Thực tế môi trường ở Trung Quốc hiện nay đang ngày càng trở nên tồi tệ. Sự xuất hiện nhan nhản của các ngôi làng ung thư là kết quả của sự thờ ơ với vấn đề bảo vệ môi trường trong 3 thập niên phát triển kinh tế ồ ạt.
Trong vòng 3 thập niên, tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở quốc gia đông dân nhất thế giới đã tăng đến 80% và trở thành nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở Trung Quốc.
Theo ước tính, khoảng 80% nước ngầm tại các thành phố ở đất nước này được cho là đang bị nhiễm độc nghiêm trọng.
Thậm chí, tại quốc gia này đã xuất hiện nhiều "làng ung thư", chủ yếu là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm hóa chất công nghiệp.
Tuy chính quyền của các địa phương đã nhiều lần khẳng định luôn sẵn sàng và tận tâm trong các hoạt động bảo vệ môi trường, nhưng sự thật lại cho thấy người dân ở những nơi này phải gánh chịu rất nhiều hậu quả nghiêm trọng từ các nhà máy độc hại ấy, trong đó có ngôi làng Hạc Sơn ở xã Bạch Vân, huyện Thạch Môn, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Các nhà máy hóa chất và mỏ khai thác mọc lên như nấm ở quanh làng Hạc Sơn từ những năm 1950-2011.
Sau đó, những nhà máy này đều phải đóng cửa và ngưng hoạt động vì gây ô nhiễm trầm trọng.
Tuy nhiên, khói bụi và chất thạch tín từ các dòng nước thải của những nhà máy này vẫn còn hiện diện tại đây, phá hủy mùa màng, gây ra tình trạng nhiễm độc cho người dân và biến Hạc Sơn trở thành "làng ung thư" nổi tiếng ở đất nước đông dân nhất thế giới.
Thạch tín và các hợp chất vô cơ thường được dùng trong thuốc diệt cỏ, thuốc bảo quản gỗ và trong ngành công nghiệp luyện kim.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã liệt kê thạch tín vào một trong những chất gây nguy hiểm tới sức khỏe con người, có thể gây ung thư da, bàng quang và phổi.
Trong dữ liệu nghiên cứu từ những năm 1990, nồng độ thạch tín ở khu vực mỏ gần Hạc Sơn cao gấp 15 lần so với mức tiêu chuẩn an toàn đối với đất nông nghiệp của chính phủ Trung Quốc.
Cây lúa không thể mọc và phát triển vì nồng độ thạch tín cao trong nước. Nước mưa làm xói mòn đất và trôi nhiều loại chất ô nhiễm vào cánh đồng, khiến cho nhiều loại cây trồng khác không thể sinh tồn.
Năm 2010, trong số 1.500 cư dân của làng Hạc Sơn thì có tới 167 người chết vì ung thư, ảnh hưởng từ nhiễm độc thạch tín, ngoài ra còn có 190 người khác cũng mắc bệnh ung thư vì nguyên nhân tương tự.
Người dân trong làng đã phải viết thư kiến nghị gửi chính quyền địa phương, yêu cầu được bồi thường và hỗ trợ.
Tình trạng nhiễm độc đã khiến ngôi làng trở nên tiêu điều, hoang vắng. Số người chết vì ung thư ngày càng tăng lên nhanh chóng, còn những người sống thì nơm nớp lo sợ vì chẳng biết mình sẽ ra đi vào lúc nào.
Đa số người dân sinh sống tại đây đều phải sử dụng rất nhiều loại thuốc để duy trì sức khoẻ, nhiều người thậm chí còn tích thuốc ngủ để "đỡ phải ra đi một cách đau đớn".
Tuy nhiên, số tiền mua thuốc quá lớn cũng là một vấn đề khiến cho người dân Hạc Sơn phải trăn trở, bởi họ đã không còn đủ sức để lao động kiếm tiền cứu vãn sinh mạng ngắn ngủi của mình nữa.
Trước sự nở rộ và diễn biến phức tạp của những ngôi làng ung thư, Bộ Khoa học và kỹ thuật Trung Quốc đã phát động và lên kế hoạch dự án "Bản đồ ung thư Trung Quốc".
Tập bản đồ này dự kiến sẽ được phát hành vào năm 2017 và sẽ giúp cho người dân Trung Quốc có cái nhìn toàn diện hơn về sự phân bố khu vực mắc bệnh , đặc biệt là để xác định địa phương nào có tỉ lệ mắc bệnh cao, nhằm cải thiện hiệu quả nghiên cứu về nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư ác tính.
Bên cạnh làng Hạc Đức, những ngôi làng được liệt vào danh sách của "Bản đồ ung thư Trung Quốc" còn có: thôn Tam Hợp, làng Ngũ Sơn, huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây; thị trấn Bạch Lộc Kiều, huyện Hán Thọ, tỉnh Hồ Nam; thôn Nam Môn, Thượng Hải; thôn Viễn Phong, trấn Hổ Môn, thành phố Đông Hoan; thôn Tiêu Sơn Ổ Lý, Hàng Châu; làng Đới, huyện Khẩu, Giang Tây; thôn Hổ Đầu, thị trấn Lai Binh, thành phố Tuyên Uy, tỉnh Vân Nam; thôn Hoàng Mạnh Doanh, làng Châu Doanh, huyện Trầm Khâu, tỉnh Hà Nam; thôn Cố Tân, tỉnh Hà Bắc...
Những hậu quả mà các loại chất độc hại gây ra cho cơ thể người dân Hạc Sơn.
Một người phụ nữ đau khổ bên di ảnh người thân đã chết vì ung thư.
Họ đã quá quen với việc "sống chung với thuốc".
Những căn nhà vắng vẻ, lạnh lẽo vì quá neo người.
Thậm chí cây cối cũng chẳng thể tốt tươi trên mảnh đất toàn chất độc hại này.
Đây chỉ là một trong những ngôi làng ung thư nổi tiếng của "Bản đồ ung thư Trung Quốc".