì quốc dân của Indonesia cháy hàng - Ảnh 1.

Mì Indomie được bày bán trong siêu thị ở Indonesia. Ảnh: Nikkei

Nhưng gần đây, nhiều người tiêu dùng nước này phát hiện ra rằng Indomie gần như không có mặt trên các kệ hàng trong siêu thị. 

Kênh truyền hình Al Jazeera đã mô tả cảnh tượng như vậy: Trong một siêu thị ở Medan (Indonesia), các nhân viên liên tục bị khách hàng hỏi "Indomie đã đi đâu?"

Một nhân viên siêu thị tên là Nasir nói với Al Jazeera: "Chúng tôi có một số nhãn hiệu khác (mì ăn liền) trong kho, nhưng Indomie vẫn là sản phẩm phổ biến nhất. Trong vài tuần nay đã không có hàng mới để nhập. Chúng tôi không biết phải làm gì với khách hàng của mình".

Ukraine là nhà cung cấp ngũ cốc lớn nhất cho Indonesia. Theo Cục Thống kê Quốc gia Indonesia, Ukraine đã xuất khẩu gần 3 triệu tấn lúa mì và meslin (một loại ngũ cốc làm từ lúa mì và lúa mạch đen) sang Indonesia vào năm 2020.

Al Jazeera lưu ý rằng, chiến sự tại Ukraine đã làm dấy lên lo ngại của người Indonesia về nguồn cung Indomie. Trong khi vẫn chưa rõ chính xác cuộc xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến nguồn cung lúa mì của Indonesia, đã có những lời phàn nàn từ các cửa hàng và nhà hàng địa phương rằng Indomie - vốn sản xuất bằng lúa mì nhập khẩu - đang trở nên khó kiếm hơn.

Một nhà điều hành nhà hàng khác cho biết, mặc dù Indomie vẫn còn nhưng giá đã tăng lên. Đối với những quán ăn nhanh và nhà hàng, Indomie là một nguyên liệu quan trọng trong nhà bếp.

Jennifer Kim Rosenzweig - Phó giám đốc Văn phòng đại diện Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tại Indonesia - nói với Al Jazeera: "Chúng tôi vẫn chưa biết điều này (tình hình ở Ukraine) sẽ có tác động gì đến giá và sản lượng lúa mì (Indonesia)". Bà Rosenzweig nhấn mạnh rằng, họ đang theo dõi tình hình để phân tích tác động có thể xảy ra đối với nguồn cung lúa mì.

Nhưng Lestary J Barany - một trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược và Các vấn đề Quốc tế Indonesia (CSIS) - cho biết, đã có bằng chứng cho thấy nguồn cung lúa mì của Indonesia đang khan hiếm.

Một số doanh nghiệp trong ngành chỉ ra rằng, đằng sau việc thị trường tiêu thụ thực phẩm Indonesia phụ thuộc vào lúa mì nhập khẩu là sự mất cân bằng về chế độ ăn uống và cơ cấu công nghiệp của nước này.

Dicky Senda - một nhà văn và nhà hoạt động thực phẩm tại Mollo (Đông Nusa Tenggara, Indonesia) - nói với Al Jazeera rằng, các mặt hàng chủ lực địa phương như ngô được coi là "lương thực hạng hai", và giá bán các mặt hàng này không đủ sức thu hút nông dân đầu tư sản xuất.

Đầu tháng này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa ra cảnh báo. Ông lo ngại xung đột ở Ukraine sẽ dẫn đến giá lương thực toàn cầu tăng cao, gây áp lực lên thị trường lương thực của Indonesia.

Nhiều quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng

Tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 19/3 đưa tin, Ukraine và Nga đều nằm trong số các nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Năm 2019, Nga và Ukraine chiếm hơn 20% tổng lượng xuất khẩu lúa mì và lúa mạch toàn cầu.

Tờ The Straits Times ngày 21/3 đưa tin, ngoài việc ngành công nghiệp Indonesia đang cố gắng tìm kiếm các nguồn nhập khẩu lúa mì khác ở nước ngoài, nhiều nước châu Á khác như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ và cả Australia đều đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực trước mắt.

Khủng hoảng lương thực tràn sang châu Á: Món mì quốc dân của Indonesia cháy hàng - Ảnh 3.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang làm cho giá lương thực tăng cao trên toàn cầu. Ảnh: 163.com

Theo bài báo, Philippines có khoảng cách địa lý khá xa với Ukraine và Nga và có ít quan hệ kinh tế hơn. Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine cũng đã làm tăng giá xăng dầu và các sản phẩm năng lượng khác, dẫn đến giá lương thực cao hơn.

An ninh lương thực ở Malaysia đã bị ảnh hưởng do giá phân bón và thức ăn chăn nuôi tăng vọt. Thương mại với Ukraine và Nga chỉ chiếm 0,5% tổng kim ngạch ngoại thương của Malaysia, nhưng ngành chăn nuôi gia cầm của nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, 90% trong số đó đến từ các nước như Ukraine, Brazil và Argentina. Hiện nay, giá thịt gà và trứng ở Malaysia đã tăng đáng kể, buộc chính phủ nước này phải áp đặt các biện pháp kiểm soát giá để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng.

Kim ngạch thương mại của Thái Lan với Nga và Ukraine lần lượt chiếm 0,5% và 0,9% tổng kim ngạch ngoại thương của Thái Lan, vào khoảng 3 tỷ USD. Giống như nhiều quốc gia châu Á khác, Thái Lan bị ảnh hưởng gián tiếp bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 2 đã tăng 5,28% so với một năm trước đó, cao hơn dự kiến ​​và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2008. Với việc người tiêu dùng đã phải chịu cú sốc lạm phát, họ cũng sẽ phải đối mặt với việc tăng giá gạo jasmine, dầu cọ, cao su và thịt lợn do ảnh hưởng của cuộc xung đột.

Trước đó, một số kênh truyền thông đã chỉ ra rằng Ấn Độ - quốc gia phụ thuộc vào năng lượng và nhập khẩu vũ khí - đang đối mặt với sự bất ổn cao do xung đột giữa Nga và Ukraine. Tờ The Straits Times ngày 21/3 đưa tin, lạm phát của Ấn Độ đã tăng từ 10% đến 30% trong năm ngoái, và cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm tăng giá các sản phẩm liên quan đến dầu ăn. Trong bối cảnh đó, các hộ gia đình có thu nhập thấp sẽ chịu nhiều áp lực nhất về giá.

Tại Australia - quốc gia tiếp giáp với châu Á, những người nông dân may mắn có một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, việc nhập khẩu lúa mì, ngô, lúa mạch, dầu hướng dương và một số sản phẩm khác vẫn bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Hơn nữa, nguồn nhập khẩu nhiên liệu và phân bón chính cho nông dân Australia là từ Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại